Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Táo bón là một triệu chứng thường gặp và gây nhiều nguy hại lớn đến sức khỏe của trẻ em. Táo bón kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý làm cho độc tố tích tụ và gây ra các bệnh ở đường sinh dục.
1. Táo bón là gì?
Táo bón là bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, thống kê cho thấy có ít nhất khoảng 30% trẻ bị táo bón cần được quan tâm.
Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên (<3 lần/ tuần) hoặc đi tiêu đau, khó khăn, có thể gây cảm giác khó chịu, căng thẳng cho trẻ em và gia đình. Vì vậy điều quan trọng là cần nhận biết sớm để ngăn chặn tình trạng táo bón ở trẻ em kéo dài (mãn tính)
Theo tiêu chuẩn của NICE 2010, chẩn đoán của táo bón ở trẻ em được xác định nếu có ≥ 2 tiêu chí sau được thoả:
- Có <3 lần đi tiêu trọn vẹn trong tuần
- Phân to và cứng, phân dê, hoặc phân rất to, không thường xuyên, muốn làm nghẹt bồn cầu.
- Cảm giác khó chịu, căng thẳng khi đi ngoài.
- Phân cứng gây nứt rách và chảy máu hậu môn.
- Rặn nhiều, hành vi nín giữ phân.
- Đã có tiền sử táo bón trước đây.
- Tiền căn hoặc hiện tại có tình trạng nứt hậu môn, tiền căn đau khi đi ngoài và chảy máu do phân cứng
2. Hậu quả bệnh táo bón ở trẻ em
Khi bị táo bón kéo dài ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị tích cực có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng dưới đây:
- Tích tụ độc tố trong cơ thể
Đi đại tiện mỗi ngày sẽ giúp cơ thể chúng ta thải được độc tố ra ngoài. Tuy nhiên, với những người bị táo bón thường rất khó để đi đại tiện mỗi ngày, khi đó chất độc sẽ còn tồn đọng lại, ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể.
- Mắc trĩ nội, trĩ ngoại
Khi táo bón kéo dài ở trẻ sơ sinh sẽ làm xuất hiện bị bệnh trĩ ở trẻ nhỏ do hiện tượng tăng áp lực ổ bụng vì luôn gắng sức rặn khi đi tiêu làm cho các búi trĩ càng ngày càng to ra, mỗi lần đi tiêu và thường có máu kèm theo phân.
- Gây nứt hậu môn
Đây là tình trạng đau đớn nhất do táo bón kéo dài ở trẻ em gây ra. Phân lâu ngày tích trữ trong đại trực tràng trở nên to dần và rắn chắc. Khối phân lớn hơn độ dãn nở của ống hậu môn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nứt hậu môn. Khi gặp biến chứng này trẻ không chỉ đại tiện máu mà còn rất đau đớn. Phân cứng khiến trẻ phải rặn trong mỗi lần đi đại tiện và gây chảy máu ở hậu môn. Nếu chảy máu nhiều mà không được khắc phục sớm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Cảm giác đau đớn khi đi ngoài
Táo bón kéo dài ở trẻ em gây nên tình trạng đau đớn ở trẻ khi đi tiêu. Chính vì sợ cảm giác đau mà trẻ sợ đi đại tiện, thường nhịn đi đại tiện ngay cả khi trẻ có nhu cầu. Việc nhịn đi đại tiện lâu ngày làm cho tình trạng táo bón càng nặng hơn. Vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại không có hồi kết.
- Ảnh hưởng đến da và tâm lý
Trẻ ăn uống không kém, không ngon, ngủ kém, thường xuyên mệt mỏi và khóc nhiều. Bên cạnh đó, mỗi khi ăn vào lại nghĩ đến việc ăn xong sẽ phải đi đại tiện khiến nhiều trẻ nhỏ bị ám ảnh, sợ ăn. Hơn nữa việc ăn vào nhưng không đi đại tiện được thường gây cảm giác đầy chướng bụng. Kết hợp những yếu tố trên tạo ra chứng sợ ăn ở trẻ em mắc chứng táo bón.
- Viêm ống hậu môn trực tràng, áp-xe cạnh hậu môn, rò hậu môn
Khối phân cứng làm tổn thương, viêm nhiễm vùng niêm mạc trực tràng, ống hậu môn cho nên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, áp-xe cạnh hậu môn, rò hậu môn sau này ở trẻ.
Do phân ứ đọng lâu ngày trong đại trực tràng nên càng ngày nó càng rắn và có thể gây ra hiện tượng bán tắc ruột hoặc tắc ruột, với các biểu hiện như: đau bụng từng cơn xảy ra liên tục, bụng chướng, không đánh hơi hoặc đi tiêu được.
- Tăng áp lực trong ruột
Tăng ứ đọng phân, dịch trong lòng ruột thừa khiến cho trẻ có nguy cơ dễ bị viêm ruột thừa. Mặt khác, khi táo bón dài ngày còn làm cho ruột già bị suy yếu, giãn ra tạo thành các túi thừa đại tràng và có nguy cơ thủng ruột.
Cách dự phòng bệnh táo bón kéo dài ở trẻ em là cho trẻ bổ sung thêm nhiều rau quả sẽ giúp cho cơ bụng và thành ruột co bóp tốt hơn. Các loại nước ép hoặc nước luộc củ cải cũng có tác dụng chống táo bón ở trẻ em. Cách đề phòng táo bón tốt nhất là tập cho trẻ thói quen đi ngoài vào một giờ cố định trong ngày. Các thuốc nhuận tràng chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón cũng như phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.