Hen phế quản ở phụ nữ có thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hen phế quản là bệnh thường gặp trong thai kỳ, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên trên 8% phụ nữ có thai. Nếu không được kiểm soát tốt bệnh hen có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến cả mẹ và bé. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về hen phế quản và thai kỳ, hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để có cách điều trị và phòng ngừa bệnh.

1. Phụ nữ bị hen phế quản có thể mang thai an toàn được không?

Hen phế quản là bệnh lý đường hô hấp, nếu được kiểm soát tốt, người bệnh có thể chung sống với tình trạng này như một người bình thường, vẫn có thể mang thai và sinh con, tuy nhiên do nguy cơ của bệnh nên cần được theo dõi sát trong quá trình mang thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

2. Nguy cơ của mẹ và bé trong quá trình mang thai là gì?

Đa số những phụ nữ hen phế quản và thai nhi không phải chịu biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ khi cơn hen được kiểm soát tốt, ngược lại, nếu cơn hen không được kiểm soát, tình trạng khó thở thường xuyên dẫn tới thiếu oxy thai, gây các biến chứng cho thai nhi: suy thai, đẻ non, thai chậm phát triển. Tăng huyết áp và tiền sản giật có thể gặp ở mẹ.

Việc điều trị đều đặn và theo dõi định kỳ thường xuyên giúp làm giảm biến chứng cho cả mẹ và bé.


Đa số những phụ nữ hen phế quản và thai nhi không phải chịu biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ
Đa số những phụ nữ hen phế quản và thai nhi không phải chịu biến chứng trong quá trình mang thai và chuyển dạ

3. Trước và trong quá trình mang thai cần chú ý những gì?

Nên thông báo dự kế hoạch có thai của mình trước với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn khi nào tình trạng bệnh cho phép mang thai an toàn hơn.

Trước khi mang thai ngoài các công tác chuẩn bị như phụ nữ thông thường khác, phụ nữ nên tiêm phòng các bệnh: sởi, quai bị, Rubella, HBV trước khi mang thai, tiêm phòng cúm có thể trong quá trình mang thai do không có bằng chứng ảnh hướng đến thai nhi.

Trong quá trình mang thai:

  • Nhiều thai phụ khi mang thai khi thấy tình trạng bệnh ổn định hoặc lo sợ nguy cơ của thuốc đến thai đã tự dừng thuốc, việc này có thể làm khởi phát cơn hen nặng đe dọa mẹ và bé. Vì vậy không tự ý dừng thuốc điều trị khi mang thai.
  • Không tự ý dùng thuốc khác nếu chưa có ý kiến bác sĩ do có thể làm nặng tình trạng hen hoặc ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Khám đình kì bác sỹ chuyên khoa, khoảng cách giữa các lần theo dõi tùy thuộc tình trạng bệnh và tuần thai, giúp đánh giá:

Chức năng phổi: khi thăm khám kết hợp lưu lượng đỉnh kế đo tại nhà. Lưu lượng đỉnh kế có vai trò rất quan trọng trong theo dõi kiểm soát bệnh, tùy tình trạng bệnh, có thể đo ngày 2 lần sáng tối cách nhau 12 giờ nhưng hãy nhớ giảm lưu lượng đỉnh báo hiệu tình trạng xấu đi của bệnh dù bản thân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh

Đo huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu: đánh giá biến chứng tăng huyết áp, tiền sản giật.

Tình trạng phát triển của thai: cần siêu âm thai lại giữa tuần 18-20 thai kỳ để đánh giá sự phát triển của thai nhi, nếu thai phụ cần phải sử dụng corticoid đường uống thì nên siêu âm lại sau mỗi 4 tuần sau tuần thứ 20 để đảm bảo thai phát triển bình thường. Ở bệnh nhân có cơn hen phế quản tái phát nhiều nên đo thêm cử động thai nhi trong khi được siêu âm.

  • Đảm bảo lối sống không có chất kích thích (cafe, hút thuốc lá thụ động, bia rượu) và hạn chế tối đa dị nguyên có thể gây trầm trọng bệnh ( nên được làm test tìm dị nguyên đặc hiệu gây bệnh trước quá trình mang thai nếu bạn có hen dị ứng)

4. Tiến triển của hen phế quản khi mang thai?

Mang thai không có nghĩa là sẽ làm tình trạng hen nặng lên, diễn biến tùy từng thai phụ, tình trạng hen phế quản có thể nhẹ đi (thường là cải thiện dần), không xuất hiện cơn hen trong lúc mang thai hoặc ổn định như lúc trước khi có thai (30% thai phụ) tuy nhiên tình trạng bệnh có thể nặng hơn ở 1/3 phụ nữ có thai bị hen phế quản thường hay gặp ở tuần 29-36 thai kì. Rất ít gặp tình trạng bệnh nặng ở tuần cuối thai kì và trong lúc chuyển dạ.

Mức độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống nhưng lần mang thai sau.


Mức độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống nhưng lần mang thai sau
Mức độ trầm trọng của triệu chứng hen phế quản trong lần mang thai đầu tiên thường giống nhưng lần mang thai sau

5. Điều trị hen phế quản có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tùy tình trạng bệnh mà khi mang thai, thuốc điều trị sẽ được chỉnh thuốc và chỉnh liều phù hợp để đảm bảo kiểm soát bệnh ổn định mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Thai phụ nên tuân thủ điều trị để hạn chế cơn hen xuất hiện, cũng tức là giúp hạn chế sử dụng thuốc có nguy cơ ảnh hưởng đến con.

Thuốc giãn phế quản dạng xịt, hít:

  • Các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh cắt triệu chứng (như albuterol, terbutaline) an toàn trong thai kỳ.
  • Các thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (salmeterol, formoterol) thường kết hợp corticoid dạng hít có vai trò trong kiểm soát bệnh và ngăn ngừa cơn hen, tuy chưa có nhiều bằng chứng an toàn nhưng chúng vẫn được sử dụng do lợi ích vượt trội được chứng minh và do sự tương đồng hóa học với loại tác dụng ngắn nói trên.

Glucocorticoid đường hít: được sử dụng phổ biến trong thai kì như budesonide và beclometasone.

Glucocorticoid đường uống: kinh nghiệm điều trị cho thấy glucocorticoid khá an toàn cho cả mẹ và thai nhi dù một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ rất nhỏ của hở môi hàm ếch khi mẹ sử dụng đường uống dưới tuần 13 thai kì. Cũng có nghiên cứu chỉ ra mối liên quan với biến chứng đẻ non và thiếu cân của thai nhi nhưng cũng chưa loại trừ được biến chứng này liên quan đến các cơn hen phế quản trong quá trình mang thai. Thực tế nhưng nguy cơ trên có thể nhỏ hơn rất nhiều so với nguy cơ khi hen phế quản nặng không được điều trị do có thể gây tử vong cả mẹ và bé.

Một số thuốc khác được sử dụng trong quá trình mang thai gồm: theophyllin, kháng leukotrien, kháng histamin (diphenhydramin, ferofenadin, cetirizine, loratadin) và liệu pháp miễn dịch đặc hiệu khi đang tiến hành.

Các thuốc sinh học như: Omalizumab chưa có nhiều bằng chứng nghiên cứu về độ an toàn của thuốc này nhưng việc khởi đầu dùng thuốc khi đang mang thai không được khuyến cáo), các thuốc khác như kháng IL-5 hiện chưa có nhiều nghiên cứu.

6. Cần làm gì nếu có cơn hen trong khi mang thai?


Xử trí tại nhà tương tự như lúc bạn không mang thai (ưu tiên cắt cơn bằng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng ngắn như albuterol)
Xử trí tại nhà tương tự như lúc bạn không mang thai (ưu tiên cắt cơn bằng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng ngắn như albuterol)

Khi mang thai, các cơn hen thường xuất hiện nhiều nhất ở tuần 17-24 chu kì, chưa rõ nguyên nhân vì sao nhưng cũng có thể liên quan đến sự ngưng sử dụng thuốc do hiểu biết chưa đúng về bệnh.

Khi có cơn hen kịch phát trong quá trình mang thai, việc xử trí tại nhà tương tự như lúc bạn không mang thai (ưu tiên cắt cơn bằng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng ngắn như albuterol), tuy nhiên cần nhập viện để được theo dõi tình trạng của cả mẹ và bé và được xử trí kịp thời do có nguy cơ biến chứng cao.

7. Chăm sóc sau sinh

Thường các triệu chứng hen phế quản trở về ổn định như tình trạng ban đầu sau 3 tháng đầu sau sinh.

Nên nuôi con bằng sữa mẹ, bên cạnh những lợi ích thông thường như dinh dưỡng, miễn dịch và tâm lý cho mẹ và bé, nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ những đợt khò khè của trẻ trong 2 năm đầu. Một số thuốc có thể qua sữa vào cơ thể bé nên bạn cần được tư vấn bác sĩ về các thuốc phù hợp điều trị trong giai đoạn này.

Tóm lại, hen phế quản không phải chống chỉ định của mang thai, người mẹ và thai nhi hoàn toàn có thể khỏe mạnh nếu:

  • Có kế hoạch mang thai và thông báo trước với bác sĩ để cùng xác định thời gian mang thai phù hợp tùy thuộc tình trạng bệnh ổn định.
  • Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các nguy cơ trong quá trình mang thai, các biện pháp dự phòng cơn hen, quá trình nuôi con và dinh dưỡng hợp lý.
  • Tuân thủ điều trị, khám thai và hen phế quản định kì, tuyệt đối không bỏ thuốc tránh nguy hiểm không đáng có cho mẹ và thai nhi.
  • Khi triệu chứng nặng lên tại nhà, bên cạnh xử trí cắt cơn, cần đến viện ngay để được theo dõi sát và chăm sóc phù hợp.

8. Trẻ sinh ra sau này có bị hen phế quản không?

Mặc dù cơ chế bệnh sinh phức tạp liên quan đến yếu tố bên trong cơ thể và tương tác với môi trường nhưng trẻ sẽ có nguy cơ mắc hen phế quản và các bệnh lý khác (viêm da cơ địa, mày đay,..) cao hơn trẻ khác, đặc biệt nếu có cả bố và mẹ cùng mắc hen phế quản dị ứng.

Đồng hành cùng mẹ bầu trong suốt giai đoạn thai kỳ, để mẹ "mang bầu không lo âu", Vinmec cho ra mắt Khóa học trực tuyến "Thai kỳ khỏe mạnh cùng chuyên gia Vinmec" đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay theo tiêu chuẩn y khoa:

  • 100% các bài học bằng video với chuyên gia Vinmec
  • 100% thông tin thai sản, di truyền, tâm lý, vận động và dinh dưỡng theo chuẩn y khoa
  • 10 lần tương tác, trao đổi với bác sĩ tương đương như 10 lần khám thai
  • Khoá học trên nền tảng riêng, thiết kế thời gian phù hợp học mọi lúc, mọi nơi
  • Nội dung học bổ ích cho mẹ bầu và cả gia đình

Tìm hiểu thêm về khoá học tại: https://songkhoe.vinmec.com

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe