Tác dụng phụ của thuốc gây mê với trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc gây mê giúp trẻ mất ý thức và cảm giác đau trong quá trình thực hiện các kỹ thuật tầm soát hoặc phẫu thuật. Theo đó, những tác dụng phụ của thuốc gây mê với trẻ em là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

1. Sử dụng thuốc gây mê cho trẻ em

Gây mê cho trẻ em nhằm đảm bảo trẻ không còn ý thức, mất phản xạ và giảm đau trong suốt quá trình tầm soát hoặc phẫu thuật. Việc thực hiện kỹ thuật gây mê nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại thủ thuật, phẫu thuật, xét nghiệm mà trẻ sẽ thực hiện.

Để chuẩn bị gây mê, trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát ngay trước hoặc vào ngày trẻ cần phẫu thuật, điều trị. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ. Cha mẹ cần cung cấp thông tin cho bác sĩ nếu trẻ có các vấn đề như:

  • Trẻ dị ứng với thuốc hoặc thực phẩm nào đó. Đặc biệt trẻ đã dị ứng với thuốc mê trong một phẫu thuật hoặc xét nghiệm trước đây.
  • Trẻ mắc các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, khò khè,...
  • Trẻ mắc các bệnh lý tim bẩm sinh
  • Trẻ hoặc gia đình có tiền sử mắc các bệnh rối loạn đông máu, dễ chảy máu.
  • Trẻ có răng bị lung lay, đôi khi răng lung lay cần được loại bỏ nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình gây mê.

Trước, sau và trong quá trình gây mê, trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, thân nhiệt và lượng oxy trong máu để điều chỉnh lượng thuốc mê phù hợp. Trẻ sẽ vẫn ngủ vài tiếng sau khi phẫu thuật kết thúc do còn tác dụng của thuốc.


Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần cân nhắc việc gây mê
Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh cần cân nhắc việc gây mê

2. Tác dụng phụ của thuốc gây mê với trẻ em

Thuốc gây mê được sử dụng cho trẻ được theo dõi bởi các bác sĩ và trang thiết bị hiện đại nên rất an toàn. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, khi sử dụng trẻ có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc mê. Mức độ ảnh hưởng của thuốc sẽ tùy thuộc vào loại thuốc gây mê được sử dụng, cân nặng, tuổi, tiền sử bệnh, tốc độ phát triển của trẻ và loại phẫu thuật được thực hiện. Một số tác dụng phụ của thuốc mê thường gặp ở trẻ là:

  • Buồn nôn và nôn
  • Chóng mặt, mệt mỏi
  • Ho, đau họng
  • Hội chứng kích thích sau gây mê: trẻ khóc, bồn chồn, giãy đạp không dỗ được, nhầm lẫn cho tới 30 phút không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của bố mẹ khi hồi tỉnh. Hội chứng này thường gặp khi gây mê bằng các thuốc gây mê có độ hoà tan thấp như Sevoflurane, Desflurane. Giai đoạn kích thích có nguy cơ tổn thương cho trẻ (làm trẻ bị tuột đường truyền,...). Tuy nhiên đây là tác dụng phụ của thuốc mê với trẻ em tạm thời, không ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khác gây ảnh hưởng sức khỏe trẻ đó là phản ứng dị ứng với thuốc gây mê, chấn thương não, nhiễm toan chuyển hóa, loạn nhịp tim, suy tim, suy thận,,... Tuy nhiên các tác dụng nghiêm trọng này rất hiếm khi xảy ra, cha mẹ không cần quá lo lắng. Trẻ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ xử lý nhanh chóng khi trẻ có các triệu chứng bất thường.


Suy tim có thể xảy ra nếu như trẻ bị phản ứng dị ứng với thuốc gây mê
Suy tim có thể xảy ra nếu như trẻ bị phản ứng dị ứng với thuốc gây mê

Một vấn đề cha mẹ thường rất lo lắng đó là thuốc gây mê sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển não bộ của trẻ. Có nhiều nghiên cứu về tác động của thuốc mê lên não bộ trẻ em trong hơn 20 năm và đã chỉ ra rằng, thuốc mê chỉ ảnh hưởng đến khả năng học tập và hành vi trong tương lai nếu trẻ bị gây mê lâu và thường xuyên. Còn nếu được sử dụng thời gian ngắn, sử dụng hợp lý thì sẽ không gây ra nhiều vấn đề.

3. Làm gì để giảm tác dụng phụ của thuốc mê với trẻ em?

Cha mẹ nên thảo luận với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của cuộc phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thông tin cụ thể về những tác dụng phụ của thuốc gây mê với trẻ em. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho cha mẹ về tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu các phẫu thuật không cần gấp (như phẫu thuật hở hàm ếch, chân vòng kiềng,..) trẻ có thể đợi khi được ba tuổi rồi mới phẫu thuật. Khi trẻ lớn hơn, tác dụng phụ của thuốc gây mê sẽ giảm dần.

Một điều quan trọng là cha mẹ phải thông báo đầy đủ cho bác sĩ về tiền sử sức khỏe của trẻ, đặc biệt là các bệnh trẻ mắc phải gần thời gian dự kiến làm phẫu thuật hoặc xét nghiệm. Nếu trẻ bị cảm lạnh hoặc các bệnh khác, việc gây mê có thể phải hoãn lại vì tăng nguy cơ rủi ro đối với trẻ.

Ngoài các yếu tố trên, để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối đa các tác dụng phụ do gây mê có thể xảy ra với trẻ, các bậc cha mẹ cần chọn lựa cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện gây mê hồi sức có chuyên môn tốt, có cơ sở vật chất hiện đại có thể kịp thời xử lý các tác dụng phụ xảy ra trong và sau quá trình gây mê.


Ba mẹ cần có sự trao đổi kĩ lưỡng với bác sĩ về tình trạng của trẻ để hạn chế tác dụng phụ sau gây mê
Ba mẹ cần có sự trao đổi kĩ lưỡng với bác sĩ về tình trạng của trẻ để hạn chế tác dụng phụ sau gây mê

Ngoài các yếu tố trên, để đảm bảo an toàn cũng như hạn chế tối đa các tác dụng phụ do gây mê có thể xảy ra với trẻ, các bậc cha mẹ cần chọn lựa cơ sở y tế, bệnh viện thực hiện gây mê hồi sức có chuyên môn tốt, có cơ sở vật chất hiện đại có thể kịp thời xử lý các tác dụng phụ xảy ra trong và sau quá trình gây mê.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Vinmec có đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại như: máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ.

Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu thuật tại Đông Nam Á. Vì thế các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm và tin tương khi cho trẻ thực hiện gây mê ở Vinmec.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quang Hùng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Hiện tại, đang là bác sĩ Gây mê hồi sức, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe