Hậu quả và cách điều trị rối loạn vận động

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Nội Thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Rối loạn vận động là những động tác không hữu ý, xảy ra nhanh, định hình, không nhịp điệu (thường bao gồm những nhóm cơ hạn chế) hoặc sự phát âm xuất hiện đột ngột không có mục đích rõ ràng. Hậu quả của rối loạn vận động gây ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh trên nhiều phương diện. Điều trị rối loạn thần kinh vận động có ý nghĩa quan trọng đối với trẻ em và thanh thiếu niên, và nhìn chung giảm nhẹ khi trưởng thành.

1. Hậu quả của rối loạn vận động

Nhiều trường hợp rối loạn vận động có loạn trương lực cơ đơn thuần có thể được chẩn đoán lầm với hội chứng Meige hay múa vờn Huntington tùy thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng. Loạn trương lực cơ này có thể làm cho bạn cảm thấy đau đớn hay làm cho bạn không thể đứng hay ngồi lâu được. Các trường hợp này đôi khi phải làm những động tác để giảm các biểu hiện loạn trương lực cơ như là đưa quả banh từ tay này qua tay khác.

Loạn trương lực cơ muộn có thể xuất hiện sau nhiều tháng hay nhiều năm điều trị thuốc chống loạn thần và chúng tồn tại dai dẳng mặc dù đã có điều trị rối loạn vận động này bằng nhiều phương pháp khác nhau.


Rối loạn vận động có loạn trương lực cơ đơn thuần có thể được chẩn đoán lầm với hội chứng Meige
Rối loạn vận động có loạn trương lực cơ đơn thuần có thể được chẩn đoán lầm với hội chứng Meige

2. Các phương pháp điều trị rối loạn vận động

Điều trị bằng liệu pháp hoá được kết hợp với liệu pháp tâm lý.

2.1. Liệu pháp hoá dược

Áp dụng trong điều trị rối loạn vận động mạn tính và hội chứng Tourette.

  • Haloperidol. Tác dụng phụ của thuốc như ngủ nhiều, rối loạn trương lực cơ... thì cần phải thông báo với bác sĩ để điều chỉnh liều.
  • Các thuốc khác được cân nhắc bao gồm

* Thuốc chống động kinh: Levetiracetam cho thấy khả năng dung nạp tốt và có hiệu quả trong một số nghiên cứu ban đầu. Natri Valproate được sử dụng đơn trị liệu hoặc phối hợp với nhóm chống loạn thần.

* Thuôc chống trầm cảm, lo âu: Fluoxetin, Sertralin.

2.2. Liệu pháp tâm lý

Sử dụng liệu pháp hành vi mang lại kết quả tốt, đặc biệt đối với tic nhất thời. Liệu pháp này bao gồm: bạn cần lập bảng theo dõi tần số rối loạn vận động hàng ngày, đánh dấu những ngày không bị rối loạn vận động, gia đình tránh nhắc đến rối loạn vận động, không phê phán trẻ; tổ chức những hoạt động thu hút sự tập trung chú ý và lôi cuốn trẻ tham gia vào, động viên khen thưởng khi trẻ ít bị tic (phương pháp tăng cường củng cố dương tính).

Bên cạnh đó dựa vào cơ sở phối hợp hai quá trình: bất động các vận động và vận động các bất động của nguyên tắc điều trị tâm vận động, đưa ra kỹ thuật: trẻ được hướng dẫn thực hiện các bài tập trước gương, làm các động tác ở những phần cơ thể không bị rối loạn vận động kết hợp với bài tập giãn cơ.

2.3. Các phương pháp điều trị hỗ trợ

Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, nâng đỡ tâm lý kết hợp với hướng dẫn gia đình.

Điều trị các rối loạn lo âu, trầm cảm, ám ảnh hoặc tăng động nếu có kèm theo với tic.

Điều trị rối loạn vận động là phòng ngừa. Trong quá trình điều trị, nên dùng liều hiệu quả thấp nhất cho cả thuốc chống loạn thần điển hình và thuốc chống loạn thần không điển hình. Thuốc chống loạn thần không điển hình ít gây loạn vận động muộn so với thuốc chống loạn thần điển hình.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái đã có nhiều năm kinh nghiệm trong khám và điều trị bệnh lý chuyên khoa Nội Thần kinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện là bác sĩ Khoa Khám bệnh và Nội Khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe