Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Tử cung là một bộ phận của cơ thể phụ nữ, nơi nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Cắt tử cung là một phẫu thuật được chỉ định trong một số trường hợp do bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính. Gây mê nội khí quản là một phương pháp vô cảm sử dụng trong phẫu thuật cắt tử cung.
1. Gây mê nội khí quản trong phẫu thuật tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung được chỉ định trong bệnh lý như chảy máu, khối u trong tử cung, sa sinh dục...Khi phẫu thuật cắt tử cung bệnh nhân được đánh giá và lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp. Trong đó gây mê nội khí quản là một phương pháp vô cảm toàn thân mà người bệnh sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật.
Gây mê nội khí quản trong phẫu thuật cắt tử cung là phương pháp gây mê toàn thân, có đặt ống nội khí quản mục đích là kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật và quá trình hồi sức sau phẫu thuật.
2. Chỉ định và chống chỉ định
2.1 Chỉ định
- Trong phẫu thuật cắt tử cung do các nguyên nhân như u xơ tử cung có kích thước lớn hay gây chảy máu bất thường, ung thư nội mạc tử cung... hay trong cấp cứu sản khoa.
- Khi kiểm soát hô hấp cho người bệnh bằng mask gặp khó khăn.
- Bệnh nhân duy trì mê bằng thuốc gây mê đường hô hấp.
2.2 Chống chỉ định
- Bệnh nhân từ chối dùng phương pháp gây mê nội khí quản.
- Không đủ phương tiện gây mê hồi sức và người thực hiện không thành thạo kỹ thuật.
3. Quy trình gây mê nội khí quản trong phẫu thuật cắt tử cung
3.1 Chuẩn bị
- Người thực hiện: Bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức.
- Phương tiện:
- Hệ thống máy gây mê kèm máy thở; nguồn oxy bóp tay; máy theo dõi chức năng sống gồm điện tim, huyết áp động mạch, SpO2, EtCO2, nhiệt độ, nhịp thở; máy phá rung tim, máy hút đờm rãi.
- Đèn soi thanh quản, ống nội khí quản các kích cỡ khác nhau, ống hút, mặt nạ (mask), bóng bóp, canul miệng hầu, kìm Magill, mandrin mềm.
- Thuốc: Chuẩn bị các loại thuốc dùng trong gây mê hồi sức và xử lý tai biến.
- Các phương tiện khác để dự phòng trong trường hợp đặt nội khí quản khó: Ống Cook, mask thanh quản, bộ mở khí quản, ống soi phế quản mềm, kìm mở miệng...
- Người bệnh:
- Thăm khám gây mê đầy đủ trước phẫu thuật, phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ tai biến có thể xảy ra.
- Tư vấn và giải thích về các tai biến có thể xảy ra trong gây mê phẫu thuật cắt tử cung.
- Đánh giá các trường hợp có nguy cơ đặt ống nội khí quản khó.
- Sử dụng thuốc an thần vào tối hôm trước mổ nếu bệnh nhân quá lo lắng hồi hộp.
3.2 Các bước tiến hành
Bệnh nhân:
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, cho thở oxy 100% 3-6 l/phút trước khi khởi mê ít nhất 5 phút.
- Lắp máy theo dõi để theo dõi các dấu sinh tồn.
- Thiết lập đường truyền có hiệu quả.
- Tiền mê bằng thuốc.
Khởi mê:
- Có thể khởi mê bằng thuốc mê đường tĩnh mạch như propofol, etomidate... thuốc gây mê đường hô hấp hoặc kết hợp.
- Kết hợp thêm một số loại thuốc làm tăng tác dụng của thuốc gây mê như: Thuốc giảm đau nhóm opioid, thuốc giãn cơ nếu cần.
- Dự phòng trào ngược với thuốc kháng thụ thể H2 và Metoclopramid.
Đặt nội khí quản đường miệng: Điều kiện đặt ống nội khí quản khi người bệnh ngủ sâu, đủ độ giãn cơ trong đại đa số các trường hợp.
- Mở miệng người bệnh, một tay để dưới cổ giúp cổ thẳng, đưa đèn soi thanh quản vào bên phải miệng, gạt lưỡi bệnh nhân sang bên trái, đẩy đèn sâu xuống dưới, phối hợp với tay phải đè sụn giáp nhẫn và tìm nắp thanh môn, lỗ thanh môn.
- Tiến hành khởi mê nhanh và làm thủ thuật Sellick trong những trường hợp dạ dày đầy.
