Dùng thuốc xịt mũi như thế nào cho đúng cách?

Các thuốc xịt mũi dùng để điều trị triệu chứng trong một số bệnh viêm đường hô hấp, thuốc xịt mũi dùng phổ biến nhưng không phải người bệnh nào cũng biết cách sử dụng đúng cách. Nếu không sử dụng đúng, sử dụng kéo dài có thể gây ra một số biến chứng.

1. Khi nào dùng thuốc xịt mũi?

Thuốc xịt mũi là một dạng thuốc để sử dụng điều trị các bệnh lý đường hô hấp. Thuốc xịt mũi là những loại thuốc được đóng thành lọ, có vòi xịt bắn ra các tia nước rất nhỏ, khi sử dụng thuốc xịt có ưu điểm hơn loại thuốc nhỏ mũi như dễ sử dụng và thuốc được phân chia nhỏ như các hạt nước li ti dễ xâm nhập vào khoang mũi, niêm mạc mũi xoang, nên thuốc có tác dụng nhanh và kéo dài.

Thuốc xịt mũi thường là các loại thuốc để điều trị triệu chứng trong các bệnh như: Viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, viêm mũi họng, nghẹt mũi sau phẫu thuật..

Các thuốc xịt mũi bao gồm:

  • Nhóm thuốc co mạch: Có tác dụng co mạch cuốn mũi làm thông thoáng đường thở hạn chế tình trạng nghẹt mũi. Các loại thuốc này có thể có nhiều loại biệt dược khác nhau nhưng thành phần chính chủ yếu là thuốc naphazolin, oxymetazolin...
  • Nhóm thuốc kháng histamin: Dùng để làm giảm các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi trong bệnh viêm mũi xoang dị ứng. Các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là gây buồn ngủ.

Thuốc xịt mũi có nhiều nhóm khác nhau, người bệnh chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ
Thuốc xịt mũi có nhiều nhóm khác nhau, người bệnh chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ

2. Cách sử dụng thuốc xịt mũi

Các bước sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách:

  • Chuẩn bị thuốc xịt mũi, nước muối sinh lý, khăn giấy.
  • Vệ sinh tay: Trước khi đưa tay lên vùng mũi, miệng cần rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô tay bằng khăn sạch. Nếu không có sẵn nước và xà phòng thì rửa bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Trước khi xịt mũi cần rửa, làm thông thoáng mũi: Rửa mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi, để làm loãng chất nhầy, sau đó xì sạch nhầy mũi và các chất bẩn vào khăn giấy. Làm sạch mũi có tác dụng làm cho thuốc ngấm vào niêm mạc mũi nhiều hơn, tăng tác dụng của thuốc xịt mũi.
  • Xịt mũi: Lắc nhẹ chai thuốc trước khi xịt (chú ý xem thông tin trên bao bì xem có cần lắc không), mở nắp chai, đặt lọ hướng thẳng vào mũi và xịt dứt khoát, đồng thời hít mũi để thuốc đi sâu vào bên trong. Thực hiện tương tự với bên mũi còn lại. Tùy vào khuyến cáo trên hướng dẫn sử dụng mà xịt một lần hay nhiều hơn, chú ý các lần xịt cách nhau khoảng 10 giây.
  • Sau khi xịt xong: Đậy nắp chai xịt lại thật cẩn thận, sau đó rửa lại tay với xà phòng và nước để tránh thuốc dính vào mắt hay miệng.

Chú ý sau khi xịt nếu muốn hắt hơi thì hãy hắt hơi ngay khi đó và không nên xì mũi ngay, chờ vài phút sau rồi mới xì mũi để tránh phù nề niêm mạc mũi.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi

Các bệnh lý liên quan tới tình trạng dị ứng thường xảy ra thường xuyên khi thay đổi thời tiết, khi tiếp xúc với dị nguyên nên người bệnh hay sử dụng thuốc xịt mũi kéo dài. Các thuốc này có thể làm giảm triệu chứng nhanh nhưng lại có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn, khi lạm dụng dùng kéo dài.


Thuốc xịt mũi giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu ở mũi người bệnh
Thuốc xịt mũi giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng khó chịu ở mũi người bệnh

Một số lưu ý cần chú ý khi sử dụng thuốc xịt mũi:

  • Khi sử dụng thuốc về liều lượng, thời gian dùng thuốc xịt mũi đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi sử dụng các thuốc co mạch như naphazolin, oxymetazolin...để điều trị triệu chứng nghẹt mũi sẽ thấy tác dụng rất nhanh, tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc dùng thuốc xịt mũi kéo dài. Bởi vì khi dùng kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng như:
  • Gây kích ứng niêm mạc mũi, làm giảm đáp ứng của thuốc co mạch với cuốn mũi. Thuốc sẽ không tác dụng tốt như ban đầu khi thực sự cần thiết.
  • Dùng lâu có thể gây những tác dụng phụ toàn thân như: Tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tăng nhịp tim hoặc nhịp chậm phản xạ. Nên rất cẩn trọng với những bệnh nhân có bệnh mạn tính như bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp trạng.
  • Thuốc co mạch không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai thì chưa có bằng chứng an toàn khi sử dụng nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

  • Các loại thuốc xịt mũi kháng histamin thì có thể dùng kéo dài hơn, những nhóm thuốc này gây ra tác dụng phụ hay gây buồn ngủ và không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Khi xịt thuốc tránh để đầu phun của chai xịt chạm vào bên trong mũi, vì nếu chạm có thể gây nhiễm khuẩn.
  • Không sử dụng thuốc xịt mũi chung với bất kỳ ai.
  • Khi có các dấu hiệu bất thường như chảy máu cam, đau rát nhiều khi dùng thuốc xịt mũi cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để tìm nguyên nhân và xử lý.


Người bệnh sử dụng thuốc xịt mũi theo phác đồ điều trị của bác sĩ Tai Mũi Họng
Người bệnh sử dụng thuốc xịt mũi theo phác đồ điều trị của bác sĩ Tai Mũi Họng

Thuốc xịt mũi hầu hết là các thuốc điều trị triệu chứng, nên có thể làm giảm các triệu chứng bệnh nhanh chóng nhưng không giải quyết nguyên nhân nên vẫn có thể bị lại sau khi ngưng thuốc. Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng, không nên lạm dụng tránh gây ra những tác dụng không mong muốn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe