Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm nội tiết tố nữ là một bước quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về giới hạn bình thường của các chỉ số nội tiết tố nữ này.
1. Tổng quan về xét nghiệm nội tiết tố nữ
Xét nghiệm nội tiết tố nữ là việc thực hiện các xét nghiệm nhỏ nhằm đánh giá chức năng hoạt động cũng như khả năng dự trữ noãn của buồng trứng. Xét nghiệm nội tiết tố nữ giúp bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán các bệnh rối loạn nội tiết, đánh giá chức năng sinh sản và phát hiện sớm nguy cơ vô sinh (nếu có), từ đó có những phương hướng điều trị kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo nữ giới nên tiến hành các xét nghiệm nội tiết tố nữ theo định kỳ 6 tháng/ lần để có thể kiểm soát và theo dõi được tình hình sức khỏe sinh sản của mình.
Đặc biệt, xét nghiệm nội tiết tố nữ có thể xem là bắt buộc đối với những phụ nữ gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt hoặc chuẩn bị thụ tinh ống nghiệm,...
2. Xét nghiệm nội tiết tố nữ bao gồm xét nghiệm những chỉ số nào?
Xét nghiệm nội tiết tố nữ thường bao gồm 7 loại xét nghiệm chủ yếu là xét nghiệm chỉ số Estrogen, Testosterone, Progesterone, FSH, LH, Prolactin, AMH.
2.1 Xét nghiệm Estrogen
Estrogen là một loại hormone quan trọng ở nữ giới, đảm nhận vai trò điều tiết quá trình sản xuất tại buồng trứng. Estrogen được tiết ra bởi các nang trứng giúp kích hoạt chu kỳ sinh sản. Estrogen có 3 dạng chính:
- Estrone (E1)
- Estradiol (E2): được quan tâm nhiều nhất vì được coi là dạng phổ biến nhất của estrogen. Nồng độ E2 trong máu quá cao có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với cơ thể người phụ nữ như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, rụng tóc, nhức đầu và thậm chí làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần như cảm xúc, tâm lý của người phụ nữ cũng thay đổi như cảm xúc thất thường, hay khó chịu, dễ cáu gắt.
- Estriol (E3): dạng này của Estrogen thường xuất hiện ở phụ nữ đang mang thai. Xét nghiệm kiểm tra nồng độ E3 có thể giúp theo dõi và phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của thai nhi.
2.2 Xét nghiệm Testosterone
Thông thường, Testosterone là dạng hormone phổ biến nhất ở nam giới. Tuy nhiên, ở cơ thể người phụ nữ testosteron cũng tồn tại với một nồng độ nhất định. Testosterone đảm nhận vai trò phát triển hệ cơ, xương, đồng thời điều hòa ham muốn tình dục ở nữ giới.
2.3 Xét nghiệm Progesterone
Progesterone có khả năng ức chế quá trình chín và rụng trứng. Đồng thời đây là loại hormone kích thích sự phát triển của tuyến vú và niêm mạc tử cung.
Xét nghiệm Progesterone thường được chỉ định đối với phụ nữ mang thai (đặc biệt là các trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, thai nhi phát triển bất thường, nguy cơ sảy thai cao) hoặc người gặp các vấn đề về kinh nguyệt.
Nồng độ Progesterone đối với phụ nữ mang thai cần được duy trì ở mức cao hơn so với thông thường. Ở phụ nữ bình thường, các biểu hiện giảm ham muốn tình dục, đau ngực, trầm cảm, mệt mỏi, mụn trứng cá có thể là triệu chứng của tình trạng progesterone tăng quá cao.
2.4 Xét nghiệm FSH
FSH là hormone được tiết ra bởi thùy trước tuyến yên. Hormone này có vai trò kích thích quá trình phát triển noãn bào và quá trình bào noãn tiết estrogen. Các trường hợp có nồng độ FSH quá cao có thể là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang.
2.5 Xét nghiệm LH
Là một trong những hormone quan trọng nhất trong hệ nội tiết tố nữ, LH kích thích buồng trứng để giải phóng ra hormone E2. Khi nồng độ LH trong cơ thể có sự tăng giảm bất thường thì có thể gây rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình rụng trứng, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thậm chí gây vô sinh.
2.6 Xét nghiệm Prolactin
Prolactin được sản xuất bởi tuyến yên và có vai trò quan trọng đối với quá trình tiết sữa ở người phụ nữ. Phụ nữ trong thời kỳ đang cho trẻ bú thường có nồng độ Prolactin cao, điều này được coi như một biện pháp tránh thai tự nhiên.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ bình thường, nồng độ Prolactin vượt ngưỡng giới hạn có thể dẫn đến tình trạng vô sinh do Prolactin là một dạng hormone có khả năng ức chế các hormone sinh sản bằng việc ngăn cản quá trình rụng trứng.
2.7 Xét nghiệm AMH
Hiện nay, xét nghiệm AMH là một trong những xét nghiệm có thể đánh giá khả năng sinh sản và hỗ trợ điều trị hiếm muộn một cách hiệu quả nhất.
Nồng độ AMH trong máu quá cao hoặc quá thấp đều không tốt. Đối với phụ nữ làm thụ tinh trong ống nghiệm, nếu nồng độ AMH quá thấp sẽ làm giảm hiệu quả đáp ứng của thuốc. Ngược lại, người phụ nữ có thể gặp trứng quá kích thích buồng trứng dẫn đến vô sinh nếu nồng độ AMH quá cao.
3. Giới hạn bình thường của các chỉ số nội tiết tố nữ
Mỗi chỉ số nội tiết tố nữ sẽ có giới hạn bình thường khác nhau, cụ thể là:
- Chỉ số Estrogen: từ 70 – 220 pmol/L.
- Chỉ số Testosterone: từ 15 – 70 mg/dL.
- Chỉ số Progesterone: từ 5 – 20 ng/mL.
- Chỉ số FSH: từ 1,4 – 9,6 IU/L.
- Chỉ số LH: từ 0,8 – 26 IU/L.
- Chỉ số Prolactin: từ 127 – 637 μU/mL.
- Chỉ số AMH: từ 2 – 6,8 ng/ml.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.