Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Không chỉ xảy ra ở người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết. Tình trạng này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể gây tổn thương não nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là gì?
Hạ đường huyết là bệnh lý thường gặp đối với trẻ sơ sinh và có thể thoáng qua trong giai đoạn đầu sau sinh. Tuy nhiên, hạ đường huyết dai dẳng có thể gây tổn thương não và để lại hậu quả lâu dài về sau cho trẻ.
Theo Hiệp hội khoa nhi Mỹ, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh được xác định khi lượng Glucose huyết của trẻ < 2.6mmol/l.
2. Tại sao trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết?
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh như:
2.1 Hạ đường huyết do tăng Insulin
Do thay đổi chuyển hóa của mẹ: Bệnh tiểu đường, truyền nước hay thuốc trong thai kỳ.
Yếu tố bẩm sinh: Tình trạng đột biến gen mã hóa quá trình điều hòa bài tiết Insulin của tế bào Beta đảo tụy như gen Kir6.2, KCNJ11, ABCC8, SUR1,...
Tình trạng tăng Insulin thứ phát: Trẻ bị ngạt, người mẹ trong thời gian điều trị thuốc Terbutaline, mắc phải hội chứng Beckwith-Wiedemann. Bên cạnh đó, tăng Insulin còn phải kể đến một số nguyên nhân như sau:
- Ngừng đột ngột lượng dịch Glucose ở mức độ cao;
- Catheter động mạch rốn sai vị trí;
- Thay máu với lượng máu có nồng độ Glucose cao;
- Khối u sản xuất insulin, tăng tế bào Beta.
2.2 Trẻ to hơn so với tuổi thai
Bên cạnh nguyên nhân do mẹ bị tiểu đường, có những ca không thể xác nhận được nguyên nhân. Đây là nhóm có nguy cơ cao, bởi vậy người mẹ nên được sàng lọc đường huyết.
2.3 Giảm sản xuất hay dự trữ Glucose
Thường xảy ra trong những trường hợp như sau:
- Trẻ đẻ non;
- Chậm phát triển trong tử cung;
- Chế độ dinh dưỡng không đủ năng lượng;
- Cho trẻ ăn muộn;
2.4 Tăng sử dụng/giảm sản xuất Glucose
- Stress khi sinh: Trẻ bị nhiễm trùng, sốc, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, giai đoạn sau khi hồi sức.
- Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
- Rối loạn nội tiết.
- Đa hồng cầu.
- Người mẹ đang trong thời gian sử dụng thuốc chẹn beta.
3. Dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, triệu chứng hạ đường huyết thường xuất hiện từ 3 - 48 giờ sau khi sinh, bao gồm các dấu hiệu sau:
- Thân nhiệt giảm nhanh, da dẻ nhợt nhạt, tím tái, tay chân lạnh;
- Các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, nôn, khó chịu;
- Nhịp thở nhanh, gấp, mạnh;
- Trường hợp nặng có thể co giật, hôn mê.
41% trường hợp hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh thường xảy ra ở các trẻ sinh non, nhẹ cân dưới 2,5 kg. Theo các chuyên gia, bệnh có thể gây tác động nghiêm trọng đến thần kinh của trẻ sau này. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Điều trị hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh
4.1. Xử trí ngay các tình trạng cần cấp cứu
Cần cấp cứu ngay khi có những triệu chứng như: co giật, tím tái, suy hô hấp...
4.2. Điều chỉnh đường huyết
Mục tiêu duy trì Glucose huyết thanh ≥ 2,6 mmol/L trong ngày đầu sau sinh và ≥ 2,8 mmol/L trong những ngày sau.
Điều chỉnh đường huyết được thực hiện từng bước tuỳ theo mức độ hạ đường huyết, có hoặc không có triệu chứng như sau:
4.2.1 Điều chỉnh chế độ ăn
- Áp dụng cho mức Glucose huyết thanh từ 2 – 2,6 mmol/L và không có triệu chứng.
- Bú mẹ sớm ngay sau sinh. Trong một số trường hợp, trẻ có nguy cơ được cho ăn sớm ngay trong giờ đầu sau sinh và sàng lọc Glucose huyết sau đó 30 phút.
- Nếu trẻ không thể bú mẹ thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng phương pháp thay thế, lượng ăn đủ theo nhu cầu trong ngày.
- Có thể tăng cường bữa ăn lên 12 bữa/ngày.
- Theo dõi đường huyết trước ăn.
4.2.2 Truyền dịch
Chỉ định cho các trường hợp hạ đường huyết
- Trẻ có triệu chứng.
- Glucose huyết < 1,4 mmol/L
- Glucose huyết < 2,2 mmol/L (40mg/dL) khi đã điều chỉnh bằng chế độ ăn.
- Trẻ không ăn được.
Với mức Glucose < 1,4 mmol/L cần tiêm tĩnh mạch dịch glucose 10%, 2ml/kg trong 1 phút, sau đó truyền dịch.
Tốc độ truyền đường (GIR) khoảng từ 6 – 8 mg/kg/phút, truyền dung dịch có nồng độ Glucose 10% với liều duy trì là 80- 120 ml/Kg/ngày. Nên truyền tĩnh mạch ngoại biên nồng độ đường 10% và 12%. ( <12%)
Tốc độ dịch truyền: đối với dung dịch Glucose 10% là 0,6 x cân nặng x GIR và dung dịch Glucose 12% là 0,5 x cân nặng x GIR.
Theo dõi đường huyết 3 giờ/ lần cho đến khi glucose huyết được > 2,6 mmol/L ở 2 lần xét nghiệm liên tiếp.
Nếu Glucosse còn thấp, tăng dần lượng dịch hoặc nồng độ Glucose. Dịch có nồng độ glucose dưới 12,5% cho phép truyền tĩnh mạch ngoại biên, dịch truyền có nồng độ Glucose trên 12,5% cần truyền tĩnh mạch trung tâm
4.2.3 Hạ đường huyết dai dẳng
- Nếu kéo dài trên 2 ngày với tốc độ truyền đường đến 12 mg/kg/phút, có thể phải điều trị bằng thuốc Diazoxide hoặc Hydrocortisone và cần phải tìm nguyên nhân để điều trị (Xét nghiệm Insulin và cortisol máu trước khi điều trị Glucocorticoid).
- Liều Hydrocortisone 5 mg/kg/ngày, chia 2 lần, tiêm tĩnh mạch hoặc uống.
- Việc sử dụng Diazoxide hoặc Glucagon cần được hội chẩn với chuyên khoa nội tiết .
4.2.4 Theo dõi khi Glucose huyết bình thường
Nếu Glucose huyết thanh ổn định với điều trị truyền tĩnh mạch:
- Bắt đầu cho ăn 20ml/Kg/ngày
- Tăng dần lượng ăn và giảm dần dịch truyền cho đến khi ăn được hoàn toàn.
Kiểm tra Glucose huyết sau mỗi lần thay đổi điều trị, lưu ý kiểm tra đường huyết trước ăn.
4.3. Điều trị theo nguyên nhân
Trường hợp hạ đường huyết dai dẳng với nhu cầu tốc độ truyền đường trên 8 mg/kg/phút kéo dài trên 1 tuần cần hội chẩn với chuyên khoa nội tiết để có hướng điều trị thích hợp cho những trường hợp hạ đường huyết do một số nguyên nhân không thường gặp.
Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là một căn bệnh nguy hiểm, do vậy khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.