Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ Sơ sinh -
Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Đường huyết là lượng đường di chuyển trong dòng máu và cung cấp năng lượng cho hoạt động sống của tất cả các tế bào trong cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm hoi, lượng đường trong máu có thể giảm quá thấp và gây ra tình trạng hạ đường huyết sơ sinh.

1. Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Glucose là nguồn nhiên liệu chính cho não và cơ thể. Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ glucose trong máu quá thấp.

Ở trẻ sơ sinh, lượng đường trong máu thấp có thể xảy ra vì nhiều lý do. Dù cho là lý do nào, hệ quả của hạ đường huyết sơ sinh cũng có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn không hồi phục nếu không được phát hiện sớm và can thiệp, thậm chí ảnh hưởng cả tính mạng của trẻ.

2. Điều gì gây ra hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh?

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh có thể là hệ quả của các tình trạng như sau:

  • Nguồn dinh dưỡng của sản phụ quá kém trong quá trình mang thai.
  • Dùng quá nhiều insulin vì mẹ bị đái tháo đường kiểm soát kém
  • Nhóm máu của mẹ và bé không tương thích (bệnh tan máu nặng ở trẻ sơ sinh)
  • Nồng độ insulin trong máu của em bé quá cao vì những lý do khác nhau, ví dụ như u tuyến tụy
  • Dị tật bẩm sinh
  • Bệnh chuyển hóa bẩm sinh hoặc thiếu hụt nội tiết tố
  • Không đủ oxy khi sinh (ngạt)
  • Bệnh lý gan bẩm sinh
  • Nhiễm trùng nặng

Ngoài ra, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết rất cao nếu có các yếu tố:

  • Em bé sinh ra từ mẹ bị tiểu đường
  • Trẻ nhẹ cân
  • Trẻ sinh non và cực non
  • Trẻ sinh ra từ mẹ được điều trị bằng một số loại thuốc như terbutaline
  • Trẻ già tháng

Trẻ sinh cực non có thể gây nguy cơ bị hạ đường huyết
Trẻ sinh cực non có thể gây nguy cơ bị hạ đường huyết

3. Các triệu chứng của hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Những dấu hiệu khi lượng đường trong máu thấp có thể không rõ ràng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, các dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm:

  • Run rẩy
  • Da và môi tím tái
  • Có cơn ngừng thở kéo dài
  • Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt)
  • Cơ bắp mềm nhũn ra (trương lực cơ kém)
  • Bú kém
  • Thiếu linh hoạt, thờ ơ
  • Co giật

Các dấu hiệu của hạ đường huyết sơ sinh có thể còn tùy thuộc vào các tình trạng sức khỏe khác. Vì vậy, chỉ cần quan sát thấy con có một trong những dấu hiệu như trên hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nhất là trên những trẻ đang có các yếu tố nguy cơ, cần sớm nghi ngờ hạ đường huyết sơ sinh và can thiệp kịp thời cho đến khi loại trừ hoàn toàn chẩn đoán này.


Trẻ bú kém khi bị hạ đường huyết sơ sinh
Trẻ bú kém khi bị hạ đường huyết sơ sinh

4. Làm thế nào để chẩn đoán hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh?

Một xét nghiệm máu đơn giản nhằm xác định nồng độ đường trong máu là có thể chẩn đoán vấn đề này một cách nhanh chóng và rõ ràng.

Đối với những trẻ sơ sinh có nguy cơ bị hạ đường huyết sơ sinh cao, nên xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu mỗi vài giờ sau khi sinh. Điều này hoàn toàn được thực hiện dễ dàng tại giường bằng cách sử dụng một giọt máu lấy tại gót chân. Chỉ định này cần được tiếp tục khi các yếu tố nguy cơ cải thiện và mức đường huyết đảm bảo ổn định ít nhất trong khoảng 12 đến 24 giờ sau đó.

5. Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh được điều trị như thế nào?

Việc điều trị hạ đường huyết sơ sinh sẽ phụ thuộc vào tuổi thai, sức khỏe tổng thể của bé và sẽ được thực hiện nhanh chóng ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mà chưa có chẩn đoán chắc chắn.

Điều trị bao gồm cung cấp cho em bé một nguồn glucose tác dụng nhanh. Điều này có thể thực hiện một cách đơn giản với một hỗn hợp glucose và nước hoặc cho trẻ bú sữa công thức. Trong trường hợp trẻ không bú được do lừ đừ, li bì, trẻ cần được tiêm truyền glucose qua đường tĩnh mạch.

Sau đó, nồng độ đường huyết của trẻ vẫn cần được kiểm tra định kì sau khi điều trị để loại từ hạ đường huyết sơ sinh có xảy ra thêm một lần nữa.


Hỗn hợp glucose sẽ được trộn vào sữa cho trẻ
Hỗn hợp glucose sẽ được trộn vào sữa cho trẻ

6. Hạ đường huyết trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Tình trạng hạ đường huyết sơ sinh vô cùng nguy hiểm do khó phát hiện được sớm và những hậu quả nặng nề của nó nếu không được can thiệp kịp thời.

Não cần đường huyết để hoạt động. Vì đây là nguồn năng lượng duy nhất để các tế bào não hoạt động, khi không đủ glucose, các tế bào chuyển sang chuyển hóa yếm khí, sinh ra những sản phẩm bất lợi và có thể gây độc cho não. Thậm chí, hạ đường huyết nặng hoặc kéo dài có thể gây co giật và chấn thương não nghiêm trọng.

Lúc này, các chức năng tâm thần kinh của trẻ sẽ không còn được đảm bảo. Trẻ dễ bị co giật, phát triển không hoàn thiện trong những năm tháng đầu đời cũng như có thể gặp những nguy cơ về các vấn đề dài hạn trong học tập, phát triển các kỹ năng khi lớn lên...


Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời

7. Làm gì để có thể ngăn ngừa hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh?

Trong đa số các trường hợp, thường có thể không có cách nào để ngăn ngừa chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh.

Đối với một em bé có các yếu tố rủi ro sẵn có, cần chú ý hơn về việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Song song đó, cần phải hướng dẫn cho cha mẹ hoặc người chăm sóc cách thức theo dõi cẩn thận các dấu hiệu hạ đường huyết, cách đo đường huyết tại nhà và điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với các sản phụ bị tiểu đường, nên giữ mức đường huyết ở mức bình thường trong thai kỳ. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ hạ đường huyết cho thai nhi sau khi chào đời.

Tóm lại, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là tình trạng mức độ glucose trong máu thấp hơn bình thường. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu sinh ra từ mẹ có bệnh tiểu đường, sinh non hoặc là thai quá ngày. Lúc này, khi trẻ có dấu hiệu hạ đường huyết sơ sinh, hãy ngay lập tức cho bé uống sữa công thức hoặc hỗn hợp glucose và nước nhằm cải thiện nồng độ đường trong máu, ngăn chặn những tổn thương não đáng tiếc lâu dài.

Để đăng ký thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe