Giữ cân bằng Testosterone

Nồng độ testosterone quá cao hoặc quá thấp không những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mà còn gây ra ít nhiều phiền toái trong đời sống tình dục của nam giới. Vậy làm thế nào để giữ cân bằng nồng độ testosterone?

1. Testosterone là gì?

Testosterone là một loại hormon steriod thuộc nhóm androgen. Nó là nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển các tế bào sinh sản ở nam giới, như tinh hoàn và tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, testosterone còn góp phần thúc đẩy các đặc tính sinh dục thứ phát bao gồm tóc cứng hơn, tăng cơ bắp và xương, mọc lông ở cơ quan sinh dục và ở nách, mọc râu, giọng nói trầm, gương mặt nam tính,...Ngoài ra, testosterone cũng là “nhựa sống” nuôi dưỡng cho cơ thể luôn khỏe mạnh, giúp thúc đẩy ham muốn tình dục, đem lại sự sung mãn trong chuyện chăn gối cho phái mạnh. Một tác dụng khác của testosterone là ngăn ngừa các bệnh lý như tim mạch, loãng xương, béo phì và tiểu đường cho nam giới.

2. Vai trò của testosterone đối với con người

Testosterone không chỉ có ở nam giới mà ngay cả chị em phụ nữ cũng có loại hormon này trong cơ thể, tuy nhiên nồng độ testosterone của nữ giới sẽ ít hơn rất nhiều so với nam giới.

Vai trò của Testosterone đối với nam giới:

  • Tham gia vào quá trình sản xuất tinh trùng
  • Nâng cao chất lượng tinh trùng, tăng khả năng cương cứng của dương vật và tăng cường ham muốn tình dục.
  • Tham gia vào quá trình phát triển các mô trong hệ thống sinh sản như tinh hoàn, tuyến tiền liệt
  • Kích thích phát triển hồng cầu, làm tăng cơ bắp, xương và tóc.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Vai trò của Testosterone đối với nữ giới:

  • Tăng ham muốn tình dục
  • Tăng độ nhạy cảm của xúc giác

3. Mất cân bằng testosterone


Mức testosterone bình thường sẽ dao động trong khoảng 270-1070 ng/dL, mức trung bình thường đạt 679 ng/dL
Mức testosterone bình thường sẽ dao động trong khoảng 270-1070 ng/dL, mức trung bình thường đạt 679 ng/dL

Mức testosterone bình thường sẽ dao động trong khoảng 270-1070 ng/dL, mức trung bình thường đạt 679 ng/dL. Nhìn chung, con số này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi, nó sẽ đạt mức đỉnh điểm vào khoảng 20 tuổi, sau đó giảm dần xuống khi tuổi tác càng cao. Nếu nồng độ testosterone vượt quá hoặc dưới mức trung bình thì được coi là mất cân bằng hormone.

4. Mất cân bằng testosterone gây ra điều gì?

Khi bị mất cân bằng testosterone, nam giới có thể phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe cũng như tâm sinh lý. Cụ thể là:

Khi testosterone ở mức thấp:

Giảm ham muốn tình dục: như đã nói ở trên, testosterone là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy ham muốn và cảm xúc tình dục. Nếu thiếu đi hormon này, cơ thể sẽ không còn cảm thấy hứng thú khi nhắc tới chuyện chăn gối nữa. Đặc biệt, ở những người đàn ông lớn tuổi, testosterone có xu hướng suy giảm mạnh, khiến cho ham muốn tình dục cũng ngày một mất đi. Khó khăn khi cương cứng: bên cạnh tác dụng kích thích ham muốn tình dục, testosterone còn có khả năng giúp đạt và duy trì sự cương cứng của dương vật. Mặc dù nó không trực tiếp gây ra sự cương cứng nhưng nó giúp kích thích các thụ thể trong não sản xuất ra oxit nitric - một phân tử giúp kích hoạt một loạt các phản ứng hóa học cần thiết cho sự cương cứng xảy ra. Nếu nồng độ testosterone trong máu thấp, nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc cương cứng khi quan hệ tình dục và ngay cả khi ngủ (cương cứng tự phát).Tuy nhiên, hormon này chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp đạt được sự cương cứng của phái mạnh. Thực tế, có rất nhiều vấn đề về sức khỏe khác góp phần làm rối loạn cương dương, bao gồm:

  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Lạm dụng bia rượu
  • Thường xuyên hút thuốc
  • Phiền muộn
  • Stress, căng thẳng
  • Thường xuyên lo lắng

Gây rụng tóc: Testosterone cũng tham gia vào quá trình sản xuất lông và tóc, chính vì vậy mà khi lượng testosterone tự nhiên quá thấp có thể dẫn tới bệnh hói đầu. Thêm vào đó, sự thiếu hụt testosterone còn làm cho lông trên cơ thể rụng dần đi (chẳng hạn như lông chân, lông nách, lông ở bộ phận sinh dục,..).


Testosterone cũng tham gia vào quá trình sản xuất lông và tóc
Testosterone cũng tham gia vào quá trình sản xuất lông và tóc

Giảm lượng tinh dịch: Testosterone là mắt xích quan trọng trong quá trình sản xuất tinh dịch. Thể tích tinh dịch thường bị suy giảm khi nồng độ testosterone ở mức quá thấp so với mức trung bình

Mất cơ: nam giới có nồng độ testosterone thấp có thể bị suy giảm và mất dần khối lượng cơ bắp.

Gia tăng lượng mỡ thừa trong cơ thể: những nam giới có nồng độ testosterone thấp thường có nguy cơ cao gặp phải tình trạng mỡ thừa nhiều. Gây ra một số triệu chứng như vú to ở nam giới, mô vú mở rộng. Hiện tượng trên là do sự mất cân bằng giữa testosterone và estrogen ở nam giới.

Giảm khối lượng xương: cánh mày râu có thể gặp phải các tình trạng như loãng xương, mất xương, dễ bị gãy xương, xương mỏng đi hoặc giảm lượng xương nếu nồng độ testosterone trong máu dưới mức trung bình.

Cơ thể mệt mỏi: sự suy giảm testosterone là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng suy giảm năng lượng, khiến cho phái mạnh luôn cảm thấy cơ thể bị mệt mỏi cực độ, không còn động lực để tiếp tục làm việc. Đặc biệt, tình trạng này không thể bù đắp bằng giấc ngủ, bởi cho dù bạn có cố gắng ngủ nhiều đi chăng nữa, cơ thể bạn vẫn mệt mỏi thường trực, lâu dần trở nên suy kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như các hoạt động hàng ngày của bạn.

Thay đổi tâm trạng: khi nồng độ testosterone giảm xuống, các quý ông không thể tránh khỏi những bất ổn trong tâm trạng. Bởi lẽ, hormon này có ảnh hưởng nhất định tới tinh thần và tâm trạng của nam giới. Khi bị suy giảm testosterone, đàn ông phải đối mặt với các triệu chứng phổ biến như trầm cảm, khó chịu, cáu giận, thích cô độc, mất tập trung trong công việc hoặc một vấn đề gì đó.

Khi testosterone ở mức quá cao:

Nếu mức testosterone chỉ cao hơn mức trung bình một chút thì không gây ra bất cứ tình trạng đáng lo ngại nào cho sức khỏe, thậm chí nó còn đem lại một vài lợi ích nhất định cho nam giới. Tuy nhiên, nếu nồng độ testosterone trong máu quá cao, cao hơn nhiều so với mức trung bình có thể đem lại một vài hậu quả, bao gồm:

  • Tăng nguy cơ hút thuốc lá
  • Có xu hướng lạm dụng đồ uống có cồn thường xuyên hơn
  • Tăng khả năng bị chấn thương
  • Theo một vài nghiên cứu gần đây cho biết, mức testosterone càng cao thì càng có nhiều khả năng nam giới tham gia vào các hành vi đem lại độ rủi ro cao liên quan tới tình dục, gây chấn thương hoặc thậm chí hành vi bất hợp pháp.

5. Các biện pháp giúp cân bằng testosterone


Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là một trong những thói quen không chỉ rất tốt trong việc phòng tránh bệnh tật mà còn giúp tăng cường nồng độ testosterone trong cơ thể
Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là một trong những thói quen không chỉ rất tốt trong việc phòng tránh bệnh tật mà còn giúp tăng cường nồng độ testosterone trong cơ thể

Để giữ cân bằng testosterone, bạn có thể thực hiện theo những cách sau đây:

  • Tập thể dục, thể thao thường xuyên:

Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là một trong những thói quen không chỉ rất tốt trong việc phòng tránh bệnh tật mà còn giúp tăng cường nồng độ testosterone trong cơ thể của bạn. Bạn có thể lựa chọn tập luyện môn cử tạ để giúp tăng testosterone ngắn và dài hạn. Ngoài ra, để duy trì được nồng độ testosterone ở mức cân bằng, bạn nên bổ sung caffeine và creatine monohydrate kết hợp với chế độ luyện tập thường xuyên.

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể:

Những thực phẩm bạn sử dụng hàng ngày cũng đem lại những ảnh hưởng đáng kể tới nồng độ testosterone và các loại hormon khác trong cơ thể. Nam giới cần lưu ý đến ba loại dưỡng chất cần thiết, bao gồm đạm, tinh bột và chất béo tốt. Cung cấp đầy đủ đạm cho cơ thể giúp duy trì sức khỏe ổn định và hỗ trợ giảm mỡ thừa. Tinh bột có khả năng tối ưu hóa nồng độ testosterone trong khi luyện tập thể dục thể thao. Chất béo tốt cũng góp phần làm tăng cường sự dẻo dai của cơ thể và hỗ trợ sản sinh testosterone.

  • Hạn chế áp lực và nồng độ cortisol:

Sự căng thẳng lâu ngày có thể khiến cho nồng độ cortisol tăng lên và làm giảm lượng testosterone. Bên cạnh đó, áp lực và cortisol làm cho con người có xu hướng thèm ăn, ăn nhiều hơn, gây tăng cân và tích trữ lượng mỡ thừa nhiều. Bạn nên cân bằng chế độ dinh dưỡng, luyện thể thao, cười nhiều hơn, xây dựng một lối sống lành mạnh để giúp cân bằng testosterone trong cơ thể.

  • Bổ sung vitamin D:

Vitamin D là nhân tố thiết yếu giúp tăng cường nồng độ testosterone một cách tự nhiên trong máu. Để đảm bảo đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể, bạn nên dành thời gian tắm nắng trước 8 giờ sáng hoặc bổ sung 3.000 IU vitamin D3 mỗi ngày.

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất:

Vitamin B và Kẽm là hai chất giúp tăng cường chất lượng tinh trùng lến tới 74%. Bên cạnh đó, kẽm cũng giúp cải thiện nồng độ testosterone trong máu. Các loại vitamin như A, C, E đều góp phần quan trọng trong quá trình sản xuất testosterone.

  • Ngủ đủ giấc:

Giấc ngủ cũng ảnh hưởng không ít tới nồng độ testosterone. Bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cũng như duy trì sự cân bằng testosterone.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe