Bài viết được viết bởi Bác chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Trưởng đơn nguyên khám bệnh và Bác sĩ Hoàng Thanh Nga, Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Kali (K) là một trong những thành phần điện giải của máu. Hàm lượng K máu bình thường 3,5-5 mEq/L. Hạ kali máu làm cho cơ thể mệt mỏi, yếu chi, đau cơ, chuột rút, táo bón, có thể gây ra biến chứng nhịp tim chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim. Hạ kali máu rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những bệnh nhân sẵn có những bệnh lý mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn...
1. Các biểu hiện hạ kali máu? Cách xử trí
Các biểu hiện của hạ kali máu chủ yếu ở hệ thống tim mạch và thần kinh cơ. Các biểu hiện ở tim mạch bao gồm mạch đập yếu, huyết áp tối thiểu giảm, tụt huyết áp tư thế, nghe tim có thể có tiếng thổi tâm thu. Điện tim thấy có sóng U, đoạn ST dẹt, ngoại tâm thu các loại, đặc biệt khi có đoạn QT kéo dài và loạn nhịp kiểu xoắn đỉnh tức kali máu giảm nặng, vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nếu không được bù kali kịp thời.
Trong trường hợp bị hạ K máu, cần bù cho cơ thể lượng K đã mất đi, để đạt sự bình thường của K máu, dưới một trong những hình thức:
- Nếu giảm nhẹ K máu: Chỉ cần qua cung cấp thức ăn giàu K như chuối, cam, hoặc uống nước Oresol, pha mỗi gói với 1000ml nước uống...
- Nếu giảm vừa K máu: Cần uống viên K, thông thường dùng Kaleoride hoặc Kaldyum 600mg ngày 3 viên chia 3 lần sau ăn.
- Nếu giảm nặng (K < 2,5mmol/l) K máu: Cần truyền Kali pha trong huyết thanh mặn đẳng trương, liều thông thường 20 - 40mmol/1 lít, theo liều pha chế thông thường sau:
Lượng KCl | Lượng K+ | Thể tích tối thiểu sau khi đã pha loãng bằng NaCl 0.9% hoặc G5% | Thời gian truyền |
1 g | 13.4 mmol | 250 mL | 1 h |
2 g | 26.8 mmol | 500 mL | 2 h |
3 g | 40.2 mmol | 1.000 mL | 3 h |
4 g | 53.6 mmol | 1.000 mL | 4 h |
Lưu ý: truyền K máu chỉ được thực hiện ở tại các cơ sở y tế có đặc quyền, không tự ý truyền tại nhà hoặc nơi không được phép truyền K.
2. Vì sao có hiện tượng K máu cao giả?
Lượng dịch ngoại bào chỉ chiếm khoảng 1/3 lượng dịch của cơ thể, cho nên phần lớn (khoảng 98%) lượng kali nằm trong tế bào, chỉ một phần nhỏ nằm ngoài tế bào (1.5 – 2%).
Do đó, các rối loạn nồng độ kali huyết thanh thường là hậu quả của sự dịch chuyển kali đi qua màng tế bào mà có thể không phản ánh thực sự chính xác tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa tổng lượng kali trong cơ thể. Sự tăng di chuyển kali từ trong tế bào ra ngoài có thể làm tăng nồng độ kali huyết thanh hoặc làm nặng thêm tình trạng tăng kali máu có sẵn nhưng không có tăng tổng lượng kali trong cơ thể. Chú ý những trường hợp tăng kali máu giả tạo do:
- Thiếu máu cục bộ vùng lấy máu xét nghiệm: Garrot quá chặt và kéo dài.
- Tan máu trong ống nghiệm: Do kỹ thuật lấy máu (sử dụng kim nhỏ), để ống máu quá lâu hoặc trong quá trình vận chuyển ống máu gây vỡ hồng cầu.
- Tăng bạch cầu (> 50 G/L) hoặc tăng tiểu cầu (> 1000 G/L) làm mẫu máu bị đông và giải phóng kali ra khỏi tế bào.
Nguyên nhân: nó tạo nên hiện tượng giả tăng Kali máu, như trong trường hợp:Tình trạng thiếu hụt insulin.
Tăng độ thẩm thấu dịch ngoại bào.
Toan chuyển hóa.
Màng tế bào bị phá vỡ: Tan máu, tiêu cơ vân, hội chứng ly giải khối u.
Hoạt động gắng sức quá mức. Lỗi trong lấy mẫu máu xét nghiệm gây vỡ hồng cầu.Cách phát hiện tăng K máu giả. Cần khám lâm sàng và xét nghiệm máu lại để đánh giá, đặc biệt chú ý trong quá trình lấy máu tránh vỡ hồng cầu hoặc buộc Garo chặt quá. Khi có hiện tượng giả tăng K cần khắc phục và điều chỉnh những điều làm tăng giả K như trên đã nói trên.
3. Cơ thể ra sao nếu thiếu K máu?
- Biểu hiện khi thiếu K: Cơ thể mệt mỏi, yếu cơ, thậm trí liệt chi dưới, có thể gây ra biến chứng nhịp tim chậm, giảm sức bóp cơ tim hoặc nhịp nhanh xoắn đỉnh, là một trong những nguyên nhân rối loạn nhịp tim dẫn đến ngừng tim.
- Ảnh hưởng của thiếu K máu đối với cơ thể: Cơ thể sẽ biểu hiện các tình trạng do hạ K máu (đã nêu ở trên)
- Làm thế nào nếu cơ thể thiếu K máu: Cần được bù Kali máu tùy theo mức độ hạ Kali mà ta quyết định cách bù K qua đường ăn uống hoặc truyền dung dịch có Kali. Cần bù cho cơ thể lượng K đã mất đi, để đạt sự bình thường của K máu (như nêu trên).
XEM THÊM: