Giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm mũi dị ứng khi mang thai không chỉ gây khó chịu cho thai phụ mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần nắm được các cách điều trị viêm mũi dị ứng hiệu quả cho mình.

1. Triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai

1.1 Viêm mũi dị ứng khi mang thai là gì?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên đường hô hấp. Viêm mũi khi mang thai là các triệu chứng khó chịu xảy ra ở mũi trong thời gian mang thai, kéo dài nhiều tuần mà không có các dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp. Tình trạng này có thể biến mất hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau sinh.

1.2 Các triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai

Khi bị viêm mũi dị ứng, thai phụ có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Hắt hơi liên tục, có thể hắt hơi theo cơn hoặc thành tràng dài;
  • Chảy nước mũi ra ngoài hoặc xuống họng, nước mũi không mùi, có màu trong;
  • Ngứa mũi, tai, cổ họng, mắt hoặc ngứa da;
  • Nghẹt mũi, có thể nghẹt ở một hoặc cả 2 bên;
  • Mắt đỏ, xuất hiện quầng thâm hoặc chảy nước mắt;
  • Đau đầu, nhức mũi;
  • Ngủ ngáy, phải thở bằng miệng;
  • Ho khan, đau họng, ho có đờm.

Các trường hợp viêm mũi dị ứng thoáng qua ở phụ nữ mang thai thường không gây ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát thì bệnh có thể gây ảnh hưởng gián tiếp tới thai nhi do sức khỏe của người mẹ suy giảm vì mệt mỏi, căng thẳng, ngủ kém, viêm họng, viêm mũi mãn tính. Ngoài ra, viêm mũi dị ứng kéo dài còn làm giảm cung cấp oxy trong lúc ngủ, giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, khiến thai nhi chậm phát triển trong tử cung, mẹ bầu tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật. Hiện tượng hắt hơi và xì mũi liên tục của thai phụ cũng kích thích các cơn gò tử cung. Nếu kích thích quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tình trạng dọa sảy thai hoặc sinh non.

Vì vậy, khi có triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai, thai phụ cần báo cho bác sĩ để có biện pháp điều trị hữu hiệu.


Viêm mũi dị ứng khiến sức khỏe người mẹ bị suy giảm
Viêm mũi dị ứng khiến sức khỏe người mẹ bị suy giảm

2. Biện pháp giảm triệu chứng viêm mũi dị ứng khi mang thai

Một số cách chữa viêm mũi khi mang thai thường được áp dụng gồm: Sử dụng thuốc Tây, dùng mẹo dân gian và dùng thuốc Đông y. Dù lựa chọn phương pháp nào, thai phụ cũng cần được tư vấn bởi bác sĩ điều trị.

2.1 Áp dụng các mẹo dân gian

Với những trường hợp viêm mũi dị ứng chưa chuyển biến nặng, thai phụ được khuyến khích nên áp dụng các liệu pháp dân gian sử dụng nguyên liệu tự nhiên để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Các phương pháp bao gồm:

  • Sử dụng thảo dược: Bà bầu có thể sử dụng các loại thảo dược an toàn như húng chanh, gừng, tía tô, quất,... Các thảo dược này chứa tinh dầu giúp giảm triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi hiệu quả. Đặc biệt, tía tô còn là vị thuốc an thai, dưỡng thai; gừng tươi giúp giảm các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, nôn ói; húng chanh trừ đờm, lợi phế, ức chế phế cầu khuẩn giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh đường hô hấp hiệu quả;
  • Ngửi củ hành tây: Hành tây có thành phần chống lại các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng như khó thở, hắt hơi, chảy nước mũi,... mà không gây bất kỳ ảnh hưởng xấu nào tới sự phát triển của thai nhi;
  • Massage và bấm huyệt mũi: Giúp đẩy lượng dịch mũi ra bên ngoài, làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, giúp lưu thông đường thở cho bà bầu. Phương pháp này cũng giúp giảm các cơn đau ở mũi hiệu quả cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng.
  • Vệ sinh mũi bằng nước muối: Nước muối có tác dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, giúp loại bỏ vi khuẩn, làm sạch mũi hiệu quả cho bà bầu bị viêm mũi dị ứng.
  • Biện pháp khác: Xông hơi, đặt máy phun sương tạo độ ẩm trong nhà, kê gối cao khi ngủ, uống nhiều nước, tập thể dục, tránh các chất gây kích thích, tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C, giữ ấm chân,...

2.2 Sử dụng thuốc Tây

Các phương pháp dân gian có độ an toàn cao nhưng chỉ phù hợp với trường hợp bị viêm mũi dị ứng nhẹ. Với trường hợp bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, thai phụ cần áp dụng phương pháp đặc trị khác như dùng thuốc Tây. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Nhóm thuốc kháng histamin: Thường dùng Cetirizine, Chlorpheniramine, Tripelennamine, Loratadine,... Đây là nhóm thuốc giúp ức chế hoạt động của các chất gây dị ứng, giúp giảm triệu chứng khó chịu của bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai.
  • Glucocorticoid dạng xịt mũi: Là dạng thuốc an toàn với phụ nữ mang thai, có tác dụng thông mũi, giảm nghẹt mũi. Tuy nhiên, thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất.
  • Natri cromolyn xịt mũi: Là dạng nước muối dùng để nhỏ hoặc xịt vào hốc mũi, khá an toàn cho các thai phụ bị viêm mũi dị ứng.
  • Thuốc thông mũi: Có 2 dạng là dạng uống và dạng xịt. Tuy nhiên, bà bầu chỉ nên dùng dạng xịt và cần tránh dùng dạng uống.

Khi sử dụng thuốc tây, bà bầu bị viêm mũi dị ứng cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe của mẹ và bé.


Bà bầu bị viêm mũi dị ứng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ
Bà bầu bị viêm mũi dị ứng cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

2.3 Dùng thuốc Đông y

Thuốc Đông y là giải pháp an toàn, không gây tác dụng phụ khi điều trị cho thai phụ bị viêm mũi dị ứng. Theo Đông y, viêm mũi dị ứng xuất hiện do cơ thể bị nhiễm phong hàn, phong nhiệt khiến khí phế, vệ khí hư. Để điều trị bệnh, Đông y sử dụng các thảo dược tự nhiên để khu phong, giải độc, thanh nhiệt, tán hàn,... và bồi bổ khí huyết, điều chỉnh công năng, nâng cao sức khỏe tạng phủ cũng như cải thiện sức đề kháng để đẩy lùi triệu chứng bệnh, loại bỏ tận gốc căn nguyên bệnh.

Khi sử dụng thuốc Đông y, thai phụ cần tuân thủ đúng hướng dẫn của lương y, không tùy tiện mua thuốc khi không được chỉ định.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

3. Biện pháp phòng tránh viêm mũi dị ứng khi mang thai

Phụ nữ mang thai cần chú ý những vấn đề sau để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng hữu hiệu:

  • Tìm hiểu dị nguyên gây viêm mũi dị ứng để phòng bệnh hiệu quả;
  • Giữ nhà cửa, môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm ướt;
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa, trứng, thủy hải sản,...;
  • Không nuôi thú cưng như chó, mèo trong nhà;
  • Giữ ấm cho cơ thể cẩn thận khi trời trở lạnh, đặc biệt là vùng cổ và mũi;
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ hằng ngày, đánh răng ngay sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy;
  • Nên đeo khẩu trang khi quét dọn nhà cửa và khi ra ngoài đường.

Viêm mũi dị ứng khi mang thai có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng của bệnh, thai phụ nên đến gặp bác sĩ để được khám, điều trị đúng cách. Đặc biệt, thai phụ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nếu chưa được chỉ định vì một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ tiêu cực cho mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe