Bị viêm họng là tình trạng phổ biến ở trẻ em và kể cả người lớn, nhất là vào lúc thời tiết thay đổi. Bệnh có thể gây ra những khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như công việc của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc về giải phẫu đau họng và đặc điểm đau họng giúp bệnh nhân chủ động hơn khi mắc phải.
1. Viêm họng là gì?
Viêm họng là dạng bệnh cấp tính hoặc mạn tính với tình trạng viêm xảy ra giới hạn ở niêm mạc hầu và họng dẫn đến đau rát ở cổ họng, đặc biệt ở động tác nuốt. Trong những trường hợp nặng không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng viêm amindan, viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu. Khi bị bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và chủ yếu xuất hiện vào thời điểm thời tiết hanh khô kéo dài.
2. Nguyên nhân gây viêm họng
Viêm họng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Các loại virus, vi khuẩn: Đa phần viêm họng do các loại virus phổ biến như virus cúm A và virus cúm B, coronavirus và parainfluenza virus,... gây ra lở loét niêm mạc họng. Ngoài ra còn có thể do các nhóm vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu và đặc biệt lưu ý đến vi khuẩn liên cầu khuẩn β tan huyết nhóm A có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan khác trên cơ thể.
Các yếu tố từ môi trường bên ngoài:
- Chất kích thích hoặc chất gây kích ứng như: đồ ăn cay nóng, khói bụi, thuốc lá, bia rượu,.. làm tổn thương lớp niêm mạc họng.
- Thời tiết thay đổi nhanh chóng hoặc những người ở trong môi trường điều hòa khi ra ngoài nóng đột ngột làm cơ thể không kịp thích ứng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Acid trong dạ dày trào ngược lên làm tổn thương niêm mạc họng gây ra cảm giác nóng rát.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: Những bệnh nhân nhiễm HIV thường có hệ miễn dịch rất yếu, do đó chỉ cần một đợt tấn công nhẹ của vi khuẩn hoặc virus là có thể gây ra viêm họng. Một số người có thể mắc viêm họng mạn tính do bệnh thường xuyên tái phát.
- Có khối u ở cổ họng hoặc lưỡi.
3. Triệu chứng của viêm họng
3.1. Sốt
Đôi khi chúng ta có thể nhầm lẫn những cơn sốt do cảm lạnh với sốt do viêm họng. Khi bị cảm lạnh, bản có thể chỉ trải qua một cơn sốt nhẹ và thường không kéo dài. Tuy nhiên nếu bạn sốt cao và kèm theo cảm giác đau họng thì rất có khả năng đó là viêm họng do liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, đây không phải là đặc điểm đặc hiệu nên cần phải chú ý thêm những triệu chứng khác.
3.2. Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết là nơi tiêu diệt và chôn vùi các vi khuẩn và virus gây bệnh. Do đó khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cũng là lúc hạch bạch huyết tăng cường hoạt động nên sẽ có hiện tượng sưng lên. Có thể dễ dàng quan sát và sờ thấy ở dưới hàm hoặc hai bên cổ. Nhưng đây không phải là đặc trưng của viêm họng, mà bất kể viêm nhiễm do lý do gì thì chúng cũng có thể sưng lên, ngay cả khi cảm lạnh.
3.3. Đau họng
Khi cơ thể bị cảm lạnh cũng có thể gây đau họng nhưng triệu chứng này thường biến mất sau một vài ngày. Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn sẽ có xu hướng gây ra những cơn đau dữ dội hơn và không thuyên giảm. Khi mắc viêm họng do liên cầu khuẩn có thể đau đến mức bạn khó có thể nuốt được. Ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, chán ăn, nhức đầu hoặc đau dạ dày.
3.4. Phát ban
Phát ban tại vị trí cổ và ngực đôi khi lan ra phần còn lại của cơ thể có thể là dấu hiệu của một nhóm bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gọi là nhiễm trùng liên cầu. Tình trạng nhẹ nhất trong nhóm này là viêm họng liên cầu khuẩn, nhưng có thể dẫn đến nhiều nghiêm trọng như ban đỏ, nhiễm khuẩn huyết và hội chứng sốc nhiễm độc. Khi có triệu chứng này cần đến gặp bác sĩ để được điều trị càng sớm càng tốt.
3.5. Quan sát vùng họng
Bạn có thể sử dụng một chiếc đèn pin rồi tự nhìn vào gương và nói "Ahhh." Lúc này ta có thể quan sát được các chấm hoặc mảng trắng ở phía sau cổ họng. Tại vị trí amidan có thể xuất hiện những nốt sưng ở hai bên ở phía sau cổ họng có thể đỏ và sưng lên. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nấm miệng, hoặc nhiễm virus như herpes miệng hoặc tăng bạch cầu đơn nhân. Ngoài ra, quan sát bằng cách này có thể phát hiện thêm những bất thường khác như sỏi amidan do lắng đọng canxi gây đau đớn trong họng.
3.6. Nhiễm khuẩn
Bản thân người bệnh có thể cảm thấy đặc điểm đau họng thông thường và đau họng do vi khuẩn gây ra rất giống nhau, tuy nhiên chúng lại khác hoàn toàn. Trong hầu hết các trường hợp thì viêm họng là do virus gây ra và cơ thể có thể tự chữa lành. Và trong trường hợp này, thuốc kháng sinh hầu như không có tác dụng, vì chúng chỉ có thể tiêu diệt được vi khuẩn như viêm họng do liên cầu hoặc các loại vi khuẩn khác.
4. Điều trị viêm họng như thế nào?
4.1. Kiểm tra xác định liên cầu khuẩn
Để xác định bệnh nhân có mắc viêm họng do liên cầu gây ra hay không, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm nhanh liên cầu. Kết quả sẽ có được sau 5 đến 10 phút, nhưng không có giá trị đặc hiệu cho tất cả các loại liên cầu. Nếu âm tính, mẫu bệnh phẩm có thể được chuyển đến cho phòng thí nghiệm để xác định chính xác nhưng cần thời gian vài ngày.
4.2. Sử dụng thuốc kháng sinh cho liên cầu khuẩn
Nếu kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn dương tính, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh. Sau khi dùng thuốc một đến hai ngày sẽ cảm thấy cơ thể khỏe hơn một chút, tuy nhiên không được tự ý ngưng thuốc mà phải dùng đủ liều đã được kê. Khi dừng thuốc đột ngột, một số vi khuẩn có thể còn tồn tại và khiến bạn bị bệnh trở lại. Trong vòng 24 giờ sau khi dùng kháng sinh, cơ thể vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác, vì vậy hãy rửa tay thường xuyên để bảo vệ những người xung quanh và đừng quên vứt bỏ bàn chải đánh răng đang sử dụng.
4.3. Chăm sóc tại nhà cho bệnh đau họng
- Súc miệng với nước muối ấm: Bất kể nguyên nhân gây ra đau họng là gì thì các biện pháp tại nhà có thể giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn. Một cách có thể hiệu quả là súc miệng bằng nước muối ấm sẽ có tác dụng làm sạch khoang miệng và diệt khuẩn rất tốt. Chỉ cần trộn nửa thìa muối vào một cốc nước, sau đó súc miệng và nhổ ra. Lặp lại mỗi ngày từ hai đến ba lần sẽ giúp giữ ẩm cho cổ họng, giúp giảm sưng tấy và làm dịu cảm giác ngứa ngáy, thô ráp.
- Chườm ấm: Hãy thử đặt một chai nước ấm hoặc miếng đệm nóng vào bên ngoài cổ họng hoặc làm ướt khăn bằng nước nóng để tự chườm ấm. Biện pháp này có thể giúp làm dịu các hạch bạch huyết mềm ở cổ và giảm cảm giác khó chịu.
- Sử dụng thực phẩm giúp làm dịu những cơn đau: Ăn kem khi những cơn đau họng vẫn còn có thể là một cách giúp làm tê cổ họng và kem chảy lỏng ra, làm bạn dễ nuốt. Các loại thức ăn nhẹ nhàng khác bao gồm sữa lắc, gelatin và súp nóng. Nếu cơn đau họng của bạn đặc biệt đau đớn thì không nên ăn các thức ăn giòn hoặc có vị cay.
- Cung cấp đủ nước: Nước là yếu tố đặc biệt quan trọng khi mắc viêm họng. Nếu bạn bị sốt và do những cơn đau mà không thể uống đủ nước thì có thể khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Lựa chọn những đồ uống nhẹ như nước lọc và trà ấm sẽ tốt cho cổ họng đang viêm.
4.4. Thuốc giảm đau
Thuốc không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen có thể giúp giảm cơn đau do viêm họng. Tuy nhiên cần thận trọng nếu bạn đang dùng một loại thuốc khác để chữa cảm lạnh hoặc cúm vì có thể chúng đã bao gồm thuốc giảm đau được chứa trong đó. Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
4.5. Thuốc xịt và viên ngậm trị đau họng
Bạn có thể làm dịu cơn đau họng bằng thuốc xịt hoặc viên ngậm làm tê nhưng không nên sử dụng chúng cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, ngậm đá bào cũng có thể giúp bạn nhẹ nhõm hơn.
4.6. Đau rát cổ họng kéo dài
Bị viêm họng kéo dài trên một tuần hoặc các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn thì bạn hãy đến bác sĩ kiểm tra, ngay cả khi bạn đã có kết quả xét nghiệm liên cầu khuẩn âm tính. Đau họng dai dẳng cũng có thể là dấu hiệu của trào ngược axit, tăng bạch cầu đơn nhân hoặc một tình trạng khác.
Bệnh viêm họng, đau họng là bệnh lý khá phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để có hướng thăm khám, điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com