Giải độc thủy ngân: Thông tin cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Giải độc thủy ngân là quá trình loại bỏ thủy ngân ra khỏi cơ thể bạn. Ngoài cách sử dụng thuốc để giải độc thủy ngân, bạn cũng có thể sử dụng các biện pháp giải độc khác tại nhà theo sự hướng dẫn của chuyên khoa y tế để loại bỏ thủy ngân ra khỏi cơ thể bạn.

1. Thủy ngân độc hại như thế nào?

Thủy ngân là kim loại nặng, xuất hiện tự nhiên trong môi trường. Thủy ngân được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghiệp, từ nhiệt kế đến công tắc đèn. Một số sản phẩm chứa thủy ngân đều có thể gây ngộ độc cho con người.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu hít phải hơi thủy ngân nguyên tố có nhiều khả năng sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn so với việc nuốt hay chạm vì nó hấp thu rất ít ở đường tiêu hóa dạ dày.

Tuy nhiên, dạ dày dễ dàng hấp thụ một loại thủy ngân khác gọi là Methyl thủy ngân, nó có thể xâm nhập vào cơ thể qua da. Methyl thủy ngân được tìm thấy trong thực phẩm như cá, hải sản.

Ethyl thủy ngân xảy ra khi cơ thể phá vỡ thimerosal. Thủy ngân Thimerosal là chất bảo quản được sử dụng rộng rãi nhất trong vắc xin.

Thimerosal được sử dụng như một chất chống nhiễm khuẩn, kháng khuẩn. Nó được sử dụng một cách an toàn với số lượng lớn. Có thể loại bỏ thủy ngân này nhanh hơn so với methyl thủy ngân.

Thủy ngân cũng được tìm thấy trong: không khí; nước; thực phẩm; ở các khu công nghiệp; đất; trám răng; nhiệt kế; bóng đèn; thuốc lá và khói thuốc lá; sơn cũ; pin...

Ngộ độc thủy ngân có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng. Những triệu chứng này xuất hiện khi thủy ngân tích tụ dần trong cơ thể bạn một thời gian dài. Khi bạn tiếp xúc với một lượng thủy ngân lớn, các dấu hiệu cũng có thể xuất hiện một cách đột ngột.

Ngộ độc thủy ngân xuất hiện một số triệu chứng bao gồm: mệt mỏi; ủ rũ; đau đầu; ho; đau ngực hoặc cảm giác nóng rát; khó thở; viêm mô phổi; hành vi thay đổi như: hay cáu kỉnh hoặc dễ bị kích động; thiếu tập trung; giảm trí nhớ; ngứa; mất cảm giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy...

Trong trường hợp ngộ độc nặng, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Nhiễm trùng mãn tính
  • Rối loạn thị giác
  • Mất ngủ
  • Tê liệt

2. Làm thế nào để kiểm tra mức thủy ngân?

Một số xét nghiệm nhiễm độc thủy ngân được sử dụng để kiểm tra mức thủy ngân trong cơ thể, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: xét nghiệm máu cho biết bạn có tiếp xúc với thủy ngân trong những ngày qua hay không. Tuy nhiên, nồng độ của một số loại thủy ngân trong máu sẽ giảm nhanh chóng trong vòng từ 3-5 ngày.
  • Xét nghiệm nước tiểu: trong khoảng thời gian vài tháng, mức độ thủy ngân trong nước tiểu cũng giảm.
  • Xét nghiệm tóc: xét nghiệm tóc có thể cho thấy dấu hiệu tiếp xúc với thủy ngân dài hạn.

Nếu muốn kiểm tra mức thủy ngân của bản thân, nên báo cho bác sĩ biết về thời gian bạn tiếp xúc với các nguồn thủy ngân cũng như các triệu chứng bất thường của cơ thể mà bạn gặp phải.

Dựa trên thời gian tiếp xúc cũng như các triệu chứng, bác sĩ sẽ xác định xem bạn nên thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu hay tóc sẽ có hiệu quả tốt nhất.

3. Khi nào cần giải độc thủy ngân?


Kiểm tra nồng độ thủy ngân trong máu
Kiểm tra nồng độ thủy ngân trong máu

Nồng độ thủy ngân trong máu từ 0-9 ng/mL là bình thường. Từ 10-15 ng/mL cho thấy bạn bị phơi nhiễm thủy ngân nhẹ. Nếu nồng độ thủy ngân trong máu của bạn trên 50 ng/mL cho thấy bạn đã tiếp xúc nhiều với thủy ngân hữu cơ. Mức độ phơi nhiễm thủy ngân có thể thay đổi dựa trên từng loại thủy ngân liên quan.

Cần phải giải độc thủy ngân khi nồng độ thủy ngân trong máu của bạn tăng lên trên 15 ng/mL. Thận và gan là hai cơ quan có nhiệm vụ lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Nếu chức năng của gan hoặc thận bị suy giảm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thải độc. Hệ thống giải độc tự nhiên của cơ thể người rất hiệu quả trong việc loại bỏ độc tố bao gồm cả thủy ngân qua nước tiểu và phân.

Tuy nhiên, khi hàm lượng thủy ngân cao, nó có thể sẽ vượt quá công suất hoạt động của gan và thận khiến cho gan và thận phải làm việc quá tải. Nếu mức thủy ngân trong máu lên tới 50 ng/mL có thể gây độc tính đáng kể trong cơ thể bạn, bạn cần phải giải độc thủy ngân.

4. Giải độc thủy ngân

Bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân sẽ không cho gây nôn, không rửa dạ dày vì có nguy cơ bị thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt tính để giải độc vì nó không có tác dụng hấp thụ thủy ngân.

Nếu bạn bị ngộ độc thủy ngân vô cơ, bác sĩ sẽ tiến hành truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Bên cạnh đó, bạn sẽ được đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp nếu niêm mạc hầu họng bị tổn thương. Bệnh nhân phải uống thuốc giải độc đặc hiệu ngay nếu có triệu chứng của sự chuyển đổi thủy ngân hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể.

Đối với những hộ dân sống quanh khu vực có thủy ngân phát tán cần thận trọng, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ y tế. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự giải độc thủy ngân bằng một số cách sau:

  • Ăn nhiều chất xơ: cơ thể loại bỏ tự nhiên thủy ngân và các chất độc hại khác thông qua phân. Ăn nhiều chất xơ giúp chúng di chuyển dễ dàng hơn qua đường tiêu hóa, dẫn đến việc đi vệ sinh nhiều hơn.
  • Uống nhiều nước: thủy ngân cũng được loại bỏ trong nước tiểu, vì vậy uống thêm nước có thể giúp tăng tốc quá trình giải độc.
  • Tránh tiếp xúc: Cách tốt nhất để loại bỏ thủy ngân trong cơ thể là tránh các nguồn lây nhiễm của nó bất cứ khi nào bạn có thể. Khi giảm tiếp xúc, mức độ thủy ngân trong cơ thể của bạn cũng sẽ giảm theo.
  • Nếu bạn có lượng thủy ngân rất cao trong cơ thể, thì việc giải độc tại nhà có thể sẽ không có hiệu quả tốt.

Ngộ độc thủy ngân có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài, do đó, điều quan trọng là bạn cần phải chia sẻ tình trạng bản thân với bác sĩ để đảm bảo nồng độ thủy ngân trong máu của bạn trở về phạm vi an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe