Gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngát - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Ngát có kinh nghiệm trên 15 năm làm bác sĩ Gây mê hồi sức.

Sa lồi niệu quản là bệnh lý giãn hình túi lồi vào trong lòng bàng quang của đoạn niệu quản thành bàng quang. Phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản kết hợp với gây mê mask thanh quản là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

1. Gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản

Sa lồi niệu quản là bệnh lý thường gặp khi niệu quản đổ lạc chỗ, hẹp vị trí đổ vào bàng quang... Túi sa lồi là niêm mạc bàng quang và thành niệu quản là 2 loại sa lồi niệu quản thường gặp. Bệnh lý này có thể gây ra các biến chứng như: bí tiểu, viêm bàng quang, suy thận, sỏi trong túi sa lồi...

Phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản kết hợp với gây mê mask thanh quản là kỹ thuật gây mê toàn thân có đặt mask thanh quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật.

Những người bệnh lựa chọn khi đặt nội khí quản khó, đặc biệt khó thông khí hoặc không thông khí được; kiểm soát đường thở và hô hấp trong gây mê toàn thân cho một số phẫu thuật và tạm thời trong cấp cứu... được chỉ định gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản.

Tuy nhiên không phải người bệnh nào cũng có thể gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản. Dưới đây là một số trường hợp chống chỉ định gây mê mask thanh quản.

  • Dạ dày đầy
  • Tổn thương hàm mặt phức tạp
  • Không đủ phương tiện gây mê, hồi sức.

Bệnh sa lồi niệu quản gây ra biến chứng bí tiểu, viêm bàng quang
Bệnh sa lồi niệu quản gây ra biến chứng bí tiểu, viêm bàng quang

2. Quy trình

2.1. Chuẩn bị

Về phía bệnh viện: Để thực hiện gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản, ekip phẫu thuật cần bác sĩ, điều dưỡng viên chuyên khoa gây mê hồi sức. Đồng thời, các phương tiện, dụng cụ cần chuẩn bị đầy đủ. Cụ thể:

  • Hệ thống máy gây mê kèm thở, nguồn oxy bóp tay, máy theo dõi chức năng sống (ECG, huyết áp động mạch, SpO2, EtCO2, nhịp thở, nhiệt độ) máy phá rung tim, máy hút...
  • Mask thanh quản các cỡ, ống hút, mặt nạ (mask), bóng bóp, canul miệng hầu.
  • Lidocain 10% dạng xịt.
  • Salbutamol dạng xịt.
  • Các phương tiện dự phòng đặt nội khí quản: ống nội khí quản và đèn soi thanh quản
  • Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi tiết niệu đường dưới.

Về phía người bệnh:

  • Người bệnh được thăm khám, giải thích về những ưu điểm gây mê trước khi mổ nhằm phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra
  • Đánh giá đặt mask thanh quản khó.
  • Đối với những người bệnh đang dùng thuốc chống đông đường uống, phẫu thuật sẽ được tiến hành sau khi dừng thuốc chống đông 3 ngày, làm xét nghiệm đông máu: tỷ lệ prothrombine đã tăng lên đến mức như ở người bình thường; Có thể thay thuốc chống đông đường uống bằng thuốc chống đông đường tiêm; Vì tác dụng của thuốc chống đông đường tiêm thường ngắn và có thể tiến hành phẫu thuật 6 giờ sau khi tiêm mũi chống đông cuối cùng.
  • Thuốc điều trị những bệnh tim mạch, huyết áp cao, phải được thay đổi hoặc ngừng trước phẫu thuật.
  • Những người bệnh có nguy cơ bị thiểu năng mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, phải được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu trước mổ.
  • Nếu bệnh nhân quá kích động, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc an thần tối hôm trước mổ.
  • Chuẩn bị hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ y tế.

2.2. Tiến hành

Trước khi thực hiện gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản, người bệnh được hướng dẫn nằm ngửa, thở oxy hoặc thở CPAP trước khi khởi mê ít nhất 5 phút đến khi nồng độ Oxy trong khí thở ra đạt ít nhất 90%. Đồng thời, được lắp máy theo dõi, thiết lập đường truyền và tiến hành tiền mê.

2.2.1. Khởi mê

Quá trình khởi mê, người bệnh được chỉ định dùng thuốc mê tĩnh mạch (propofol, etomidat, ketamin...), thuốc mê bốc hơi (sevofluran...), thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ...

Bác sĩ chỉ thực hiện đặt mask thanh quản khi người bệnh ngủ đủ sâu hoặc đủ độ giãn cơ, giảm đau nếu cần.

2.2.2. Kỹ thuật đặt mask thanh quản

Dưới đây là các bước đặt mask thanh quản:

Bước 1: Đặt đầu bệnh nhân ở tư thế trung gian hoặc hơi ngửa. Một tay mở miệng người bệnh, tay kia đặt mask thanh quản qua các cung răng vào gốc lưỡi, tỳ mặt sau mask vào khẩu cái cứng, đẩy mask trượt dọc theo khẩu cái cứng để vào vùng hạ hầu. Lưu ý là cầm mask thanh quản như cầm bút, ngón tay trỏ đặt vào chỗ nối giữa mask thanh quản và phần ống

Bước 2: Dừng lại khi gặp lực cản

Bước 3: Kiểm tra độ kín của mask thanh quản, đồng thời, bơm cuff theo đúng thể tích được hướng dẫn trên mask thanh quản

Bước 4: Kiểm tra vị trí đúng của mask thanh quản bằng nghe phổi và kết quả EtCO2. Thực hiện cố định bằng băng dính.

2.2.3. Duy trì mê

  • Duy trì mê bằng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ (nếu cần).
  • Kiểm soát hô hấp bằng máy hoặc bóp tay.
  • Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, vã mồ hôi, chảy nước mắt (PRST); MAC, BIS và Entropy (nếu có)...
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, huyết áp, SpO2, EtCO2, thân nhiệt.
  • Đề phòng sai vị trí, tụt, gập, tắc mask thanh quản.

Bác sĩ chỉ thực hiện đặt mask thanh quản khi người bệnh ngủ sâu hoặc đủ độ giãn cơ
Bác sĩ chỉ thực hiện đặt mask thanh quản khi người bệnh ngủ sâu hoặc đủ độ giãn cơ

2.2.4. Tiêu chuẩn rút mask thanh quản

  • Người bệnh tỉnh, làm theo lệnh.
  • Nâng đầu trên 5 giây, TOF >0,9 (nếu sử dụng thuốc giãn cơ).
  • Tự thở đều, tần số thở trong giới hạn bình thường
  • Mạch, huyết áp ổn định.
  • Thân nhiệt > 35oC.
  • Không có biến chứng của gây mê và phẫu thuật.

3. Tai biến và xử lý

Bệnh nhân gây mê mask thanh quản phẫu thuật nội soi xẻ sa lồi lỗ niệu quản có thể gặp phải một số tai biến không mong muốn như:

  • Chảy máu: Tai biến này hiếm khi xảy ra. Trong trường hợp bị chảy máu, có thể xử trí đốt cầm máu kỹ
  • Sốc nhiễm trùng: thường gặp ở bệnh nhân viêm bàng quang, viêm hệ tiết niệu và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Khi bệnh nhân có dấu hiệu sốc nhiễm trùng cần nhanh chóng xử trí. Phối hợp thật tốt với bác sĩ gây mê hồi sức, khẩn trương đốt cầm máu; Dùng các loại kháng sinh mạnh, phối hợp liều cao, đường tĩnh mạch, vừa đảm bảo hô hấp và huyết động tốt; Cấy máu, cấy nước tiểu, làm kháng sinh đồ. Nguyên nhân của sốc nhiễm trùng là do việc tưới rửa bàng quang đã đẩy vi khuẩn vào trong hệ tuần hoàn, gây nên nhiễm trùng huyết.
  • Thủng bàng quang
  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở có thể cần đặt nhanh ống nội khí quản và hút sạch dịch trong đường thở
  • Rối loạn đông huyết gây hạ hoặc tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim (nhịp chậm, nhịp nhanh, loạn nhịp)
  • Một số tai biến do đặt mask thanh quản như: Không đặt được mask thanh quản; co thắt thanh - khí - phế quản; chấn thương khi đặt mask,...
  • Một số tai biến sau khi rút mask thanh quản: Suy hô hấp; Đau họng, khàn tiếng ...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Vinmec có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại như: máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ.

Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe