Tình trạng đau nhức răng vào ban đêm khiến cho bạn không thể đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ. Dùng thuốc giảm đau, nhai một nụ đinh hương hoặc kê thêm một chiếc gối có thể giúp tình trạng đau răng trở lên nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, với một số nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể cần đến sự hỗ trợ từ bác sĩ để có cách trị nhức răng ban đêm hiệu quả.
1. Cách trị nhức răng ban đêm
Việc điều trị đau nhức răng vào ban đêm có thể khó khăn và mất nhiều thời gian, do tình trạng này thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể thử các phương pháp giảm đau được liệt kê dưới đây:
1.1 Uống thuốc giảm đau
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như Acetaminophen hoặc Ibuprofen là cách nhanh chóng và đơn giản giúp nhiều người giảm đau răng ở mức độ nhẹ đến trung bình một cách hiệu quả.
Sử dụng thuốc theo liều lượng được khuyến cáo trên bao bì hoặc hướng dẫn của người có chuyên môn. Nếu cảm thấy cơn đau răng nghiêm trọng hơn, tốt nhất bạn nên đến gặp nha sĩ để được tư vấn về các loại thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc những cách trị nhức răng ban đêm phù hợp với tình trạng riêng của bạn.
1.2. Chườm lạnh
Chườm lạnh là một trong những phương pháp đơn giản, hiệu quả, an toàn cho cả người lớn và trẻ bị nhức răng vào ban đêm.
Dùng ít đá lạnh bọc trong khăn mềm và áp lên bên mặt hoặc hàm có răng đau sẽ giúp co mạch máu tại chỗ và có thể làm giảm đau, giúp người bệnh dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Chườm lạnh vào khu vực này trong 15 đến 20 phút cứ sau vài giờ vào buổi tối cũng có thể giúp ngăn ngừa cơn đau khi đi ngủ.
1.3. Tư thế đầu
Lưu lượng và áp lực máu lên đầu mặt nhiều hơn có thể gây tăng đau và viêm. Đối với một số người, nâng cao đầu bằng một hoặc hai chiếc gối có thể làm dịu cơn đau nhức răng vào ban đêm đủ để họ chìm vào giấc ngủ.
1.4. Thuốc bôi tại chỗ
Một số loại thuốc bôi tại chỗ cũng có thể giúp giảm đau nhức răng. Kem tê Lidocain OTC và thuốc mỡ có chứa các thành phần như Benzocaine có thể làm tê tại chỗ. Tuy nhiên, Benzocaine không phù hợp với việc sử dụng cho trẻ bị nhức răng vào ban đêm.
1.5. Súc miệng với nước muối để giảm đau nhức răng vào ban đêm
Súc miệng bằng nước muối đơn giản là một biện pháp khắc phục đau răng phổ biến tại nhà. Nước muối là chất kháng khuẩn tự nhiên, vì vậy có thể làm giảm viêm, bảo vệ răng bị hư hỏng không bị nhiễm trùng.
Súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp loại bỏ bất kỳ hạt thức ăn hoặc mảnh vụn nào còn mắc kẹt trong răng hoặc nướu.
1.6. Dùng nước súc miệng Hydrogen peroxide
Viêm nha chu là một tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng thường xảy ra do răng miệng vệ sinh kém sạch sẽ. Các triệu chứng có thể gặp là đau nhức răng, chảy máu nướu răng và răng bị lung lay.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng súc miệng bằng nước súc miệng Hydrogen peroxide giúp giảm mảng bám và các triệu chứng viêm nha chu.
Bạn có thể tìm thấy các sản phẩm nước súc miệng chứa Hydrogen peroxide trên thị trường. Lưu ý nên ngậm dung dịch này khoảng 30s, cẩn thận không nuốt dung dịch này vào trong.
Cách trị nhức răng ban đêm này không phù hợp với trẻ em, vì có nguy cơ chúng có thể vô tình nuốt phải hỗn hợp.
1.7. Giảm đau nhức răng vào ban đêm với trà bạc hà
Súc miệng trà bạc hà hoặc ngậm túi trà bạc hà cũng có thể giúp giảm đau tạm thời do đau răng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong bạc hà có chứa các hợp chất kháng khuẩn, chống oxy hóa. Ngoài ra, Menthol - một hoạt chất trong bạc hà cay, cũng có công dụng gây tê nhẹ ở những vùng nhạy cảm.
1.8. Cách trị nhức răng ban đêm với đinh hương
Eugenol, một hoạt chất chính có trong trong đinh hương, được xem là chất gây tê tự nhiên, hoạt động như một loại thuốc giảm đau, gây tê tại chỗ. Để sử dụng đinh hương chữa đau răng, hãy ngâm đinh hương đã xay trong nước để tạo thành hỗn hợp sệt rồi bôi hỗn hợp lên răng hay cho vào túi trà rỗng và đặt vào trong miệng.
Ngoài ra, nhẹ nhàng nhai hoặc ngậm một nhánh đinh hương và sau đó để nó nằm gần chiếc răng đau có thể giúp giảm đau. Đối với trẻ bị nhức răng vào ban đêm đây không phải là một phương thuốc thích hợp. Vì thế bạn nên lưu ý.
1.9. Cách trị nhức răng ban đêm bằng tỏi
Tỏi là một nguyên liệu phổ biến trong gia đình mà một số người sử dụng để giảm đau răng.
Allicin, hợp chất chính trong tỏi, có tác dụng kháng khuẩn mạnh có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn trong miệng dẫn đến sâu răng và đau răng. Chỉ cần nhai một tép tỏi và để nằm gần răng có thể giúp giảm đau.
2.Tại sao nhức răng vào ban đêm?
2.1 Sâu răng
Một trong những câu trả lời cho vấn đề “Tại sao nhức răng vào ban đêm” thường gặp nhất là tình trạng sâu răng. Sâu răng có thể dẫn đến mất răng nếu không được điều trị phù hợp.
Sâu răng xảy ra khi axit và vi khuẩn phá vỡ men răng và ăn mòn các mô mỏng manh bên trong răng. Điều này có thể làm lộ dây thần kinh, gây đau từ nhẹ đến nặng.
2.2 Nhiễm trùng xoang
Tình trạng nhiễm trùng các xoang mặt cũng có thể gây đau nhức răng ở một số người. Các triệu chứng như đau và tăng áp lực xoang do nhiễm trùng có thể gây đau nhiều hơn vào ban đêm.
2.3 Lưu lượng máu nhiều hơn khi nằm xuống
Lý do chính tại sao đau răng nhiều hơn vào ban đêm là do tư thế ngủ của chúng ta. Nằm xuống khiến máu dồn lên đầu nhiều hơn, gây thêm áp lực lên những vùng nhạy cảm, chẳng hạn như miệng.
2.4 Bộ não của chúng ta ít bị phân tâm hơn
Vào ban đêm, chúng ta nhận thức rõ hơn về những cảm giác trong cơ thể mình vì có ít phiền nhiễu hơn. Chúng ta có thể nghĩ rằng cơn đau răng của mình nghiêm trọng hơn, nhưng thực tế không phải vậy - chúng ta chỉ cảm thấy đau nhiều hơn khi đầu óc tỉnh táo để chìm vào giấc ngủ.
2.5 Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ
Việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ đặc biệt là vào ban đêm sẽ khiến thức ăn hoặc các mẫu vụn thức ăn kẹt lại giữa răng hoặc nướu, đặc biệt với thức ăn có chứa đường. Bởi vì mảng bám phát triển mạnh nhờ đường, việc quên đánh răng sau bữa ăn khuya, trước khi đi ngủ có thể làm cơn đau nhức răng vào ban đêm nặng hơn.
2.6 Nghiến răng vô thức
Vô thức nghiến răng vào ban đêm cũng là một trong những đáp án cho câu hỏi “tại sao nhức răng vào ban đêm” đối với một số người. Sau một giấc ngủ dậy, bạn có thể quằn quại trong đau đớn, vì nghiến răng gây áp lực lớn lên xương hàm, răng và nướu. Bạn có thể cần được chăm sóc răng miệng và tư vấn một cách trị nhức răng ban đêm do nghiến răng phù hợp bởi những người có chuyên môn.
2.7 Tụt nướu
Chân răng của chúng ta tự nhiên nhạy cảm và dễ bị đau hơn phần thân răng. Khi chân răng bị lộ ra ngoài do tụt nướu sẽ khiến răng bị tổn thương nhiều hơn. Bất cứ thứ gì từ nước lạnh đến các kích thích vật lý như đánh răng ngay trước khi đi ngủ đều có thể khiến miệng bị đau.
Bạn có thể đi khám nha sĩ nếu nghi ngờ mình bị tụt nướu. Sử dụng kem đánh răng cho răng nhạy cảm, ghép nướu hay một số tư vấn về việc sử dụng chỉ nha khoa đúng cách,... có thể sẽ giúp giảm các cơn đau nhức răng vào ban đêm của bạn.
2.8 Rối loạn khớp thái dương hàm
Đau hàm, phát ra tiếng kêu lách cách, nhức đầu, đau tai và đau răng đều là những triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm. Một số triệu chứng nghi ngờ của bệnh như hàm bị đau hoặc phạm vi chuyển động bị hạn chế, khó cắn hoặc nhai thức ăn.
3. Khi nào đau nhức răng vào ban đêm cần được khám nha khoa?
Những người bị đau nhức răng vào ban đêm nên đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Bất kỳ biện pháp khắc phục tại nhà chỉ là cứu trợ tạm thời.
Nếu cơn đau răng cũng đi kèm với các dấu hiệu nhiễm trùng khác, bạn có thể cần dùng đến kháng sinh để loại bỏ nhiễm trùng.
Có nhiều biện pháp khắc phục cơn đau răng vào ban đêm tại nhà nhưng chúng không phải là những biện pháp lâu dài. Bất cứ khi nào cơn đau răng kéo dài hơn và gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn, hãy đi gặp nha sĩ để được chẩn đoán và điều trị đầy đủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.