Thuốc Efodyl là thuốc có chứa thành phần chính là cefuroxime được chỉ định trong điều trị viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm cổ tử cung,... Vậy Efodyl là thuốc gì? Công dụng của kháng sinh Efodyl là gì?
1. Tác dụng của thuốc Efodyl
Thuốc efodyl có chứa hoạt chất cefuroxime thuộc phân nhóm thuốc kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2 và trong danh mục thuốc kê đơn ETC với biệt dược gốc là zinnat và zinacef. Thuốc Efodyl 500 mg được chỉ định trong điều trị các bệnh lý sau:
- Viêm tai giữa
- Viêm họng, viêm amidan
- Viêm xoang
- Viêm phổi
- Viêm phế quản cấp, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính
- Viêm bàng quang
- Viêm niệu đạo
- Viêm thận bể thận
- Nhiễm khuẩn da và mô mềm
- Bệnh lậu
- Viêm niệu đạo cấp không biến chứng do lậu cầu
- Viêm cổ tử cung
Ngoài ra, một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt, nhưng một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh Efodyl. Vì vậy, trước khi uống thuốc hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
2. Cách sử dụng thuốc Efodyl
Thuốc Efodyl 500mg được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 500mg. Liều lượng sử dụng thuốc sẽ dựa trên tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh.
- Đối với trẻ trên 12 tuổi và người lớn uống liều 250mg ngày 2 lần
- Nhiễm khuẩn nặng hơn hoặc do vi khuẩn kém nhạy cảm hơn tăng 500mg ngày 2 lần.
- Nhiễm khuẩn đường niệu nhưng chưa có biến chứng uống liều 125mg ngày 2 lần.
- Bệnh lậu không có biến chứng uống liều duy nhất 1 gram
- Đối với trẻ nhỏ và trẻ dưới 12 tuổi uống liều 125mg ngày 2 lần
- Trẻ lớn hơn 2 tuổi viêm tai giữa hoặc nhiễm khuẩn nặng hơn 250mg ngày 2 lần.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc cùng hoặc không cùng với thức ăn, trước hoặc sau khi ăn. Tuy nhiên, để giảm tình trạng kích ứng dạ dày bạn có thể sử dụng kèm với thức ăn và cần uống cả viên thuốc với 1 ly nước đầy, không được nhai hoặc làm vỡ viên thuốc.
3. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Efodyl
Thuốc kháng sinh Efodyl có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong và thường gặp có thể kể đến như:
- Đau đầu
- Rối loạn tiêu hóa
- Viêm đại tràng giả mạc
- Tăng bạch cầu ưa eosin
- Giảm bạch cầu hạt
- Thử nghiệm coombs (+)
- Giảm tiểu cầu
- Thiếu máu tan máu
- Tăng ALT, AST LDH
- Nhiễm độc thận có tăng tạm thời ure huyết, creatinin huyết
- Viêm thận kẽ
- Phản ứng quá mẫn, shock
Khi dùng Efodyl vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn. Do vậy, khi có biểu hiện những triệu chứng bất thường, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để được can thiệp y tế ngay lập tức.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Efodyl
Một số lưu ý khi sử dụng Efodyl bao gồm:
- Thông báo tiền sử dị ứng với kháng sinh Efodyl, cephalosporin hay phản ứng quá mẫn với bất kỳ dị ứng nào khác. Efodyl có thể chứa các thành phần của thuốc không hoạt động và có thể gây ra phản ứng dị ứng hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
- Thông báo các loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng, các loại thực phẩm, thu nhuộm hay chất bảo quản.
- Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử phản ứng phản vệ với penicillin hoặc beta lactam, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, suy thận nặng,...
- Cần lưu ý khi xét nghiệm glucose với thuốc thử benedict, clinitest, fehling dương tính giả
Nếu bạn quên uống một liều thuốc kháng sinh Efodyl, hãy bổ sung lại trong thời gian càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm bạn nhớ ra gần với thời điểm của liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục uống hoặc tiêm thuốc như lịch trình ban đầu. Không được sử dụng với lượng thuốc nhiều hơn so với phác đồ điều trị. Sử dụng thuốc quá liều Efodyl hoặc nuốt phải có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, đau bụng, khó thở, ngất đi,...
5. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể gây tương tác với Efodyl bao gồm:
- Furosemide
- Probenecid
- Kháng acid
6. Cách bảo quản thuốc Efodyl
Bảo quản thuốc kháng sinh Efodyl với dạng viên nén bao phim ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, tránh ánh sáng và tránh những nơi ẩm ướt. Không bảo quản Efodyl 500 mg ở nơi ẩm thấp hay trong ngăn đá và tránh xa nguồn nhiệt và ngọn lửa. Mỗi loại thuốc khác nhau sẽ có những cách bảo quản khác nhau, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn bảo quản thuốc Efodyl trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Để thuốc Efodyl tránh xa tầm với của trẻ em và thú nuôi trong gia đình. Khi thuốc đã quá hạn sử dụng hoặc đã bị hỏng không thể dùng được nữa hãy vứt bỏ và xử lý thuốc đúng quy trình. Không được tự ý vứt thuốc Efodyl 500 mg vào môi trường như đường ống dẫn nước hoặc toilet trừ khi có yêu cầu. Hãy tham khảo thêm ý kiến của công ty môi trường xử lý rác thải hoặc dược sĩ về cách tiêu hủy thuốc Efodyl an toàn để giúp bảo vệ môi trường.
Để sử dụng thuốc an toàn hãy uống thuốc Efodyl 500 mg theo đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định. Sử dụng thuốc Efodyl thường xuyên để có được nhiều lợi ích nhất từ nó và có thể ngưng dùng thuốc nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào mới xuất hiện hay tình trạng bệnh không bớt sau 7 ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.