Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nghiến răng khi ngủ là tình trạng khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn thể hiện sự rối loạn trong cơ thể. Mặc dù không phải bệnh lý nghiêm trọng nhưng nó có thể gây ra những khó chịu cho người bệnh và người xung quanh, để lại hậu quả nặng nề nếu không có biện pháp điều trị dứt điểm, kịp thời.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng nghiến răng
Khi các răng ở hàm trên và hàm dưới nghiến chặt và siết lấy nhau, tạo ra âm thanh ken két chói tai thì được gọi là nghiến răng. Tình trạng này không chỉ xảy ra khi ngủ mà có thể xuất hiện ngay khi người bệnh đang thức và trong trạng thái tập trung quá mức, căng thẳng hay giận dữ.
Thông thường, nếu bị nghiến răng khi ngủ thì người bệnh không thể tự phát hiện được mà phải nhờ đến những người xung quanh. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể là do:
- Yếu tố tâm lý: Những người luôn ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh, lo âu quá mức, stress quá nhiều hoặc tính cách hiếu thắng, mạnh mẽ thì dễ bị nghiến răng khi ngủ;
- Do bị rối loạn giấc ngủ: Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những người bị rối loạn giấc ngủ thường có liên quan đến hội chứng ngưng thở khi ngủ, ảo giác, bóng đè và nghiến răng;
- Do thói quen sử dụng thuốc điều trị: Đôi khi chứng nghiến răng khi ngủ lại do tác dụng phụ của một số loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần...
- Do bệnh lý: Chứng nghiến răng có thể do người bệnh đã mắc các bệnh lý trước đó như bệnh Parkinson, trào ngược dạ dày - thực quản,...
- Ngoài ra, chứng nghiến răng khi ngủ còn có thể là do hàm răng lệch lạc, khớp cắn không phù hợp.
2. Đối tượng nào dễ bị nghiến răng khi ngủ?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải chứng nghiến răng khi ngủ, tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ mắc nhất. Tần suất của việc nghiến răng sẽ giảm dần theo độ tuổi. Lý giải điều này, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng có thể là do ở trẻ em hệ thống thần kinh cơ chưa hoàn thiện và dễ gặp các rối loạn về giấc ngủ cũng như bất ổn tâm lý, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh.
Ở trẻ em, chứng nghiến răng thường xuất hiện khi trẻ được khoảng 1 tuổi và đã mọc những răng phía trước. Đặc biệt, những trẻ có tật thở miệng hoặc mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, hen suyễn, viêm amidan lớn, hội chứng tăng động giảm chú ý hoặc những trẻ đang trong độ tuổi đến trường và gặp phải áp lực cao trong học tập... thì có tỷ lệ nghiến răng khi ngủ cao hơn.
3. Tác hại của việc ngủ nghiến răng kéo dài
Hầu hết các trường hợp người bị nghiến răng khi ngủ thường không nguy hiểm đến sức khỏe, tuy nhiên, hậu quả của việc nghiến răng khi ngủ sẽ khôn lường nếu để tình trạng này kéo dài và không có biện pháp can thiệp.
Thực tế, đa số những người bị nghiến răng sẽ không hiểu hết được tác hại của việc ngủ nghiến răng khi ngủ nên đã chủ quan và mặc kệ cho tình trạng này tiếp diễn từ ngày ngày qua ngày khác. Tùy vào tình trạng, mức độ nặng và thường xuyên mà chứng nghiến răng có thể gây ra những hậu quả như sau:
- Gây ra những âm thanh nhức tai, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bên cạnh;
- Nghiến răng khi ngủ sẽ tạo ra sự tiếp xúc mạnh của răng hàm trên và hàm dưới khiến chúng bị bào mòn, mất hết lớp men, xỉn màu, gây ê buốt, nứt gãy các múi răng, răng lung lay hoặc bị gãy. Đặc biệt, khi răng bị mòn nhiều sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt và khiến cho bệnh nhân trông có vẻ già hơn;
- Nghiến răng trong thời gian dài làm cho các cơ hàm bị co thắt mạnh và gây ra hậu quả là đau các cơ, mỏi, đau đầu, đau cổ. Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng thì người bệnh có thể bị phì đại, khuôn mặt mất cân xứng;
- Gây tình trạng rối loạn khớp thái dương, hàm.
4. Khắc phục tình trạng nghiến răng khi ngủ bằng cách nào?
Nếu tình trạng nghiến răng khi ngủ ở mức độ nhẹ và mới mắc phải thì người bệnh chỉ cần điều chỉnh thói quen, hành vi của mình để khắc phải tình trạng mà không cần đến biện pháp điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiến răng kéo dài, mức độ nặng thì cần phải đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, đánh giá tình hình và chỉ định phương án điều trị phù hợp.
Mục tiêu của điều trị nghiến răng khi ngủ là giúp người bệnh giảm đau, giảm các ảnh hưởng tới răng và phục hình, khớp thái dương hàm, đồng thời, hạn chế tối đa việc nghiến răng. Người bệnh có thể sử dụng liệu pháp trị liệu, thuốc hoặc can thiệp nha khoa tùy vào tình trạng của bản thân.
Thường thì bác sĩ sẽ điều trị tâm lý căng thẳng cho người bệnh, đồng thời điều trị các rối loạn về giấc ngủ (nếu có) và khuyên người bệnh nên duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe để cải thiện tình trạng nghiến răng như đi ngủ đúng giờ, hạn chế sử dụng đồ uống có chứa cafein, cồn trước khi đi ngủ, massage cơ mặt...
Song song với việc điều trị tâm lý thì người bệnh sẽ cần phải thay đổi thói quen vận động hàm để điều chỉnh hàm về đúng vị trí của nó.
Thay đổi thói quen vận động hàm và điều chỉnh hàm về vị trí thích hợp, việc điều chỉnh hàm sẽ mất khá nhiều thời gian nên người bệnh cần kiên trì.
Sử dụng thuốc điều trị chứng nghiến răng khi ngủ: Mặc dù điều trị bằng thuốc không thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn nhưng nó có thể giúp người bệnh giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể được tiêm botox để điều trị khi tình trạng nghiến răng nặng và không đáp ứng với điều trị.
Ngoài các biện pháp khắc phục trên thì có thể sử dụng các biện pháp can thiệp nha khoa để bảo vệ răng miệng khỏi sự mài mòn gây ra do nghiến răng. Hiện nay, trên thị trường có một số loại máng chống nghiến răng cũng có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm và hạn chế nghiến răng khi ngủ ở người bệnh.
Tóm lại, nghiến răng là tình trạng khá phổ biến, mặc dù nó không gây nguy hiểm tới tính mạng như nhiều bệnh lý khác nhưng nếu để tình trạng dai dẳng kéo dài thì cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Chính vì thế, cần theo dõi và có biện pháp can thiệp kịp thời ngay khi mắc phải chứng nghiến răng khi ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.