Hậu quả của chậm phát triển tâm thần, cách hạn chế

Chậm phát triển tâm thần là một nhóm trạng thái bệnh lý khác nhau về nguyên nhân, bệnh sinh. Trẻ em chậm phát triển tâm thần sẽ bị hạn chế các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, nếu không được can thiệp sớm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội sau này.

1. Trẻ em chậm phát triển tâm thần

Chậm phát triển tâm thần là một nhóm trạng thái bệnh lý khác nhau về nguyên nhân bệnh sinh, là một khiếm khuyết của sự phát triển trí não. Trẻ bị chậm phát triển tâm thần có trí thông minh thấp hơn so với bình thường và các kỹ năng sinh hoạt hằng ngày bị hạn chế.

Nguyên nhân dẫn tới trẻ em chậm phát triển tâm thần bao gồm:

  • Di truyền và bẩm sinh: Như các bệnh dị dạng nhiễm sắc thể, rối loạn men chuyển hóa, các rối loạn nội tiết, dị hình sọ não. Trong số các bệnh dị dạng nhiễm sắc thể người ta thường nói đến bệnh Down. Bệnh này được tác giả Langdon Down tìm ra năm 1866, người bệnh có 3 nhiễm sắc thể 21. Người bị hội chứng này có các biểu hiện bao gồm: Chỉ số IQ thấp, mặt tròn to, mắt bé, mồm luôn để hở, người thấp bé,..
  • Vấn đề trong thai kỳ: Người mẹ có sử dụng rượu, bia, ma túy, và một số thuốc gây dị dạng thai, thai bị suy dinh dưỡng. Hoặc mẹ mắc một số bệnh như Rubella, giang mai, HIV... và ảnh hưởng tia X khi có thai.
  • Vấn đề lúc sinh: Các sang chấn sản khoa gây chấn thương sọ não của trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, nhẹ cân...
  • Vấn đề sau sinh: Trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, ho gà, viêm não, tiêu chảy, tả, thương hàn. Trẻ bị ngộ độc các kim loại nặng như chì, thủy ngân.

Trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn sau sinh dẫn tới trẻ em chậm phát triển tâm thần
Trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn sau sinh dẫn tới trẻ em chậm phát triển tâm thần

  • Vấn đề môi trường: Trong các thập kỷ gần đây các tác giả còn nhấn mạnh đến vấn đề dinh dưỡng và nhất là vai trò của các tác động văn hóa xã hội như là một trong những nguyên nhân của chậm phát triển tâm thần. Đây chính là vai trò của yếu tố môi trường trong quá trình phát triển trí tuệ. Sự nghèo nàn và kém văn hóa dẫn đến thiếu dinh dưỡng, thiếu chăm sóc y khoa, thiếu những kích thích phát triển trí tuệ trong môi trường sống không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Trẻ em chậm phát triển tâm thần được chia thành nhiều mức độ và được đánh giá qua chỉ số IQ và khả năng sống độc lập

  • Khả năng trí tuệ của trẻ trong việc học hiểu, suy nghĩ, giải quyết vấn đề và giải thích ý nghĩa các ngôn từ. Khả năng này được phản ảnh qua việc đo thương số trí tuệ IQ. IQ trung bình là 100, IQ thấp hơn 70 thì được coi là bị chậm phát triển tâm thần.
  • Khả năng sống độc lập: Đánh giá xem trẻ có thể làm được những gì so với trẻ bình thường trong việc tự chăm sóc bản thân, ví dụ như biết mặc quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống, cách trò chuyện với người khác, khả năng hiểu được điều người khác nói và cách trả lời, cách cư xử với mọi người chung quanh.

2. Hậu quả của chậm phát triển tâm thần

Trẻ em chậm phát triển tâm thần bị giới hạn về chức năng trí tuệ trong các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày và kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, vận động,... Dẫn tới trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và tiếp thu kiến thức.

  • Về mặt tư duy: Nhiều trường hợp khó phân biệt với mức bình thường. Ngôn ngữ khá phát triển, hiểu người khác nói và tự diễn đạt các suy nghĩ của mình. Có thể hình thành ngôn ngữ viết và khả năng tính toán, học tập nhưng kém hơn so với các bạn cùng tuổi. Có thể học được hết cấp tiểu học nhưng kết quả học tập thường kém hoặc rất kém, tư duy theo lối cũ, thiếu sáng kiến, và khả năng phân tích tổng hợp kém.
  • Về cảm xúc: Cảm xúc cấp cao có phát triển, thiếu tự lập, bám vào bố mẹ dù đã lớn, không đủ năng lực để giải quyết những mối xung động tình cảm trong nội tâm.
  • Về hành vi tác phong: Có thể làm tốt những nghề không phức tạp và thích nghi được với môi trường xã hội nhưng kém hiệu quả so với người khác. Nếu giáo dục và huấn luyện tốt có thể khắc phục được. Còn một số trường hợp trẻ dễ có những hành vi mang tính thiếu suy nghĩ, dễ bị ám thị dẫn đến những hành vi phạm pháp.

Trẻ chậm phát triển tâm thần không đủ năng lực để giải quyết những mối xung động tình cảm trong nội tâm
Trẻ chậm phát triển tâm thần không đủ năng lực để giải quyết những mối xung động tình cảm trong nội tâm

3. Điều trị và phòng ngừa

3.1 Điều trị

Để hạn chế được những hậu quả của chậm phát triển tâm thần, trẻ cần được phát hiện và điều trị bệnh sớm. Đối với những trẻ chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ có thể theo học chương trình học bình thường, điều quan trọng là dạy trẻ hòa nhập với cuộc sống, xã hội và có thể tự lập được. Đối với những trẻ chậm phát triển tâm thần ở mức độ nặng cần được chăm sóc đặc biệt, học ở trường học chuyên biệt và có chương trình học riêng cho mỗi em, giúp trẻ giao tiếp, tự vệ sinh cá nhân và làm các công việc ở nhà đơn giản,...

Để đạt được kết quả tốt cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở y tế, trường học và gia đình nhằm đưa đến cho trẻ sự chăm sóc tối ưu trong nhiều lĩnh vực. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian gần gũi, giúp đỡ con trong các sinh hoạt hàng ngày.

3.2 Phòng ngừa chậm phát triển tâm thần


Cần tầm soát ngay sau sinh những dấu hiệu bất thường
Cần tầm soát ngay sau sinh những dấu hiệu bất thường

Để phòng ngừa chậm phát triển tâm thần các bà mẹ cần lưu ý:

  • Tầm soát ngay sau sinh những dấu hiệu bất thường
  • Tiêm chủng đầy đủ theo lịch, tiêm phòng rubella trước khi có thai
  • Xử lý môi trường trong sạch và lấy các chất kim loại nặng như chì, thủy ngân ra khỏi môi trường sống để giảm tổn thương của não trẻ
  • Đội mũ bảo hiểm phòng ngừa các chấn thương sọ não
  • Bổ sung axit folic cho mẹ để giảm nguy cơ khiếm khuyết ống thần kinh.

Tóm lại, chậm phát triển tâm thần là một nhóm trạng thái bệnh lý khác nhau về nguyên nhân, bệnh sinh. Trẻ chậm phát triển tâm thần sẽ bị hạn chế các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày, nếu không được can thiệp sớm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội sau này. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường, chậm hơn các bạn cùng trang lứa cần cho trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe