Hạn chế chứng són phân do táo bón ở trẻ nhỏ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chứng són phân do táo bón ở trẻ nhỏ là một vấn đề khá thường gặp, gây phiền toái và hoang mang cho không ít các bậc cha mẹ. Trong khi trẻ hoàn toàn không thể tự mình kiểm soát vấn đề này, cha mẹ cần phải biết cách giúp trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất trong những năm tháng đầu đời.

1. Chứng són phân là gì?

Chứng són phân ở trẻ em đôi khi còn được gọi là đi tiêu không tự chủ. Tình trạng này lặp đi lặp lại với hiện tượng phân dây dính trên quần của trẻ trong khi trẻ hoàn toàn không có ý thức gì về điều này.

Chứng són phân thường xảy ra sau khi trẻ được 4 tuổi, khi trẻ đã biết sử dụng nhà vệ sinh. Trong hầu hết các trường hợp, chứng són phân được xem như là một triệu chứng của táo bón mãn tính. Chỉ một số rất ít các trường hợp trẻ mắc phải chứng són phân mà không bị táo bón và đó có thể là do các vấn đề về tâm lý.

Chứng són phân luôn gây khó chịu cho cha mẹ và hơn hết là gây bối rối, hoang mang cho trẻ khi trẻ đã có nhận thức biết mình không thể tự kiểm soát được điều này. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và các biện pháp điều chỉnh tích cực từ cha mẹ, chứng són phân cùng với táo bón sẽ được giải quyết trọn vẹn trong những năm tháng đầu đời.

2. Các triệu chứng của chứng són phân do táo bón như thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng són phân do táo bón có thể bao gồm:

  • Rò rỉ phân lỏng trên đồ lót, có thể bị nhầm với tiêu chảy
  • Táo bón với phân khô, cứng
  • Tắc nghẽn lòng trực tràng
  • Tần suất đi tiêu rất ít
  • Biếng ăn
  • Đau quặn bụng âm ỉ
  • Đi kèm với chứng són tiểu vào ban ngày hay chứng đái dầm vào ban đêm
  • Nhiễm trùng đường tiểu lặp đi lặp lại, điển hình ở trẻ em gái.

Táo bón với phân khô, cứng là triệu chứng của chứng són phân do táo bón
Táo bón với phân khô, cứng là triệu chứng của chứng són phân do táo bón

3. Các nguyên nhân gây ra chứng són phân là gì?

Có một số nguyên nhân gây ra chứng són phân, thường gặp nhất là do táo bón và các vấn đề rối loạn về cảm xúc.

3.1. Táo bón

Hầu hết các trường hợp bé bị són phân là do tình trạng táo bón kéo dài.

Khi bị táo bón, phân của trẻ trở nên cứng, khô, kết thành một khối to và có thể rất đau khi đi qua ống hậu môn. Chính vì thế, trẻ rất ngại đi tiêu và lại càng làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Khi phân lưu trữ trong đại tràng càng lâu, trẻ lại càng khó rặn đẩy phân ra ngoài. Thành đại tràng lại càng phải kéo dài và giãn ra, phát các tính hiệu qua dây thần kinh tại chỗ, báo hiệu cần phải tăng nhu động ruột để giải phóng tắc nghẽn. Chính vì điều này khiến cho lượng phân mềm hoặc lỏng phía trên bị đẩy xuống, rò rỉ theo các kẽ quanh khối phân rắn và thoát ra ngoài.

Một số nguyên nhân gây táo bón bao gồm:

  • Do sợ đi vệ sinh, đặc biệt là khi đi học hay đi xa nhà
  • Do rặn phân bị đau
  • Không muốn làm gián đoạn cuộc chơi hoặc các hoạt động khác
  • Ăn quá ít chất xơ
  • Không uống đủ nước
  • Bất thường cấu trúc đường ruột như hội chứng ruột dài

3.2. Vấn đề về cảm xúc

Căng thẳng cảm xúc có thể dẫn đến chứng són phân. Một đứa trẻ có thể gặp căng thẳng từ:

  • Huấn luyện tự đi vệ sinh quá sớm khi trẻ chưa sẵn sàng
  • Các thay đổi trong cuộc sống của trẻ, chẳng hạn như chuyển nhà, thay đổi chế độ ăn uống, bắt đầu đi học
  • Các yếu tố gây căng thẳng về cảm xúc, ví dụ như việc ly hôn của cha mẹ hoặc có em

Ngoài ra, khi một đứa trẻ mắc chứng sợ hãi có thể không chỉ mắc phải chứng són phân hay tiểu dầm mà sẽ còn trải qua một loạt các cảm xúc tiêu cực khác, bao gồm cả bối rối, thất vọng, xấu hổ và tức giận. Nếu trẻ bị bạn bè trêu chọc hoặc bị người lớn chỉ trích, trừng phạt do “lỗi lầm” này, trẻ có thể cảm thấy càng bi quan và đôi khi còn đánh mất khả năng tự trọng của chính mình.


Vấn đề cảm xúc khi trẻ mắc chứng sợ hãi có thể là nguyên nhân gây chứng són phân
Vấn đề cảm xúc khi trẻ mắc chứng sợ hãi có thể là nguyên nhân gây chứng són phân

3.3. Các yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến chứng són phân

Chứng són phân xảy ra phổ biến hơn ở các bé trai. Những yếu tố nguy cơ sau đây sẽ khiến trẻ dễ mắc phải chứng són phân:

  • Sử dụng thuốc có thể gây táo bón, chẳng hạn như thuốc giảm ho
  • Rối loạn tăng động thái chú ý
  • Hội chứng tự kỷ
  • Thường xuyên bị lo lắng hoặc trầm cảm

4. Cách chẩn đoán chứng són phân như thế nào?

Để xác định chứng són phân và loại trừ khả năng mắc phải các bệnh lý khác, ngoài một bệnh sử điển hình cùng tình trạng táo bón kéo dài, bác sĩ vẫn cần phải tiến hành các bước thăm khám hệ thống đường ruột của trẻ. Trong đó, quan trọng là thao tác khám lòng trực tràng qua lỗ hậu môn với một ngón tay bôi trơn trong khi tay còn lại ấn vào bụng trẻ.

Bên cạnh đó, các phương tiện hình ảnh khác, như siêu âm hay chụp đại tràng có bơm thuốc cản quang, đôi khi cũng cần thiết để khảo sát sự tắc nghẽn cũng như cấu trúc đường ruột nếu nghi ngờ khả năng dị dạng bẩm sinh.


Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa nhi thăm khám
Cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa nhi thăm khám

5. Làm thế nào để hạn chế chứng són phân do táo bón ở trẻ nhỏ?

Nói chung, tiến hành điều trị càng sớm chứng són phân càng tốt, nhằm giải phóng tắc nghẽn và hạn chế các tổn thương thực thể tại hệ thống đường ruột. Để làm được như vậy, cha mẹ cần làm sạch ruột cho trẻ bằng các loại thuốc nhuận tràng, thông qua thuốc uống, viên thuốc đạn đặt trong trực tràng hay bơm thuốc qua hậu môn.

Kế tiếp, để duy trì sự thông thoáng cho lòng ruột theo định kỳ cũng như khuyến khích các nhu động ruột hoạt động khỏe mạnh, sau khi đại tràng đã được can thiệp làm sạch, cần tạo cho con một thói quen đi tiêu thường xuyên. Để được như vậy, cha mẹ cần phải kiên trì với các việc cụ thể sau đây:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống nhiều chất xơ từ trái cây và rau củ
  • Uống đủ nước trong ngày
  • Huấn luyện trẻ đi lập việc đi vệ sinh càng sớm càng tốt khi trẻ sẵn sàng
  • Khuyến khích trẻ tăng cường vận động, chơi đùa để nhu động ruột được kích hoạt tốt
  • Sắp xếp thời gian đi vệ sinh: Cho trẻ ngồi trong nhà vệ sinh từ 5 đến 10 phút vào một giờ thường lệ mỗi ngày. Điều này nên được thực hiện tốt nhất sau bữa ăn chính trong ngày vì lúc này nhu động ruột hoạt động mạnh mẽ nhất.
  • Tập ngồi nhà vệ sinh đúng cách. Nên dùng ghế ngồi phù hợp với tầm vóc của trẻ. Nếu dùng chung nhà vệ sinh với người lớn, cần đạt một chiếc ghế nhỏ dưới chân trẻ để trẻ cảm giác thoải mái hơn. Đồng thời, tư thế chân hợp lý có thể giúp tăng áp lực lên bụng nhiều hơn, làm cho việc rặn đi tiêu dễ dàng hơn.

Ngoài ra, cha mẹ cần hiểu và cảm thông rằng trẻ hoàn toàn không có khả năng kiểm soát chứng són phân. Do đó, hãy khích lệ và tích cực giúp đỡ trẻ vượt qua chứng sợ hãi này thay vì đổ lỗi, chỉ trích hoặc trừng phạt trẻ. Những việc này càng khiến trẻ lo lắng, bất ổn tinh thần và sẽ làm chứng són phân trở nên nặng nề hơn.

Nếu trẻ mắc chứng són phân do các vấn đề tâm lý thì cha mẹ cần đưa trẻ đến khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi. Đôi khi chứng són phân chỉ là một biểu hiện nổi bật nhất mà trẻ còn có các triệu chứng bất thường khác mà chưa được phát hiện. Việc thăm khám sớm và tiến hành điều chỉnh sẽ giúp cho trẻ có những năm tháng sắp tới phát triển hòa nhập như các đứa trẻ cùng trang lứa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe