Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh có 12 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Nhi.
Trẻ dưới 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não cấp rất lớn. Bệnh xuất hiện quanh năm, đặc biệt tăng về số lượng vào tháng 6, tháng 7. Bệnh viêm não cấp ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển và đe dọa tính mạng của trẻ.
1. Bệnh viêm não cấp là gì?
Bệnh viêm não cấp là tình trạng hệ thần kinh trung ương bị tổn thương do vi rút, vi trùng, siêu vi trùng tấn công trực tiếp vào não bộ, gây viêm não, xáo trộn chức năng vận động và tư duy của cơ thể.
2. Dấu hiệu viêm não cấp ở trẻ
Dấu hiệu viêm não cấp giai đoạn khởi phát thường bị nhầm lẫn với ốm sốt thông thường. Trẻ có các triệu chứng như:
- Sốt cao 39 - 40 độ C, thỉnh thoảng có lúc hạ nhưng tình trạng sốt cao kéo dài liên tục nhiều ngày liền
- Người mệt mỏi, tay chân kém linh hoạt
- Trẻ bỏ ăn, quấy khóc, đặc biệt khóc to hơn khi được bế lên
- Đau đầu dữ dội, cứng cổ
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Trẻ dưới 12 tháng có dấu hiệu thóp phồng
Sau vài ngày, nếu không được phát hiện và can thiệp, bệnh sẽ trở nặng với các triệu chứng do ảnh hưởng của hệ thần kinh trung ương như:
- Trẻ nằm li bì, mê man, mê sảng, hôn mê
- Trẻ không nghe rõ, nói lắp, nói lung tung, có dấu hiệu ảo giác
- Chân tay cử động khó hoặc không thể cử động, liệt nửa người
- Mất trí nhớ
- Co giật...
Bệnh viêm não cấp có rất nhiều nguyên nhân như: vi rút viêm não Nhật Bản, vi rút đường ruột, vi rút herpes, vi rút sởi, quai bị biến chứng... Dấu hiệu viêm não ở trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại vi rút gây bệnh. Để phát hiện chính xác bệnh viêm não cấp mà trẻ đang mắc phải là gì, bác sĩ phải chọc nước não tủy để xét nghiệm hoặc nuôi cấy phân lập vi rút từ máu người bệnh. Sử dụng chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để đánh giá mức độ tổn thương của não bộ.
3. Bệnh viêm não cấp ở trẻ nguy hiểm như thế nào?
3.1. Bệnh viêm não cấp có khả năng tử vong cao hoặc để lại các di chứng nặng nề
Não bộ là cơ quan thần kinh trung ương, điều hòa toàn bộ quá trình vận động và tư duy của cơ thể. Việc não bộ bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tinh thần. Mức độ não bộ bị tổn thương càng nặng thì khả năng phục hồi càng thấp, trẻ có thể tử vong hoặc mắc các di chứng suốt đời như: bị động kinh, bị bại não, tâm thần, liệt chân, liệt tay, liệt nửa người, điếc, chậm phát triển về nhận thức...
Bệnh viêm não Nhật Bản chiếm khoảng 10 - 15% các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, chủ yếu là trẻ nhỏ từ 1 - 10 tuổi. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường muỗi đốt. Vi rút gây bệnh có thể truyền từ động vật sang người, tạo thành ổ dịch lớn. Viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 10 - 20%.
Viêm màng não mô cầu cũng là một trong những bệnh lý não - màng não nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Bệnh có khả năng gây tử vong cao. Ngay cả khi bệnh nhân được phát hiện sớm và can thiệp ngay lập tức cũng có 5 - 10% trường hợp tử vong. Người bệnh có thể tử vong chỉ sau 1 - 2 ngày khởi phát triệu chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ trẻ em tử vong do viêm màng não mô cầu lên đến 50%.
3.2. Bệnh viêm não cấp có diễn biến nhanh, thời gian điều trị lâu
Bệnh viêm não cấp ở trẻ có diễn biến rất nhanh. Những dấu hiệu ban đầu của bệnh đều là những triệu chứng cơ bản, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ốm sốt thông thường, khiến cha mẹ thường chủ quan, không đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra. Bệnh có thể trở nặng trong thời gian rất ngắn.
Bệnh viêm não cấp thường kéo dài từ 1 - 3 tuần. Thời gian điều trị lâu, quá trình hồi phục chậm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Kể cả khi đã xuất viện, trẻ cũng cần được chăm sóc, nghỉ ngơi một thời gian dài mới hoàn toàn hồi phục đầy đủ các chức năng.
3.3. Bệnh viêm não cấp do vi rút chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu
Bệnh viêm não cấp do rất nhiều loại vi rút, siêu vi trùng, vi trùng gây ra. Các loại thuốc hiện nay chỉ có tác dụng với một vài loại vi rút, nhiều loại vi rút gây viêm não vẫn chưa tìm được thuốc điều trị. Quá trình điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị các triệu chứng và nâng cao thể trạng bệnh nhi.
Một số bệnh viêm não cấp ở trẻ em hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh như vắc xin viêm não Nhật Bản, nhưng bệnh viêm não do vi rút đường ruột vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể khởi phát do biến chứng của các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, quai bị... nên rất khó có thể lường trước.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu viêm não cấp kể trên cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra. Việc phát hiện và chẩn đoán viêm não cấp khá phức tạp, đòi hỏi nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Nên lựa chọn các bệnh viện có đầy đủ thiết bị, máy móc hỗ trợ để có thể phát hiện chính xác bệnh lý mà trẻ đang mắc phải, tránh để bệnh kéo dài khiến não bộ bị tổn thương nặng nề.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.