Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thiện Quang - Bác sĩ Nội ung Bướu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám, chẩn đoán các bệnh lý ung bướu và các phương thức điều trị xạ trị, hóa trị, điều trị đích và Chăm sóc giảm nhẹ.
Việc điều trị ung thư có thể gây ra nhiều thay đổi về ngoại hình và xuất hiện triệu chứng của tác dụng phụ thuốc qua thời gian như việc mệt mỏi, sụt cân, tóc rụng, hoặc nôn mửa. Khi trẻ quan sát thấy những điều này mà không biết chính xác bệnh của cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi bởi những thay đổi này.
1. Cách giải thích bệnh ung thư cho trẻ
Cách giải thích của cha mẹ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Đối với tất cả các độ tuổi, cha mẹ nên giải thích về bệnh của mình một cách dễ hiểu và chuẩn bị tinh thần cho trẻ về những thay đổi sẽ xảy ra trong cuộc sống thường ngày.
Trẻ nhỏ (đến 8 tuổi) sẽ không cần nhiều chi tiết về bệnh trong khi trẻ lớn hơn 8 tuổi sẽ cần nhiều thông tin hơn. Ở tất cả các độ tuổi, trẻ sẽ cần những thông tin sau:
- Loại ung thư
- Vị trí của bệnh trên cơ thể
- Bệnh sẽ được điều trị như thế nào
- Các tác động đến cuộc sống thường ngày của trẻ
Hãy chuẩn bị trước cách giải thích của mình và nói chuyện với trẻ lúc trẻ đang bình tĩnh và có thể tiếp thu được thông tin. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nghĩ rằng trẻ đã góp phần gây nên bệnh hoặc bệnh ung thư là bệnh lây nhiễm. Hãy trấn an và giải thích rõ ràng cho trẻ về những điều trẻ đang hiểu nhầm.
2. Trẻ sẽ phản ứng như thế nào?
Cách trẻ phản ứng sẽ phụ thuộc vào cách cha mẹ giải thích bệnh, độ tuổi và mối quan hệ với cha mẹ. Trẻ có tính cách tự lập có thể sẽ trở nên tự lập hơn nữa sau khi nhận được tin hoặc trẻ có xu hướng nghĩ đến những trường hợp xấu nhất sẽ tiếp tục nghĩ với xu hướng tiêu cực. Hãy quan sát cách ứng xử của trẻ trong thời gian sau bạn đã giải thích bệnh do trẻ có thể sẽ thể hiện cảm xúc qua hành động, tranh vẽ hoặc cách trẻ chơi với đồ chơi.
Trẻ cũng có thể băn khoăn về việc ai sẽ chăm sóc mình trong thời gian cha mẹ điều trị bệnh và nhiều trẻ cần phải cảm nhận được rằng cuộc sống không quá khác thường. Hãy cho trẻ biết những chi tiết như ai sẽ chăm sóc trẻ và giành thời gian với trẻ và trấn an trẻ rằng cuộc sống sẽ không quá khác.
Trẻ cũng có thể trở nên trầm cảm. Một số dấu hiệu của việc trầm cảm ở trẻ em:
- Học lực kém đi, mất bạn bè
- Cảm thấy buồn lâu kéo dài
- Có tâm trạng khó chịu, khóc nhiều
- Không muốn ra ngoài, ít nói
- Chán ăn
- Khó ngủ
- Khó tập trung
Nếu trẻ có các biểu hiện trên, hãy nói chuyện với những người lớn xung quanh trẻ như giáo viên, cố vấn tại trường học, y tá để họ có thể đánh giá trẻ và giúp bạn hiểu được trẻ hơn.
Cha mẹ và cả con có thể cần đến sự giúp đỡ, tư vấn từ các chuyên gia tâm lý nhằm tháo gỡ những băn khoăn lo lắng từ cha mẹ và cách để tiếp xúc chia sẻ với con về căn bệnh ung thư. Tránh để trẻ có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm.
Phòng khám tâm lý tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City được thành lập với mục đích thăm khám, chữa bệnh kết hợp sử dụng các phương pháp trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu được chứng minh mang lại hiệu quả giảm lo âu, cải thiện khả năng đối phó, sức khỏe tâm lý và tăng sự thoải mái, giảm ý nghĩ vô dụng, cải thiện cảm xúc và giảm bớt các đau khổ tâm lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.net