Viên đặt phụ khoa được sử dụng để điều trị viêm nhiễm âm đạo, có khoảng 80% phụ nữ đã từng dùng thuốc này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, việc sử dụng không theo chỉ định bác sĩ và thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của người dùng. Vậy thì, liệu sử dụng viên đặt phụ khoa thường xuyên có tốt không?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Sức khoẻ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các loại thuốc đặt phụ khoa phổ biến
Viên đặt phụ khoa, hay còn gọi là thuốc đặt âm đạo, là dạng thuốc nén chứa các hoạt chất giúp cân bằng môi trường âm đạo cho phụ nữ. Để phát huy tối đa tác dụng, thuốc cần được đưa trực tiếp vào sâu bên trong âm đạo. Thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại, kháng viêm và phục hồi các tổn thương bên trong, nhằm điều trị các bệnh phụ khoa.
1.1 Các bệnh phụ khoa được điều trị bằng thuốc đặt âm đạo
- Điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn: Thuốc thường được kê đơn gồm clindamycin hoặc metronidazole. Tùy vào tình trạng và tiền sử của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị thay thế như thay đổi lối sống hoặc bổ sung men vi sinh. Viên đặt phụ khoa (viên nang âm đạo) là lựa chọn đã mang lại thành công cho việc điều trị bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn. Dựa trên phác đồ điều trị được khuyến cáo, thuốc đặt âm đạo nên được sử dụng mỗi đêm trong thời gian tối đa là 2 tuần. Đây được xem là phương pháp điều trị an toàn, để tăng hiệu quả, bệnh nhân có thể kết hợp sử dụng các loại kháng sinh trong quá trình điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn.
- Điều trị nhiễm trùng nấm men: Viên đặt phụ khoa cũng được kê đơn để điều trị nhiễm trùng nấm âm đạo tái phát. Thuốc đặc biệt hữu ích đối với trường hợp nhiễm trùng không được kiểm soát hoặc tái phát thường xuyên dù đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
- Điều trị nhiễm Trichomonas: Trong trường hợp nhiễm Trichomonas, một liều kháng sinh như metronidazole và tinidazole thường được sử dụng để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc có thể xảy ra, khiến việc điều trị bằng các thuốc này trở nên khó khăn. Viên đặt âm đạo trong những trường hợp này có thể mang lại hiệu quả điều trị cao.
1.2 Các dạng viên đặt phụ khoa điều trị viêm nhiễm
Viên đặt phụ khoa phổ biến còn được sử dụng để điều trị các vấn đề viêm nhiễm phụ khoa. Các loại viên đặt này bao gồm:
- Viên đặt chứa nhiều loại kháng sinh: Đây là lựa chọn thích hợp trong trường hợp viêm âm đạo không điển hình do nhiều loại vi khuẩn gây ra. Viên đặt này có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau, giúp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng, sử dụng loại thuốc này quá thường xuyên, bởi có thể làm mất cân bằng môi trường âm đạo, gây tăng sinh vi khuẩn hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản.
- Viên đặt chứa một loại kháng sinh: Loại viên đặt này thường được chỉ định để điều trị một tác nhân gây bệnh cụ thể. Ví dụ, viên đặt clotrimazole được sử dụng để điều trị nấm candida, một nguyên nhân phổ biến của viêm âm đạo do nấm.
2. Tác dụng phụ của viên đặt phụ khoa
Viên đặt phụ khoa có thể gây ra một số tác dụng phụ sau khi sử dụng để điều trị viêm nhiễm phụ khoa. Dưới đây là những tác dụng phụ phổ biến mà chị em phụ nữ có thể gặp phải:
- Đau bụng dưới: Đây là triệu chứng thường gặp nhất sau khi sử dụng thuốc đặt phụ khoa, thường không đáng lo ngại. Một số phụ nữ có thể cảm thấy đau nhẹ ở phần bụng dưới, cùng với cảm giác hơi nóng và rát ở vùng kín. Nếu các triệu chứng này nhẹ và không kéo dài, người bệnh có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bất an hoặc các triệu chứng trở nên nặng hơn, chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Ra bã và dịch tiết có màu lạ: Việc ra bã nhờn và khí hư có màu đỏ, hồng, hoặc vàng là một biểu hiện khá phổ biến. Điều này là một phần của cơ chế hoạt động của thuốc nhằm loại bỏ các vi khuẩn gây hại. Dịch tiết có thể đi kèm với mùi đặc trưng của loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Những chị em bị viêm âm đạo thông thường sẽ gặp phải tình trạng này nhiều hơn. Nếu việc ra bã thuốc và dịch tiết có màu khác so với bình thường nhưng không có các triệu chứng khó chịu khác đi kèm, bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị mà không cần lo lắng.
- Xuất hiện máu sau khi đặt thuốc: Ra máu sau khi sử dụng viên đặt cũng là một hiện tượng không hiếm gặp. Tuy nhiên, tình trạng này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể vùng kín không bị viêm nhiễm mà đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn. Ra máu có thể là dấu hiệu cảnh báo âm đạo đang bị tổn thương. Do đó, người bệnh cần khám bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời, nhằm tránh để tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí là vô sinh.