- Luồn ống nội khí quản nhẹ nhàng qua lỗ thanh môn, dừng lại khi bóng của ống nội khí quản đi qua dây thanh âm khoảng 2-3 cm.
- Rút đèn soi thanh quản và bơm bóng nội khí quản.
- Kiểm tra sau khi rút đèn xem vị trí đúng của ống nội khí quản bằng cách nghe phổi và kết quả EtCO2
- Cố định ống bằng băng dính và đặt canul vào miệng để tránh cắn ống (nếu cần)
- Trong trường hợp bệnh nhân đặt nội khí quản khó thì cần áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó
Duy trì mê: Duy trì mê có thể dùng các thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau thuốc giãn cơ (nếu cần).
Theo dõi:
- Cần kiểm soát hô hấp bằng máy thở hoặc bóp tay.
- Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp động mạch, vã mồ hôi, chảy nước mắt...
- Đề phòng những trường hợp đặt ống nội khí quản sai vị trí, gập, tắc.
3.3 Tiêu chuẩn rút ống nội khí quản
Khi thực hiện xong phẫu thuật, cần rút ống nội khí quản khi đủ các tiêu chuẩn sau:
- Người bệnh tỉnh, làm theo lệnh;
- Nâng đầu trên 5 giây, TOF >0,9 nếu có;
- Bệnh nhân có thể tự thở đều và tần số thở trong giới hạn bình thường;
- Mạch, huyết áp ổn định;
- Thân nhiệt > 35 độ C;
- Không có biến chứng của gây mê và do phẫu thuật.
4. Tai biến và xử trí những tai biến do đặt nội khí quản
4.1 Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở
- Dấu hiệu: Có dịch tiêu hóa trong khoang miệng và đường thở.
- Xử trí: Hút sạch dịch, nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên; Đặt ống nội khí quản nhanh và hút sạch dịch trong đường thở; Theo dõi và đề phòng nhiễm trùng phổi sau mổ
4.2 Rối loạn huyết động
- Hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim (nhịp chậm, nhịp nhanh, loạn nhịp).
- Tùy vào dấu hiệu xử lý.
4.3 Tai biến do đặt nội khí quản
- Không đặt được ống nội khí quản; Đặt lại theo quy trình đặt ống nội khí quản khó hoặc chuyển sang phương pháp vô cảm khác.
- Đặt nhầm vào dạ dày:
- Dấu hiệu: Nghe phổi không có rì rào phế nang, không đo được EtCO2.
- Xử trí: Đặt lại ống nội khí quản.
- Co thắt thanh, khí, phế quản
- Khó hoặc không thông khí, nghe phổi có ran rít hoặc phổi câm
- Xử trí: Cung cấp oxy đầy đủ, thêm thuốc ngủ và giãn cơ, đảm bảo thông khí và cho các thuốc giãn phế quản và corticoid; Nếu không kiểm soát được hô hấp thì cần áp dụng quy trình đặt ống nội khí quản khó.
- Chấn thương khi đặt ống nội khí quản: Chảy máu, gãy răng, tổn thương dây thanh âm, dị vật rơi vào đường thở... Chẩn đoán và điều trị theo từng trường hợp.
4.4 Biến chứng hô hấp
Gập, tụt làm cho ống nội khí quản bị đẩy sâu vào một phổi, tụt hoặc hở hệ thống hô hấp, hết nguồn oxy...
Xử trí: Cần đảm bảo ngay thông khí và cung cấp oxy 100%, giải quyết nguyên nhân.
4.5 Biến chứng sau khi rút ống nội khí quản
- Suy hô hấp sau khi rút ống nội khí quản do nhiều nguyên nhân gây ra.
- Đau họng khàn tiếng.
- Co thắt thanh, khí quản và phế quản.
- Viêm nhiễm đường hô hấp trên.
- Hẹp thanh quản, khí quản.
Xử trí bệnh nhân tùy từng trường hợp và từng nguyên nhân gây ra.
Phẫu thuật cắt tử cung có nhiều loại phẫu thuật được lựa chọn như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật qua thanh bụng hay phẫu thuật bằng robot. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Khi phẫu thuật và khi gây mê nội khí quản trong phẫu thuật cắt tử cung có thể gây ra một số biến chứng nên cần lựa chọn những địa chỉ uy tín để hạn chế nguy cơ biến chứng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức. Trước khi là bác sĩ gây mê hồi sức tại Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, bác sĩ Tịnh từng có thời gian công tác dài tại Bệnh viện Đa khoa Huyện Cẩm Xuyên Tĩnh Hà Tĩnh.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.