Dị vật tai mũi họng là tình trạng khá phổ biến và hay gặp trong cuộc sống hiện nay, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi và người mắc các bệnh rối loạn về tâm thần. Gắp dị vật trong họng là biện pháp cấp cứu, xử lý khi gặp tình trạng dị vật trong họng. Tuy nhiên cần phải lưu ý khi thực hiện để tránh các biến chứng nguy hiểm khác.
1. Tổng quan
Họng (hầu) được giới hạn bởi sàn sọ ở trên cùng và bên dưới là sụn nhẫn, tương đương với cột sống cổ C6. Phần hạ họng gồm thanh quản, lỗ mở phần trên của ống khí quản và miệng thực quản. Gắp dị vật trong họng là một cấp cứu chuyên khoa tai mũi họng cần phải duy trì để bảo vệ đường thở.
Do các bộ phận tai, mũi, họng có cấu trúc gồm nhiều khe, rãnh, hố nên dị vật rất dễ rơi vào. Chính vì thế dị vật trong họng cũng là trường hợp hay gặp nhất trong các trường hợp về dị vật tai mũi họng.
Dị vật trong họng không chỉ gặp ở trẻ em mà còn xảy ra với cả người trưởng thành. Nếu như gặp phải tình trạng này thì cần phải xử lý kịp thời, khẩn cấp, để tránh gặp phải những biến chứng khó lường như: Tắc đường thở, ngưng thở, phù nề thanh quản, đẩy dị vật xuống dưới thanh môn vào thực quản và khí quản, áp xe thành họng cũng như hạ họng,... thậm chí dẫn tới tử vong.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dị vật trong họng. Nhưng hay gặp nhất là do thức ăn rơi vào và bị mắc, thường là thức ăn có xương, vỏ tôm, cua, đồ nhựa,...
2. Triệu chứng khi gặp phải dị vật trong họng
Triệu chứng thường hay thấy nhất khi gặp phải dị vật trong họng là trẻ đang ăn, uống hoặc chơi thì đột nhiên ho sặc sụa, thở rít, chảy nước mắt, mặt đỏ. Ngoài ra, trẻ còn thấy khó thở dữ dội, mặt và môi tím tái, có thể ngừng thở. Nặng hơn nữa là bất tỉnh hoặc đái dầm.
Những dị vật này thường gây tắc nghẽn đường thở ở trẻ em. Đối với bệnh nhân bị mắc dị vật trong họng không gây tắc nghẽn đường thở hoặc tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn thường có tiền sử bị nghẹn, nuốt đau, khó nuốt hoặc khó nói. Dị vật trong họng cũng nên nghi ngờ gặp phải ở những người có triệu chứng như ho, thở rít hoặc khàn tiếng mà không rõ nguyên nhân.
Đối với trẻ em có các dấu hiệu như thở rít, tắc nghẽn đường thở một phần thì cần phải hỏi rõ bố mẹ xem bé có từng bị nghẹn thở hay hít sặc bao giờ không. Trong những trường hợp này việc chẩn đoán nguyên nhân do dị vật ở hạ họng thường khó. Bởi vì các triệu chứng này xuất hiện chậm hơn sẽ làm lu mờ đi các dấu hiệu mắc dị vật ban đầu.
Có nhiều trường hợp dị vật trong họng - hạ họng đã chẩn đoán sai và được điều trị như trường hợp bị bạch hầu thanh quản. Vậy nên các bác sĩ điều trị cần phải lưu ý trên những bệnh nhân có dấu hiệu về đường hô hấp trên không giải thích được. Đặc biệt là ở trẻ em từng có tiền sử bị tắc nghẹt đường thở (choking).
3. Gắp dị vật trong họng
Hầu hết những dị vật trong họng đều là những mảnh nhựa, đinh ghim bằng kim loại, các loại hạt dưa, xương cá, xương lợn, xương gà, đồng xu, răng giả... việc chụp X-quang sẽ giúp xác định được vị trí cũng như kích thước của đồng xu, cục pin và những vật cản quang khác, nhưng hầu hết những dị vật trong thanh quản như xương cá thì lại không cản quang. Vì vậy, việc can thiệp phẫu thuật để gắp dị vật trong họng cần phải dựa vào tiền sử bệnh lý và khám thực thể để xác định có dị vật không.
Sau khi đã xác định cần phải can thiệp phẫu thuật gắp dị vật trong họng, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ đối với bệnh nhân về các xét nghiệm cơ bản, tiền sử bị dị ứng hoặc các bệnh khác, chụp X-quang nếu có. Khi đã chuẩn bị xong, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật gắp dị vật trong họng như sau:
- Gây mê nội khí quản hoặc gây tê, tiền mê.
- Về tư thế người bệnh: Kê gối dưới vai, để người bệnh ngồi theo tư thế khám nội soi hoặc nằm ngửa (nếu như soi trực tiếp bằng ống soi thanh quản hoặc ống soi thực quản).
- Về kỹ thuật can thiệp:
- Soi gắp dị vật trong họng bằng kìm Frankael:
- Để bệnh nhân ở tư thế ngồi.
- Thực hiện gây tê phần hạ họng bằng thuốc tê tại chỗ.
- Soi bằng gương soi thanh quản gián tiếp hoặc nội soi để tìm dị vật.
- Dùng kìm Frankael để gắp dị vật.
- Đối với Soi gắp dị vật bằng ống soi thanh quản hoặc ống soi thực quản cứng:
- Để người bệnh nằm ngửa có kê gối dưới vai.
- Thực hiện gây tê, tiền mê hoặc gây mê tại chỗ.
- Dùng ống soi hạ họng để soi tìm dị vật.
- Gắp dị vật trong họng ra bằng kìm gắp dị vật hạ họng.
Sau khi thực hiện xong thủ thuật thì cần phải theo dõi bệnh nhân bằng cách cho dùng kháng sinh, giảm viêm trong 5 ngày. Theo dõi tình trạng tràn khí, nhiễm trùng vùng cổ nếu xảy ra.Dị vật tai mũi họng nói chung và dị vật trong họng nói riêng là vấn đề y khoa rất phổ biến, thường xảy ra hàng ngày. Để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm, việc thăm khám và gắp dị vật trong họng ra cần phải được thực hiện kịp thời, đúng cách. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được xử lý nhằm hạn chế tối đa những tổn thương và rủi ro cho đường hô hấp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.