Nghiên cứu cho thấy hoạt động hệ miễn dịch của mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi. Các chuyên gia đã phát hiện ra chức năng não bộ của trẻ ngắn và dài hạn có thể chịu tác động bởi kích hoạt hệ thống miễn dịch trong tam cá nguyệt cuối cùng.
1. Nghiên cứu về hệ miễn dịch của mẹ và não bộ của trẻ
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh ngày 26/02/2018 cho thấy hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi trong bụng. Nhiều yếu tố có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch - chẳng hạn như nhiễm trùng, căng thẳng, bệnh tật và dị ứng - dẫn đến phản ứng viêm và làm giải phóng các protein. Trước đây, nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra một số loại protein như thế có thể ảnh hưởng đến con cái của chúng. Tuy nhiên, ít người biết về tác động này ở con người.
Để tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi quá trình phát triển não bộ của trẻ trong tử cung, cho đến khi sinh và trong suốt quá trình mới biết đi. Phụ nữ trẻ mang thai (độ tuổi từ 14 - 19) là đối tượng được chọn, bởi họ có nguy cơ cao bị căng thẳng tâm lý xã hội và dẫn đến phản ứng viêm nhiễm. Kết quả phát hiện ra rằng chức năng não ngắn hạn và dài hạn của một đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng nếu hệ miễn dịch của mẹ bị kích hoạt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
Cụ thể, sức khỏe của mẹ có dấu hiệu viêm nhiễm sẽ làm thay đổi nhịp tim thai nhi. Tiếp tục xem xét mối liên hệ giữa nhịp tim của thai nhi và hệ thần kinh, các nhà nghiên cứu cho biết phản ứng viêm ở hệ miễn dịch của mẹ đã bắt đầu có ảnh hưởng đến bé ngay cả trước khi sinh.
Trong vài tuần đầu tiên sau khi bà mẹ trẻ mang mức protein cao trong thai kỳ (báo hiệu tình trạng viêm nhiễm) sinh con, tiến hành quét MRI cho thấy kết nối giữa các vùng khác nhau trong não bộ của trẻ có sự gián đoạn. Những vùng não này được gọi chung là mạng lưới phục hồi, có nhiệm vụ lọc các kích thích đi vào não và xác định vùng nào cần được chú ý.
Theo giải thích của chuyên gia, bộ não của chúng ta liên tục tiếp nhận thông tin từ cơ thể và thế giới bên ngoài. Mạng lưới trên sẽ sàng lọc thông tin quyết định điều gì là quan trọng để hành động. Những xáo trộn hoạt động của mạng lưới này, cũng như các loại nhiễm trùng khác nhau và các tác nhân khác gây ra phản ứng miễn dịch của phụ nữ mang thai, có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tâm thần, chẳng hạn như tâm thần phân liệt và rối loạn phổ tự kỷ.
Mối tương quan này không chỉ giới hạn ở thời kỳ sơ sinh, mà tiếp tục tồn tại cho đến thời kỳ trẻ mới biết đi. Khi trẻ được 14 tháng tuổi, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy sự khác biệt về kỹ năng vận động, phát triển ngôn ngữ cũng như hành vi của các bé có mẹ bị kích hoạt hệ miễn dịch khi mang thai.
Mặc dù các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh điều này, nhưng phát hiện mới trên đây đã chỉ ra rằng các dấu hiệu viêm trong máu của người mẹ có thể liên quan đến những thay đổi ngắn hạn và dài hạn trong não của con cái. Từ đây, các chuyên gia sẽ xác định những cách để ngăn chặn tác động này và đảm bảo trẻ em phát triển theo cách lành mạnh nhất có thể - bắt đầu từ trong bụng mẹ và tiếp tục trong suốt thời thơ ấu cũng như khi trưởng thành.
2. Cách tăng cường miễn dịch khi mang thai
Sau đây là những lời khuyên cơ bản để tăng cường sức khỏe của mẹ trong thai kỳ mà bạn có thể tham khảo:
- Tuân thủ các khuyến cáo chung để tự bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát. Ví dụ như hạn chế đến nơi đông đúc, thường xuyên sát khuẩn tay, đeo khẩu trang đúng cách, ăn chín uống sôi...
- Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C (cam, ớt chuông, ổi...), chất sắt (thịt đỏ, rau lá xanh đậm, đậu,...) và các vitamin khác như A, B, D cũng như khoáng chất kẽm, axit béo,... để ngăn ngừa trạng thiếu máu và tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh thông thường, nhiễm trùng và các dị tật bẩm sinh. Lưu ý, thai phụ nên tránh ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh để tránh hệ miễn dịch bị tổn thương.
- Uống nhiều nước là một cách giúp tăng cường sức khỏe của mẹ trong thai kỳ vô cùng đơn giản và hiệu quả, nhưng lại ít được chú ý. Bổ sung đủ chất không chỉ giúp giải độc cơ thể qua việc bài tiết mồ hôi và nước tiểu, mà còn giữ ẩm, làm đẹp da. Thai phụ nên uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày.
- Thai phụ nên vận động thể chất 20 phút/ ngày và duy trì 5 ngày/ tuần để giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh vặt trong thời tiết giao mùa. Hơn thế nữa, nỗ lực này còn giúp cơ thể dẻo dai, tăng sức chịu đựng, thúc đẩy quá trình bài tiết độc tố và tăng tốc độ tổng hợp kháng thể. Tuy nhiên, mẹ bầu chỉ nên tập những bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Dừng tập luyện ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu bất thường.
- Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý giúp đảm bảo sức khỏe của mẹ và cả thai nhi. Mẹ bầu nên ngủ đúng giờ và đủ giấc vì chất lượng giấc ngủ có thể giúp tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, bạn cũng cần giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ, bởi căng thẳng hay buồn phiền có thể làm tăng hormone cortisol, khiến chức năng miễn dịch suy yếu. Tránh sử dụng các chất kích thích, thay vào đó là tập yoga cho bà bầu, thiền, đọc sách hoặc nghe nhạc.
Mặc dù phát hiện mới về mối tương quan giữa hệ miễn dịch của mẹ và não bộ của trẻ là rất có giá trị, tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu đầy đủ về cơ chế kích hoạt hệ thống miễn dịch của mẹ bầu ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào. Nhìn chung trong giai đoạn sức khỏe của mẹ vốn bị suy giảm do thay đổi nội tiết tố, bà bầu càng phải cẩn trọng và tự chủ động bảo vệ mình tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com