Hạ đường huyết sau ăn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hạ đường huyết sau ăn là một trường hợp khá hiếm gặp và rất nhiều bệnh nhân băn khoăn tại sao sau ăn rồi mà vẫn hạ đường huyết. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người đã từng phẫu thuật dạ dày nhưng không phải là không thể xảy ra ở những người có sức khoẻ bình thường. Vậy bạn đã biết gì về hạ đường huyết sau ăn ?

1. Hạ đường huyết sau bữa ăn là gì?

Hạ đường huyết do đói, do kiệt sức là tình trạng thường xuyên gặp phải nhất. Tuy nhiên bất kỳ cứ ai cũng có nguy cơ hạ đường huyết sau khi ăn. Tình trạng này xảy ra do cơ thể tăng sinh nhiều insulin quá mức. Lượng đường huyết sau ăn giảm thường xuyên sẽ khiến cơ thể gặp nhiều bệnh lý nguy hiểm nếu không được kiểm soát.

2. Biến chứng của hạ đường huyết

Hạ đường huyết sau ăn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà người bệnh không thể lường trước được. Một trong những hậu quả của tình trạng là chính là gây mất ý thức nặng dẫn đến hôn mê. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng của hạ đường huyết, bạn nên thận trọng và đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Một số biến chứng của tình trạng này có thể xảy ra như: Động kinh, mất ý thức, Tử vong (thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường). Đặc biệt bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường khi bị hạ đường huyết sau ăn không được tự ý điều trị bằng cách hấp thụ lượng đường lớn. Bởi điều này không những không có tác dụng điều trị mà còn làm tăng lượng đường trong máu gây tổn thương hệ thần kinh và các cơ quan khác.

3. Nguyên nhân hạ đường huyết sau bữa ăn

3.1. Hạ đường huyết do dinh dưỡng sau cắt dạ dày

Như đã đề cập ở trên tình trạng này chủ yếu diễn ra đối với người từng phẫu thuật cắt dạ dày. Đây là hậu quả của việc tăng insulin do làm trống dạ dày nhanh sau khối thức ăn ăn vào. Một số triệu chứng cho thấy việc tăng hoạt động của adrenalin để đáp ứng với hạ đường huyết. Với trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định để người bệnh ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày hơn với lượng carbohydrate chậm tiêu hóa hơn và chất béo protein hấp thụ chậm hơn.

3.2. Hạ đường huyết chức năng do dinh dưỡng

Các triệu chứng có thể xảy xuất phát từ nguyên nhân hạ đường huyết chức năng do dinh dưỡng như: mệt mỏi, lo lắng, dễ kích động, yếu ớt, kém tập trung, giảm tình dục, đau đầu, đói sau bữa ăn và run kéo dài. Hội chứng này được phân loại là chức năng khi có hạ đường huyết dạng phản ứng do dinh dưỡng sớm mà không giải thích là do sau phẫu thuật.


Mệt mỏi có thể gây hạ đường huyết sau ăn
Mệt mỏi có thể gây hạ đường huyết sau ăn

Theo các chuyên gia việc test dung nạp glucose bừa bãi và quá mức có thể dẫn đến lạm dụng chẩn đoán hạ đường huyết chức năng. Lúc này, người bệnh có thể chỉ số đo đường huyết sau ăn xuống mức thấp nhất là 40 - 50 mg/dl và có triệu chứng hay không có triệu chứng trong thời gian 4 giờ làm test dung nạp glucose.

Gần đây người ta nhận thấy bữa sáng giàu cacbonhydrat có ích trong việc phân biệt những người bị hạ đường huyết phản ứng với nhóm chứng bình thường.

3.3. Hạ đường huyết muộn

Theo ghi nhận thì bệnh nhân hạ đường huyết sau ăn do hạ đường huyết muộn thường xuất hiện ở những người béo phì hoặc gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường. Tình trạng này xảy ra do quá trình giải phóng insulin sớm từ tế bào β chậm tuy gây ra tăng đường huyết quá mức lúc đầu trong thời gian làm test dung nạp glucose. Để đáp ứng với sự tăng đường huyết này, giải phóng insulin quá mức gây ra hạ đường huyết muộn lúc 4 - 5 giờ sau khi tiếp nhận glucose.

4. Điều trị hạ đường huyết sau ăn

Để có thể điều trị hạ đường huyết sau ăn bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh. Từ đó đưa ra các liệu pháp điều trị cụ thể.

Nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết sau ăn do tác dụng phụ của thuốc nào đó thì bác sĩ sẽ thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng tương đương.

Nếu người bệnh bị một khối u ở tuyến tụy dẫn đến hạ đường huyết sau ăn thì bác sĩ buộc phải thực hiện cắt bỏ khối u đó.

Hạ đường huyết nếu không được cấp cứu xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nên chủ động kiểm tra chỉ số đường huyết. Nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe