Đường hô hấp trên gồm những bộ phận nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng xảy ra viêm nhiễm ở các cơ quan, bộ phận thuộc đường hô hấp trên bao gồm: Mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Hệ thống hô hấp trên là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, có nhiệm vụ lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.

1. Tìm hiểu những bộ phận thuộc đường hô hấp trên

Hệ hô hấp của con người được tính từ mũi đến các phế nang trong phổi. Những bộ phận như mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản được tính là đường hô hấp trên.

Chức năng chính của đường hô hấp trên là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Còn bộ phận đường hô hấp dưới làm nhiệm vụ thực hiện lọc không khí và trao đổi khí.


Hệ hô hấp được chia thành đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới
Hệ hô hấp được chia thành đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới

Đường hô hấp trên là cơ quan ngoài cùng tiếp xúc với không khí. Chính vì vậy, đây là bộ phận phải “chịu đựng” mọi điều kiện của môi trường bên ngoài như: bụi, lạnh, nóng, hơi độc, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc,... vì thế tỉ lệ mắc bệnh về đường hô hấp trên chiếm phần lớn hơn so với các bệnh về hô hấp khác.

Một trong những bệnh thường gặp hàng năm và tái diễn nhiều lần là viêm đường hô hấp trên. Mặc dù bệnh có khả năng “tự khỏi” nhưng sẽ luôn dẫn đến những phiền toái và gây ra thiệt hại cho người bệnh.

Các bệnh về đường hô hấp trên thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ vì sức đề kháng còn non nớt nên dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của môi trường bên ngoài.

2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp trên

Nguyên nhân:

  • Người bệnh bị nhiễm các loại virus liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn và một số loại nấm,... Nhóm virus gây bệnh bằng cách cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng, xâm nhập vào tế bào niêm mạc, nhân bản rồi phá huỷ tế bào và lây lan sang tế bào bên cạnh.
  • Viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên khác nhau: dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá).

Triệu chứng:

  • Đối với trẻ sơ sinh: Triệu chứng điển hình là sốt nhẹ (khoảng 38,5 độ C), ho, chảy nước mũi, khò khè quấy khóc, bỏ bú,...
  • Đối với trẻ lớn: Sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi,...
  • Đối với người lớn: Hắt hơi liên tục, khàn tiếng đến tắt tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm.

Mặc dù các bệnh ở đường hô hấp trên ở mức độ lâm sàng trung bình nhưng lại là loại bệnh phổ biến và làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Với trẻ nhỏ, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.


Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

3. Những cách phòng ngừa và điều trị bệnh về đường hô hấp trên

Để phòng tránh các bệnh về đường hô hấp trên, chúng ta cần:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có mầm bệnh.
  • Luôn vệ sinh tay bằng xà phòng để loại trừ vi sinh vật có hại xâm nhập.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường hoặc nơi có mầm bệnh.
  • Tránh những nơi có nhiệt độ cao.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.

Đeo khẩu trang ngay cả khi không bị bệnh để phòng tránh lây nhiễm
Đeo khẩu trang ngay cả khi không bị bệnh để phòng tránh lây nhiễm

Hiện nay, bệnh viêm đường hô hấp trên đã có nhiều phương pháp điều trị. Nhưng bệnh chủ yếu là do virus gây ra nên các phương pháp đều là điều trị triệu chứng mà chưa có điều trị căn nguyên.

Một số thuốc thường được sử dụng là: thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm nhằm ngăn chặn sốt quá cao và tai biến, co giật do sốt cao. Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc kháng histamin nhằm ngăn chặn giải phóng quá nhiều chất trung gian hóa học gây viêm do cơ chế phản ứng đôi khi là quá mức. Khi sử dụng thuốc, cần có sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe