Ngũ vị tử là một loại dược liệu quen thuộc, có vai trò rất lớn trong việc chữa trị nhiều bệnh lý trên cơ thể người. Vậy ngũ vị tử có tác dụng gì? Bài viết này sẽ thông tin tới quý bạn đọc những kiến thức bổ ích về dược liệu ngũ vị tử.
1. Cây ngũ vị tử là cây gì?
Ngũ vị tử là một vị thuốc nam quen thuộc. Nó còn được biết đến với tên gọi khác như: ngũ mai tử, huyền cập. Ngũ vị tử là quả của cây ngũ vị tử được phơi khô để làm dược liệu.
Cây ngũ vị tử là loại thảo dược quen thuộc. Loại thuốc nam này thuộc họ ngũ vị tử, tên khoa học là Schisandraceae. Nó thuộc họ cây thân leo, dài 5-7m hoặc dài hơn, sống lâu năm. Thân và cành có màu xám nâu, có nhiều nốt sần, ngọn non có dạng góc cạnh. Lá cây mọc so le, hình quả trứng có dạng răng cưa ở mép lá. Mặt trên lá có màu lục sẫm, mặt dưới có nhiều lông ngắn nên có màu nhạt hơn. Cây ra hoa vào tháng 5-7, hoa màu vàng trắng, thơm và đơn tính.
Ngũ vị tử dược liệu có nhiều ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, người ta thấy có 4 loài 2 loài thuộc chi Schisandra Michx và 2 loài thuộc chi Kadsura Juss. Chúng được phát hiện nhiều ở các ngọn núi cao ở Lai Châu, Lào Cai...
2. Bộ phận được dùng và thành phần hóa học
Quả là bộ phận của cây ngũ vị tử được sử dụng để làm thảo dược. Quả sau khi thu hoạch về rửa sạch và được phơi hoặc sấy khô để làm dược liệu. Ngũ vị tử khô nên được bảo quản trong túi nilon kín hoặc chai, lọ có nắp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Ngũ vị tử dược liệu là vị thuốc chứa nhiều tinh dầu, acid hữu cơ. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có hàm lượng vitamin C, đường, chất béo cao. Lignan là thành phần quan trọng của ngũ vị tử, tham gia chủ yếu vào công dụng của ngũ vị tử dược liệu trong chữa bệnh.
3. Cách chế biến và tác dụng của vị thuốc ngũ vị tử
Ngũ vị tử có tác dụng gì? Theo Đông y, ngũ vị tử dược liệu có vị chua chát, tính ôn. Nó tác dụng lên hai kinh là phế và thận. Công dụng chính là liễm phế, chỉ ho, sáp tinh, ích thận, thu mồ hôi và sinh tân dịch.
Theo Y Học Hiện Đại: Ngũ vị tử là vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ gan, giải độc cơ thể. Ngoài ra, nó còn có tác dụng thúc đẩy tăng tiết dịch mật ở bệnh nhân viêm gan, trấn tĩnh trung khu thần kinh, chống co giật, giảm ho, giảm mệt mỏi, trợ tim, điều hòa tuần hoàn máu,... Đặc biệt là khả năng ức chế sự hợp thành của các tế bào ung thư.
Ngũ vị tử dược liệu còn có tác dụng làm hạ đường máu, giảm clorid máu và độ kiềm dự trữ. Trong mô, ngũ vị tử làm tăng ít lượng glycogen và làm giảm acid lactic. Trong gan nó lại có tác dụng làm giảm lượng glycogen và làm tăng acid lactic.
Một tác dụng khác của ngũ vị tử dược liệu không thể không kể đến là tác dụng lên tử cung. Ngũ vị tử làm tăng co bóp nhịp nhàng cơ tử cung và dường như không làm ảnh hưởng đến trương lực cơ tử cung và huyết áp.
4. Các bài thuốc từ ngũ vị tử thường dùng
Ngũ vị tử dược liệu có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Khi chưng với giấm thì gọi là thổ ngũ vị tử, có tác dụng tăng cường tác dụng thu liễm, chỉ phế. Nếu tẩm với mật rồi sao qua thì được gọi là mật chích ngũ vị tử. Ngũ vị tử dược liệu được chế biến theo cách này có công dụng liễm phế, nhuận phế, chỉ khái. Ngũ vị tử chỉ được sao vàng thì được gọi là sao ngũ vị tử, có tác dụng tăng tính hiệu quả tư thận, bổ hư.
Ngũ vị tử là bài thuốc hữu ích trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Để tăng hiệu quả điều trị, ngũ vị tử thường được kết hợp với nhiều vị thuốc khác nhau tạo nên các bài thuốc chữa bệnh. Sau đây là một số bài thuốc từ ngũ vị tử dược liệu thường được sử dụng.
- Chữa viêm gan mạn tính: ngũ vị tử dược liệu sấy khô rồi tán thành bột mịn để dùng. Uống bột ngũ vị tử với nước ấm, ngày dùng 2- 3 lần, 4g cho mỗi lần dùng. Mỗi liệu trình kéo dài 30 ngày, dùng thuốc liên tục để đem lại hiệu quả tốt nhất.
- Chữa ho hen: ngũ vị tử 6g, mạch môn 16g, sa sâm bắc 12g, ngưu tất 12g. Đem tất cả các nguyên liệu trên sắc với nước uống hằng ngày, mỗi ngày một thang.
- Hỗ trợ nhồi máu cơ tim: chuẩn bị các nguyên liệu gồm ngũ vị tử dược liệu 8g, nhân sâm 8g, mạch môn 8g, cam thảo 6g. Bỏ tất cả các nguyên liệu này vào ấm, sắc với nước và uống hằng ngày.
- Điều trị tai biến mạch máu não: ngũ vị tử dược liệu, hoàng kỳ, phụ tử chế, mạch môn, đương quy, trạch tả, mã đề mỗi loại 12g, nhân sâm 8g, hồng hoa 8g, đào nhân 6g, đan sâm 16g, long cốt 16g. Sắc tất cả các nguyên liệu này với nước uống hằng ngày.
- Điều trị chóng mặt, ù tai, mất ngủ, suy giảm trí nhớ: Ngũ vị tử dược liệu 8g; toan táo nhân, hoài sơn, long nhãn mỗi loại 12g, đương quy 8g. Sắc các nguyên liệu này với nước và uống hằng ngày.
- Chữa cơ thể hư nhược, ra nhiều mồ hôi: chuẩn bị các nguyên liệu gồm: bá tử nhân và bán hạ khúc mỗi loại 125g; mẫu lệ, nhân sâm, ma hoàng căn, bạch truật, ngũ vị tử dược liệu mỗi vị 63g, đại táo 30 quả. Đại táo sau khi nấu chín sẽ được bỏ hạt và nghiền nát. Các vị thuốc còn lại nghiền chung thành bột mịn, trộn với đại táo và nặn thành các viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 20-30 viên, ngày uống 2 lần.
- Điều trị thận dương hư, hoạt tinh: tang phiêu tiêu, long cốt, phụ tử mỗi vị 12g, ngũ vị tử 8g. Bỏ các nguyên liệu trên vào ấm và sắc với nước. Mỗi ngày uống 1 thang.
5. Lưu ý khi dùng ngũ vị tử
Ngũ vị tử dược liệu là bài thuốc tốt, có nhiều công dụng và an toàn. Tuy nhiên, khi dùng vị thuốc này cũng cần chú ý một vài điều để tránh những tác dụng không mong muốn mà thuốc đem lại. Không dùng ngũ vị tử dược liệu cho người bên ngoài có biểu tà, trong có thực nhiệt. Người đang bị cảm, bị sốt cao, sốt phát ban hoặc đang lên sởi không nên dùng thuốc.
Như vậy, ngũ vị tử dược liệu là bài thuốc rất tốt trong điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt những bệnh về thận và phổi. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ, bạn chỉ nên sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức về dược liệu ngũ vị tử. Qua đó có thể sử dụng vị thuốc này một cách hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.