3. Dùng viên đặt phụ khoa nhiều có tốt không?
Viên đặt phụ khoa được khuyến cáo sử dụng trong liệu trình điều trị từ 7 đến 10 ngày. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân nên tái khám với bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn tự ý sử dụng thuốc đặt phụ khoa mà không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện các triệu chứng viêm nhiễm, họ thường tự tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc mua thuốc theo triệu chứng tại các quầy thuốc mà không qua thăm khám chuyên khoa.
Khi bệnh ở giai đoạn đầu, rất ít bệnh nhân tìm đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Một số trường hợp sau khi thăm khám lại không tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị từ bác sĩ. Những vấn đề này xuất phát từ sự chủ quan, thiếu kiến thức và tâm lý e ngại của bệnh nhân.
Việc tự ý sử dụng thuốc hoặc không tuân thủ đúng phác đồ điều trị có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Việc sử dụng sai thuốc, kéo dài thời gian điều trị không chỉ khiến bệnh không được chữa khỏi mà còn làm mất cân bằng môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển, làm cho tình trạng tổn thương trở nên nặng nề hơn.
Điều này có thể gây ra các hệ lụy như ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, gây khó khăn trong việc thụ thai và sinh con, từ đó ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Thậm chí, việc sử dụng thuốc không đúng cách, kéo dài thời gian sử dụng thuốc, không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ có thể là tác nhân gián tiếp gây ra ung thư các bộ phận sinh sản.
Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi sử dụng viên đặt phụ khoa:
- Chỉ sử dụng viên đặt phụ khoa theo đơn của bác sĩ: Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm phụ khoa, chúng ta không nên tự mua thuốc để sử dụng mà phải thăm khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng đúng liều lượng, không tự ý bỏ dở hoặc tiếp tục sử dụng thuốc nếu không thấy cải thiện.
- Vệ sinh sạch sẽ trước khi đặt thuốc: Trước khi đặt thuốc vào âm đạo, chúng ta cần rửa tay thật kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn. Chọn tư thế thuận tiện để đặt thuốc, như nửa ngồi nửa nằm, đứng gác một chân lên ghế thấp hoặc ngồi xổm. Sau khi đặt thuốc, nên nằm yên khoảng 15 phút để thuốc ổn định, phân rã và thẩm thấu hiệu quả. Đặt thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ nhằm hạn chế đi lại đồng thời sử dụng băng vệ sinh để tránh thuốc trào ra ngoài.
- Tác dụng điều trị của từng loại thuốc đặt: Mỗi loại viên đặt phụ khoa có công dụng và thành phần khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại phù hợp.
- Khám lại nếu tình trạng không cải thiện: Nếu đã hoàn thành liệu trình điều trị mà tình trạng bệnh không được cải thiện, người bệnh cần đi khám lại theo lịch hẹn và trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
- Không sử dụng viên đặt trong kỳ kinh nguyệt và tránh quan hệ tình dục: Để tránh làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, chúng ta nên tránh sử dụng thuốc trong kỳ kinh và không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.
4.Hướng dẫn sử dụng thuốc đặt phụ khoa đúng cách
Viên đặt phụ khoa có thể được sử dụng dễ dàng bởi chị em tại nhà với những hướng dẫn chi tiết sau:
4.1 Chuẩn bị
- Rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước ấm.
- Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ dịu nhẹ và nước ấm, sau đó lau khô bằng khăn sạch.
- Lấy viên đặt phụ khoa ra khỏi bao bì.
- Nếu sử dụng dụng cụ bơm, đặt viên thuốc vào đầu dụng cụ.
4.2 Cách đặt thuốc
- Chọn tư thế nằm ngửa hoặc đứng cong đầu gối, hai chân dang rộng bằng vai để tạo không gian thuận lợi cho việc đưa thuốc vào âm đạo.
- Nếu sử dụng dụng cụ bơm: Đầu tiên, đưa dụng cụ vào âm đạo một cách cẩn thận. Sau đó, từ từ đẩy pít-tông của dụng cụ hết mức để đưa viên thuốc đi sâu vào bên trong âm đạo. Cuối cùng, nhẹ nhàng rút dụng cụ ra ngoài
- Nếu đặt bằng tay: Trước tiên hãy rửa tay sạch sẽ trước khi bắt đầu để tránh nhiễm trùng. Sau đó, sử dụng ngón tay của bàn tay không thuận để nhẹ nhàng tách môi bé của âm đạo. Dùng ngón trỏ và ngón giữa của tay thuận để nắm và đặt viên thuốc vào trong âm đạo. Khi viên thuốc đã ở bên trong, dùng ngón tay đẩy nhẹ để đưa thuốc vào sâu hơn. Cuối cùng, rút tay ra một cách nhẹ nhàng và rửa tay lại
4.3 Sau khi đặt thuốc
Sau khi đặt thuốc vào âm đạo, bệnh nhân nên thực hiện những bước sau để thuốc có thể phát huy tác dụng tốt nhất:
- Duy trì tư thế nằm nghiêng: Giữ nguyên tư thế nằm nghiêng trong khoảng 10-15 phút. Việc này giúp thuốc phân bố đều và hạn chế thuốc rơi ra ngoài, từ đó tăng cường hiệu quả của thuốc.
- Làm sạch dụng cụ bơm (nếu có): Nếu dụng cụ bơm được thiết kế để tái sử dụng, làm sạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho lần sử dụng tiếp theo.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp chị em sử dụng viên đặt phụ khoa một cách hiệu quả và an toàn. Nếu cần thêm thông tin, hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.