Gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật múc nội nhãn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây mê đặt mask thanh quản là kỹ thuật đơn giản không đòi hỏi người nhiều kinh nghiệm, ít kích thích khi thoát mê, không gây ra các phản xạ, rất phù hợp với các phẫu thuật nhãn khoa. Trong đó, gây mê mask thanh quản thường được chỉ định cho phẫu thuật múc nội nhãn ở mắt mất chức năng không còn khả năng điều trị bảo tồn mắt.

1. Tìm hiểu về phẫu thuật múc nội nhãn và phương pháp gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật múc nội nhãn

Phẫu thuật múc nội nhãn là phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ các tổ chức trong nhãn cầu, để lại vỏ củng mạc, bao tenon ( là màng xơ bọc ngoài củng mạc) và toàn bộ kết mạc.

  • Chỉ định trong các trường hợp viêm mủ toàn nhãn, chấn thương bán phần trước, vỡ nhãn cầu không còn khả năng bảo tồn, mắt mất chức năng không có khả năng điều trị bảo tồn, đau nhức, kích thích, cần lắp mắt giả...

Gây mê mask thanh quản là phương pháp gây mê toàn thân có đặt mask thanh quản với mục đích kiểm soát hô hấp trong suốt cuộc phẫu thuật. Gây mê mask thanh quản được chỉ định trong phẫu thuật múc nội nhãn, với những ưu điểm như:

  • Dễ dàng thực hiện và kiểm soát được đường thở của bệnh nhân. Đặc biệt thích hợp trong trường hợp tiên lượng đặt nội khí quản khó hoặc không đặt được ống nội khí quản.
  • Ưu điểm lớn nhất của mask thanh quản so với các dụng cụ kiểm soát đường thở trên thanh môn khác là dễ đặt, cho phép kiểm soát đường thở nhanh chóng.
  • Mask thanh quản đảm bảo cung cấp O2 tốt hơn, mask thanh quản ít gây ra phản xạ ho rướn như thường thấy khi dùng nội khí quản, ít gây ra phản xạ giao cảm ( tăng huyết áp, tăng nhịp tim) so với khi đặt hoặc khi rút nội khí quản.
  • Mask thanh quản cũng làm giảm nhu cầu thuốc mê và giảm tỷ lệ đau họng so với nội khí quản.
  • Gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật múc nhãn cầu không phải dùng các thuốc giãn cơ nên cũng tránh được các tai biên do dùng thuốc giãn cơ: giãn cơ tồn dư, suy hô hấp, viêm phổi...

Gây mê mask thanh quản là phương pháp gây mê toàn thân có đặt mask thanh quản
Gây mê mask thanh quản là phương pháp gây mê toàn thân có đặt mask thanh quản

2. Chỉ định, chống chỉ định của gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật múc nội nhãn

Chỉ định:

  • Người bệnh có chống chỉ định với gây tê để phẫu thuật múc nhãn cầu.
  • Gây tê mà không đảm bảo kiểm soát đau cho phẫu thuật.
  • Bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cơ không dùng được các thuốc giãn cơ trong gây mê nội khí quản.
  • Bệnh nhân có chỉ định gây mê nội khí quản tiên lượng đặt nội khí quản khó, hoặc đặt nội khí quản thất bại.

Chống chỉ định

  • Không đủ phương tiện hồi sức.
  • Người thực hiện ít kinh nghiệm, không thành thạo kỹ thuật.
  • Chống chỉ định với sử dụng Mask thanh quản.

Bệnh nhân có tăng áp hốc mắt được chỉ định của gây mê mask thanh quản
Bệnh nhân có tăng áp hốc mắt được chỉ định của gây mê mask thanh quản

3. Quy trình gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật múc nội nhãn

Chuẩn bị: Mask thanh quản các cỡ, dụng cụ kiểm soát đường thở khác đề phòng không đặt được mask thanh quản, rắc co phù hợp với mask , ống thông hút phế quản và ống hút miệng, bóng bóp, máy hút, máy thở.

Các bước tiến hành

Bước 1: Hút xẹp bóng, bôi trơn mặt sau mask.

Bước 2: Khởi mê.

  • Úp masque cho bệnh nhân thở oxy 100%
  • Đa số bắt đầu bằng fentanyl sau đó dùng các thuốc gây ngủ( Propofol), thuốc giãn cơ nếu cần thiết. Không dùng thuốc giãn cơ trên bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cơ.

Bước 3: Đặt mask thanh quản.

  • Để người bệnh nằm ngửa.
  • Đặt mask thanh quản theo kỹ thuật ngón tay trỏ cầm Mask như cầm bút đầu ngón trỏ đặt vào điểm nối giữa mask và ống, đẩy mask trượt dọc theo thành trên vòm miệng hướng tới thành sau họng sau đó đẩy trượt tới tiền đình thanh quản đưa mask vào vị trí, mask thanh quản nằm úp lên trên tiền đình thanh quản.

Bước 4: Khi mask vào vị trí tiến hành bơm cuff. Kiểm tra mask đã vào đúng vị trí không sau đó cố định ống bằng hai sợi băng dính.

Bước 5: Duy trì mê đủ sâu băng thuốc mê bốc hơi, đảm bảo cho phẫu thuật và thông khí cơ học qua máy gây mê.

Bước 6: Thoát mê sau khi kết thúc phẫu thuật.


Trong gây mê mask thanh quản, cần chuẩn bị thêm dụng cụ đặt nội khí quản đề phòng không đặt được mask thanh quản,
Trong gây mê mask thanh quản, cần chuẩn bị thêm dụng cụ đặt nội khí quản đề phòng không đặt được mask thanh quản,

4. Tai biến và xử lý

  • Khó đặt: Không cố đẩy, kiểm tra đầu mask thanh quản không cuộn, tì vào thành sau họng, để đầu ngửa tối đa, đẩy hàm dưới ra trước.
  • Tỉnh trong phẫu thuật: Do mê nông, thì phẫu thuật gây đau. Tăng độ mê, thêm thuốc giảm đau.
  • Hít chất nôn vào phổi: Dự phòng bằng dặn bênh nhân nhịn ăn uống. Sử dụng mask thanh quản 2 nòng, một nòng có thể luồn ống thông vào dạ dày để hút dịch, chất xuất tiết.
  • Chấn thương khi đặt mask do động tác quá thô bạo: Ít gặp, kỹ thuật cần được thực hiện động tác nhẹ nhàng.
  • Thay đổi huyết động: tăng mạch, tăng huyết áp trong giai đoạn đặt mask thanh quản: Đảm bảo độ mê và giảm đau phù hợp ở giai đoạn đặt mask thanh quản.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quang Hùng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Hiện tại, đang là bác sĩ Gây mê hồi sức, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe