Gây mê cho trẻ và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây mê cho trẻ là một công đoạn quan trọng trước khi chính thức bước vào ca phẫu thuật. Trẻ khi được gây mê sẽ mất cảm giác đau, phản xạ, ý thức, điều này làm không ít bậc cha mẹ lo lắng vì không biết gây mê ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của trẻ?

1. Gây mê cho trẻ là gì?

Gây mê cho trẻ là quá trình sử dụng thuốc mê nhằm đảo bảo trẻ không còn cảm giác đau đớn và ý thức trong quá trình phẫu thuật hoặc thực hiện các kỹ thuật tầm soát. Có hai loại thuốc mê đó là thuốc gây mê dạng hơi và thuốc gây mê dạng tiêm tĩnh mạch. Việc lựa chọn loại thuốc gây mê nào cho trẻ sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và loại phẫu thuật, kỹ thuật can thiệp nào sẽ được thực hiện.

Việc gây mê cho trẻ sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức. Bác sĩ gây mê có trách nhiệm khám và đánh giá các chức năng cơ thể trẻ để đưa ra kế hoạch gây mê hồi sức phù hợp, đồng thời theo dõi trẻ trong suốt quá trình gây mê nhằm phát hiện và xử lý các biến chứng kịp thời.


Trẻ có thể được gây mê qua đường tĩnh mạch
Trẻ có thể được gây mê qua đường tĩnh mạch

2. Gây mê cho trẻ có an toàn không?

Ý nghĩ trẻ sẽ trong trạng thái vô thức khi gây mê sẽ làm nhiều bậc phụ huynh căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi gây mê trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ và các máy móc hiện đại nên rất an toàn. Bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận nhịp thở, huyết áp, nồng độ oxy máu, nhịp tim, độ mê để điều chỉnh lượng thuốc mê phù hợp với trẻ.

Một số tác dụng phụ của thuốc mê thường gặp sau phẫu thuật là chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau đầu, ớn lạnh. Trẻ cũng có thể bị dị ứng thuốc. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như rối loạn nhịp tim, rối loạn chuyển hóa, suy giảm chức năng gan, thận,... Tuy nhiên cha mẹ không cần quá lo lắng vì các trường hợp này rất hiếm khi xảy ra.


Rối loạn nhịp tim là một tác dụng phụ của gây mê cho trẻ
Rối loạn nhịp tim là một tác dụng phụ của gây mê cho trẻ

3. Quá trình gây mê cho trẻ diễn ra như thế nào?

Quá trình gây mê diễn ra theo các giai đoạn tiền mê, khởi mê, duy trì mê, thoát mê (giai đoạn hồi tỉnh) và giai đoạn hậu phẫu.

  • Tiền mê: bác sĩ cho trẻ sử dụng các thuốc giúp trẻ thư giãn, giảm kích thích, giảm đau, giảm tác dụng phụ của thuốc gây mê trước khi chính thức gây mê. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc an thần, thuốc kháng tiết, thuốc giảm đau trung ương, thuốc kháng histamin,...
  • Khởi mê, duy trì mê: bác sĩ cho trẻ sử dụng loại thuốc mê với liều phù hợp với tình trạng của trẻ. Liều khởi mê là liều thuốc mê được sử dụng ban đầu. Liều duy trì là liều thuốc mê được dùng lặp lại nhằm duy trì tác dụng của thuốc khi cuộc mổ kéo dài. Trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ theo dõi sát các thông số sức khỏe để phát hiện và xử lý kịp thời các bất thường.
  • Giai đoạn hồi tỉnh: sau phẫu thuật, trẻ sẽ được chuyển sang khu vực hồi sức sau phẫu thuật. Thời gian theo dõi thông thường là 2 giờ, thời gian này có thể kéo dài hơn nếu trẻ chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn để rời khỏi khu vực hồi tỉnh.

4. Lưu ý gây mê cho trẻ như thế nào để đảm bảo an toàn?

Để chuẩn bị cho việc gây mê, bác sĩ sẽ thực hiện khám tiền mê. Mục đích của khám tiền mê là giúp bác sĩ đánh giá toàn diện các chức năng và bệnh lý có thể ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi gây mê phẫu thuật.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin như:

  • Trẻ có bị dị ứng với các loại thuốc, thực phẩm nào hay không?
  • Tiền sử bệnh của trẻ cũng như gia đình, các loại thuốc trẻ đang sử dụng
  • Các vấn đề sức khỏe trẻ đang mắc phải như cảm cúm, viêm đường hô hấp, hen suyễn...

Trẻ bị viêm đường hô hấp cần cân nhắc việc gây mê cho trẻ
Trẻ bị viêm đường hô hấp cần cân nhắc việc gây mê cho trẻ

Bác sĩ sẽ hướng dẫn một lưu ý gây mê cho trẻ quan trọng, cha mẹ cần tuân thủ vấn đề cho trẻ nhịn ăn uống trước khi phẫu thuật: 8 giờ đối với thức ăn đặc; 6 giờ đối với thức ăn lỏng như cháo, sữa công thức; 4 giờ đối với sữa mẹ; 2 giờ đối với nước lọc. Nếu có thức ăn hoặc các loại nước trong dạ dày trẻ khi thực hiện gây mê, dễ xảy ra tình trạng nôn mửa, chất nôn có thể trào ngược lên thành sau cổ họng, tràn vào phổi và gây tổn thương phổi như xẹp phổi, viêm phổi hít, co thắt phế quản.

Để trẻ bớt lo lắng, cha mẹ nên trấn an tinh thần trẻ, chắc chắn với trẻ rằng cha mẹ sẽ ở ngay bên cạnh phòng phẫu thuật và có mặt ngay bên cạnh khi trẻ tỉnh dậy. Điều này sẽ giúp trẻ an tâm thực hiện gây mê để tiến hành phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Vinmec có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại như: máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ.

Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á. Vì thế các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm và tin tương khi cho trẻ thực hiện gây mê ở Vinmec.

Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe