Khớp gối bị đau, có âm thanh lục cục hoặc cảm giác căng tức có thể là dấu hiệu của việc giảm chất lỏng hoạt dịch hay còn gọi là bệnh khô khớp gối. Bệnh này nếu không được điều trị có thể dẫn đến thoái hoá khớp gối. Nguyên tắc điều trị đó là giảm đau khớp kết hợp với chống viêm và tăng cường dịch khớp.
1. Khô khớp gối là gì?
Dịch khớp có độ đặc và dính, hoạt động như một chất bôi trơn trong khớp gối để giảm ma sát và như 1 chất giảm xóc, giúp vận động của cơ thể con người diễn ra trơn chu, đứng dậy, ngồi hoặc đứng có thể được thực hiện 1 cách dễ dàng. Dịch khớp cũng làm giảm áp lực lên khớp gối vì nó tạo lớp đệm các đầu của bề mặt xương khi đi bộ hoặc chạy.
Cơ thể chúng ta có thể tự sản xuất chất lỏng hoạt dịch. Khi chúng ta già đi, cơ thể bắt đầu xuống cấp và lượng dịch khớp ở đầu gối giảm dần. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác làm cho chất lỏng bị khô nhanh chóng như thừa cân, chấn thương đầu gối, sai tư thế chuyển động hoặc mắc một số bệnh mãn tính (tiểu đường, cao huyết áp, gút và thấp khớp)...
2. Nguyên nhân gây khô khớp gối
2.1 Chấn thương sụn chêm
Ngoài vấn đề thoái hóa theo tuổi tác, sụn chêm còn có thể bị tổn thương nếu cử động đột ngột không đúng cách khiến khớp đầu gối bị trật hoặc bị 1 lực tác động trực tiếp vào đầu gối. Đây thường là những trường hợp xảy ra do chấn thương trong khi chơi thể thao hay các loại hoạt động thể chất khác.
Với nhiều trường hợp, người chấn thương sụn chêm vẫn có thể đi bộ được nhưng sẽ gặp các triệu chứng như sưng đau đầu gối, cảm giác như bị “khóa” lại, khó có thể di chuyển như bình thường, thời gian dài dẫn đến cứng khô khớp gối.
2.2 Viêm khớp
- Viêm xương khớp: Nguyên nhân do sự hao mòn của lớp sụn giữa xương. Khiến cho 2 đầu xương dễ cọ xát vào nhau gây đau đớn cho người bệnh. Vị trí phổ biến của viêm xương khớp là khớp gối - nơi tiếp giáp của 3 xương: Xương bánh chè, xương đùi và xương chày. Trong quá trình sinh hoạt, tập luyện và vận động thường ngày, khớp gối rất dễ bị tổn thương, thoái hóa hay hao mòn do thường xuyên phải chịu sức nặng lớn của cơ thể. Thoái hóa khớp gối còn gây ra các phản ứng khác như viêm, sưng, khô khớp gối.... gây cảm giác đau, buốt, rát cho người bệnh.
- Viêm khớp dạng thấp là kết quả của một tình trạng tự miễn dịch khi cơ thể tự tấn công các mô khỏe. Người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể bị viêm màng hoạt dịch – 1 lớp màng mỏng bao phủ phần lót bên trong của khớp gối. Màng hoạt dịch bị viêm, khiến cho khớp gối cũng dễ bị khô cứng, gây đau.
- Viêm khớp sau bị chấn thương: Các dạng chấn thương như đứt dây chằng và rách sụn chêm có thể khiến khớp gối dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến viêm khớp sau chấn thương (PTA). Tình trạng này có xu hướng xảy ra nhiều năm sau thời điểm đầu gối bị thương.
2.2 Khớp gối giảm tiết dịch
Thoái hóa khớp do tuổi tác khiến cho chức năng khớp gối giảm sút. Khiến cho quá trình tiết dịch bôi trơn trong khớp chậm chạp và suy giảm rõ rệt. Làm gia tăng tình trạng khô khớp gối đồng thời tăng ma sát đầu xương gây đau đớn cho bệnh nhân.
2.3 Xơ khớp
Xơ khớp hay cứng khớp gối xảy ra khi vùng xung quanh khớp gối hình thành một lượng lớn mô sẹo xơ cứng, dày đặc quá mức.
Tình trạng này thường gặp ở người mắc bệnh viêm khớp đã trải qua phẫu thuật đầu gối như phẫu thuật chấn thương dây chằng chéo trước hay thay khớp gối.
2.4 Vôi hóa
Là hiện tượng do canxi lắng đọng lâu ngày trong khớp gối khiến khớp bị vôi hóa, lâu dài sẽ dẫn đến khô khớp.
3. Giảm đau do bệnh khô khớp gối
3.1 Dùng thuốc giảm đau
- Điều quan trọng nhất trong giảm đau cho bệnh nhân bị khô khớp gối là bệnh nhân phải được nghỉ ngơi.
- Nếu có sưng thì chườm lạnh, nếu sưng ít hoặc không sưng thì chườm nóng.
- Bổ sung dưỡng chất cho khớp gối bằng cách dùng glucosamine sulfate tinh thể. Nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của glucosamine giúp giảm các triệu chứng đau nhức (đặc biệt là khớp gối). Ngoài ra, ở giai đoạn sớm của thoái hóa khớp có thể sử dụng glucosamine để giảm đau và phục hồi chức năng.
- Dùng thuốc giảm đau như Tramadol, Paracetamol có tác dụng giảm cơn sưng tấy tại khớp.
- Nếu triệu chứng còn đau có thể dùng NSAIDs (không kê đơn) như Ibuprofen, Meloxicam và Diclofenac. Khi các loại thuốc giảm đau không hiệu quả có thể dùng các loại thuốc có tác dụng sản sinh Prostaglandin và PGF2, làm giảm các tín hiệu thần kinh tạo cảm giác đau.
- Để ngăn ngừa chấn thương thêm và hạn chế đầu xương cọ xát, nên đeo nẹp để ổn định đầu gối
3.2 Tiêm khớp
“Cùng với việc sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau, để tăng tiết dịch khớp ở khớp gối, các bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm bổ sung Axit Hyaluronic hoặc dịch khớp nhân tạo, có thành phần tương tự như dịch khớp tự nhiên vào sụn và khoang rỗng giữa khớp để giảm đau, sưng, viêm, ma sát và cải thiện khả năng vận động của đầu gối.
Kết quả có thể có hiệu quả trong khoảng 6-12 tháng.
Ngoài dịch khớp nhân tạo, 1 lựa chọn điều trị khác là huyết tương giàu tiểu cầu hoặc tiêm PRP để sửa chữa các mô bị tổn thương, điều trị tổn thương và giảm viêm.
Phương pháp điều trị này sử dụng máu của chính bệnh nhân và trải qua nhiều quá trình để tạo ra một chất nhất quán cô đặc và tiêm trở lại khớp gối. Mỗi lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và đánh giá của bác sĩ ”, Tiến sĩ Premstien bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình chuyên về phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng tại Bệnh viện Vejthani cho biết.
Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc tiêm chất nhờn vào khớp nhưng không tuân thủ điều kiện vô khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng, dính khớp, teo cơ thậm chí liệt toàn thân.
3.3 Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp giảm đau và phù nề, đồng thời tăng tầm vận động khớp gối, phục hồi các chức năng sinh hoạt hàng ngày. Một số thiết bị hiện đại như trị liệu laser thế hệ IV hoặc sóng xung kích Shockwave phát huy tốt tác dụng tái tạo sụn, thúc đẩy sản xuất collagen ở các mô nằm sâu, hỗ trợ khôi phục sụn khớp an toàn và hiệu quả.
3.4 Trị liệu thần kinh Cột sống
Đây là phương pháp điều trị bảo tồn giúp điều trị thành công nhiều bệnh lý cơ xương khớp đang được ứng dụng tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu. Bác sĩ sẽ dùng tay nắn chỉnh với các kỹ thuật chuyên môn để điều chỉnh các cấu trúc sai lệch trở về vị trí vốn có, kích thích khả năng tự chữa lành của cơ thể, từ đó cắt tận gốc cơn đau và giúp cơ thể trở về trạng thái cân bằng.
Mặc dù có nhiều cách để giảm đau do bệnh khô khớp gối nhưng người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và an toàn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.