Viêm họng: Khi nào nguy hiểm, cần đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Thái đã có hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ.

Có khoảng 70-80% tác nhân gây viêm họng là do virus, người bệnh có thể tự khỏi nếu chăm sóc bản thân và sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, khoảng 20-30% người bị viêm họng có thể do nhiễm bệnh vì liên cầu, có thể biến chứng dẫn bệnh thấp tim.

1. Viêm họng là gì?

Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi cổ họng của mình đau hoặc rát, đặc biệt là khi nuốt. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần mà không để lại tổn thương, di chứng về sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm họng lâu ngày có thể là một dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chính gây viêm họng là do tác động của các loại vi rút và vi khuẩn. Ước tính có khoảng 80% các trường hợp viêm họng là do vi rút gây ra, chủ yếu là các loại vi rút rhino, adeno, vi rút hợp bào đường thở, cúm, sởi. Các trường hợp còn lại là do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu, ... gây nên.

Ngoài nguyên nhân chính trên, bệnh viêm họng thường xảy ra bởi hai yếu tố là:

Yếu tố cá nhân:

  • Vấn đề vệ sinh răng miệng không thường xuyên, không đúng cách làm các vi khuẩn có hại có cơ hội nằm trong khoang miệng khiến viêm nhiễm dễ xảy ra hơn.
  • Hiện tượng các acid dạ dày tràn vào thực quản gây ra chứng ợ nóng, acid dạ dày khi bị trào ngược sẽ gây ra rất nhiều kích thích cho cổ họng.
  • Uống đồ uống có cồn, thức ăn quá cay, cứng hoặc chế biến bằng cách muối, chiên, nướng, ... sẽ tạo khối cứng cọ xát vào cổ họng làm cổ họng bị xước, đau rát.
  • Một số bệnh liên quan đến đường hô hấp và hệ thống tiêu hóa như: Viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản, bệnh dị ứng, ... cũng có thể là nguyên nhân gây viêm họng lâu ngày.

Yếu tố môi trường:

  • Ô nhiễm môi trường không khí như khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc, khí thải công nghiệp, ... là tác nhân quan trọng gây ra các bệnh về hô hấp nói chung, bệnh viêm họng nói riêng.
  • Thời tiết thay đổi thất thường nhất là các thời điểm giao mùa gây ra hiện tượng viêm họng, đặc biệt là khi người bệnh không biết giữ ấm.
  • Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa được chú ý đúng mức. Nhiều loại đồ ăn, đồ uống không hợp vệ sinh, chứa nhiều vi khuẩn cũng là nguyên nhân gây ra viêm họng.

Tiếp xúc với khói bụi ngoài đường có thể gây viêm họng
Tiếp xúc với khói bụi ngoài đường có thể gây viêm họng

3. Khi nào nguy hiểm, cần đi khám?

  • Sưng tấy cổ hoặc lưỡi

Sưng và đau ở cổ thường là do các hạch bạch huyết tại đây bị viêm. Các hạch bạch huyết bị sưng có thể do viêm Amidan hoặc cảm cúm. Viêm hạch bạch huyết cũng có thể là triệu chứng của ung thư, nhiễm HIV, lupus ban đỏ hoặc giang mai.

Giống như sưng cổ, nguyên nhân gây sưng lưỡi kèm theo đau họng thường là do viêm, chẳng hạn viêm họng, viêm Amidan, viêm họng liên cầu hoặc viêm thanh quản. Những trường hợp viêm họng nặng này đều cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị ngay.

  • Đau họng kèm phát ban

Phát ban trên da kèm theo đau họng thường là dấu hiệu của các loại bệnh mà trẻ em thường mắc như thủy đậu, sởi, rubella.

Các chuyên gia cảnh báo, những căn bệnh này là nghiêm trọng, có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp, thậm chí là tử vong.

  • Đau họng kèm sốt cao

Đau họng thường đi kèm với sốt, đặc biệt là ở trẻ nhỏ khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi rút. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng sốt tuyệt đối không được chủ quan mà phải luôn được theo dõi cẩn thận.

Nếu nhiệt độ cơ thể của trẻ vượt quá 37 độ C hoặc khi không có nhiệt kế mà cha mẹ nghi ngờ con bị sốt thì hãy đưa con đến khám bác sĩ ngay. Sốt nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như co giật.

  • Cổ cứng

Cổ cứng đi kèm với đau họng là dấu hiệu của viêm màng não. Bệnh xảy ra khi lớp màng bao quanh não và hệ thần kinh ở cột sống bị viêm. Người mắc viêm màng não thường sẽ khó cúi đầu để di chuyển cằm về phía ngực.

Viêm màng não là bệnh nghiêm trọng cần phải được cấp cứu ngay. Các triệu chứng khác của viêm màng não gồm sốt, buồn nôn, ói, nhạy cảm với ánh sáng.

  • Đau họng kèm chảy nước dãi

Chảy nước dãi với đau họng có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị viêm họng nặng. Khi đó, người bệnh cần phải được điều trị nhanh chóng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khó nuốt có thể dẫn đến mất nước và những biến chứng sức khỏe khác.

Ngoài một số dấu hiệu trên, khi thấy viêm họng rêu lưỡi trắng; kéo dài hơn 7 ngày; có máu trong nước bọt hoặc đờm; đau họng kèm đau khớp quai hàm hoặc đau tai; đau khớp thì cần ngay lập tức đến khám chuyên khoa để hạn chế các tình trạng nghiêm trọng hơn.

4. Điều trị và phòng ngừa viêm họng


Điều trị viêm họng bằng thuốc kháng sinh
Điều trị viêm họng bằng thuốc kháng sinh

4.1. Điều trị viêm họng

Bệnh viêm họng thông thường sẽ tự khỏi. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc chứa paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Bác sĩ sẽ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh như thuốc penicillin nếu nghi ngờ bạn viêm họng do nhiễm khuẩn.

Các loại thuốc dùng để điều trị viêm họng gồm:

  • Thuốc giảm đau: Đau họng do virus thường không cần điều trị. Tình trạng của bạn sẽ cải thiện trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, do khó chịu, bạn đôi khi cũng cần được điều trị bằng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Kháng sinh: Kháng sinh thường được chỉ định để điều trị đau họng do vi khuẩn gây ra. Mỗi kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ nên được sử dụng theo đúng lịch trì mặc dù các triệu chứng của đau họng đã được cải thiện. Điều này giúp ngăn ngừa lây lan vi khuẩn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Bên cạnh đó, những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm họng. Bạn có thể kiểm soát tốt bệnh viêm họng của mình bằng những cách sau đây:

  • Súc miệng – họng bằng nước muối ấm
  • Uống nhiều nước ấm, tránh uống nước lạnh, có đá
  • Ngừng uống rượu bia hoặc các chất có cồn
  • Không hút thuốc lá, tránh xa các môi trường ô nhiễm hoặc có khói thuốc
  • Rửa tay thường xuyên trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân viêm họng
  • Khi bị bệnh, tuyệt đối không nên dùng chung thức ăn hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác để tránh lây bệnh cho người khác

4.2. Cách phòng ngừa viêm họng

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây đau họng, nhưng vẫn có nhiều cách giúp bạn phòng ngừa bệnh này:

  • Luôn rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc đồ vật ở nơi công cộng.
  • Tránh dùng chung đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân.
  • Tránh hút thuốc và khói thuốc.
  • Tránh các nguồn gây dị ứng.
  • Luôn giữ ấm cơ thể khi giao mùa.

Viêm họng là bệnh thường gặp, ai cũng có thể mắc phải vài lần trong đời. Hãy đến gặp ngay bác sĩ khi bạn bị đau họng kéo dài hoặc có bất cứ bất thường nào kể trên.

Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe