Đường lây của viêm màng não mô cầu, cách điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hưng - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính diễn biến nhanh và nguy hiểm đến tính mạng, có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh viêm màng não do não mô cầu có lây không và cách điều trị bệnh như thế nào là câu hỏi nhiều người thắc mắc.

1. Bệnh viêm màng não mô cầu là gì?

Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn não mô cầu gây ra, bệnh thường mắc ở đối tượng trẻ em. Người mắc bệnh thường xuất hiện các triệu chứng đột ngột như: sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. cứng cổ, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc mụn nước.

Vi khuẩn não mô cầu có thể gây nhiều bệnh khác nhau như: Viêm màng não tủy cấp có mủ, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu. viêm khớp, viêm mang trong tim. Ngoài ra nhiều trường hợp nhiễm não mô cầu chỉ biểu hiện sốt, viêm mũi họng, có đến 5-15% người nhiễm não mô cầu không biểu hiện triệu chứng là nguồn lây nhiễm bệnh.


Bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra
Bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn não mô cầu gây ra

2. Viêm màng não có lây không?

Viêm não mô cầu có lây không là câu hỏi chung của người bệnh để phòng ngừa truyền nhiễm cho người thân và cộng đồng. Thực chất viêm màng não mô cầu có thể lây từ người sang người, nguồn lây bệnh và đường lây bệnh như sau:

2.1. Nguồn lây bệnh

Là người mang vi khuẩn não mô cầu, có thể là người mắc bệnh và biểu hiện triệu chứng nhưng chủ yếu là người lành mang trùng.

Trong các vụ dịch có tới 25% số người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% số người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.

2.2. Đường lây bệnh


Viêm màng não mô cầu lây qua đường hô hấp với các hạt nước bọt có nhiễm vi khuẩn não mô cầu của người bị bệnh
Viêm màng não mô cầu lây qua đường hô hấp với các hạt nước bọt có nhiễm vi khuẩn não mô cầu của người bị bệnh

Bệnh lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt có nhiễm vi khuẩn não mô cầu của người bị nhiễm khuẩn. Đường lây khác qua tiếp xúc đồ vật nhưng rất hiếm xảy ra.

Thời kỳ lây bệnh: Tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu tại vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn sẽ biến mất ở vùng họng sau khi điều trị kháng sinh 24 giờ.

3. Cách phòng và điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế

3.1. Cách phòng bệnh

Ở Việt Nam viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành nhiều nơi, bệnh xuất hiện quanh năm tuy nhiên có thể có dịch vào các mùa thu, đông và xuân. Viêm màng não mô cầu mắc nhiều ở lứa tuổi trẻ em và nhóm người này có nhóm người lành mang bệnh cao nhất.

Tiêm phòng vaccine não mô cầu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh. Hiện nay tại Việt nam đã có 2 vaccine ngừa não mô cầu là: vaccine não mô cầu tuýp B+C dành cho trẻ trên 6 tháng và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vaccine não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.


Tiêm phòng vaccine não mô cầu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh
Tiêm phòng vaccine não mô cầu cho trẻ là cách tốt nhất để phòng bệnh

Cách phòng ngừa khi trẻ chưa đủ tuổi và người trong vùng dịch:

  • Hiểu rõ bệnh phát hiện bệnh sớm và cách ly để tránh lây lan cho cộng đồng
  • Thường xuyên vệ sinh cá nhân cho trẻ tắm, rửa bằng xà phòng
  • Sống trong môi trường thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.
  • Tại khu vực dịch lưu hành hạn chế tụ tập đông người, hạn chế di chuyển từ vùng dịch sang các khu vực khác, tránh lây lan cho công đồng.

3.2. Điều trị bệnh viêm màng não mô cầu

Viêm màng não điều trị bao lâu cần tuân thủ theo phác độ của bác sĩ. Tùy vào tình trạng và sức khỏe người bệnh, thời gian điều trị bệnh viêm màng não mô cầu sẽ khác nhau theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Điều trị dự phòng: Với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thì được tiến hành điều trị dự phòng bệnh:

  • Phòng ngừa cho người nhà bệnh nhân (người lớn và trẻ trên 12 tuổi) và nhân viện y tế sau tiếp xúc: Uống 1 viên duy nhất Ciprofloxacin 500 mg.
  • Riêng phụ nữ có thai: Uống 1 viên Azithromycin 500mg, trẻ em 1 liều Azithromycin 10 mg/kg.
  • Phòng ngừa cho bé (>2 tuổi): Hướng dẫn bé chích ngừa não mô cầu trong trường hợp âm tính với các xét nghiệm trên và bé chưa từng được tiêm ngừa hoặc tiêm ngừa quá 3 năm.

4. Tiêm phòng Vaccine Viêm màng não mô cầu tại Bệnh viện Vinmec

Viêm màng não mô cầu là bệnh nguy hiểm nên việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là rất quan trọng, tại bệnh viện Vinmec bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc phát hiện các triệu chứng sớm của bệnh để đưa ra phác đồ điều trị bệnh phù hợp với người bệnh.

Người bệnh đến khám được nhanh chóng chẩn đoán điều trị kịp thời, cách ly trong thời kỳ lây bệnh. Được tư vấn và được chăm sóc tận tình trong quá trình điều trị bệnh.


Tiêm phòng cho trẻ tại Bệnh viện Vinmec
Tiêm phòng cho trẻ tại Bệnh viện Vinmec

Tiêm phòng cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Hiện nay tại bệnh viện Vinmec có đầy đủ cả 2 loại vaccine phòng não mô cầu là tuýp B-C dành cho trẻ trên 6 tháng và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.

Tiêm phòng tại Bệnh viện Vinmec các bậc cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng vaccine và chất lượng phục vụ, trẻ được khám sàng lọc trước tiêm và được dặn dò sau tiêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe