Rụng tóc là hiện tượng gây buồn phiền và khá phổ biến hiện nay, thường gặp ở cả 2 giới. Mặc dù rụng tóc không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng tình trạng rụng tóc kéo dài có thể dẫn đến hói đầu sẽ khiến người bệnh thiếu tự tin. Vậy nên dùng thuốc chống rụng tóc như thế nào?
1. Nguyên nhân gây rụng tóc
Rụng tóc có thể gặp ở bất cứ ai ở mọi độ tuổi, không chỉ riêng những người lớn tuổi mà còn có thể gặp ở trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến rụng tóc như rối loạn nội tiết tố, chế độ sinh hoạt thiếu khoa học, thiếu hụt một số dưỡng chất thiết yếu (như vitamin B5, Biotin...), do trạng thái áp lực, stress, lo lắng, tác dụng phụ của một số thuốc, bệnh lý ở vùng da đầu, phụ nữ sau sinh, lạm dụng các dầu gội đầu, mỹ phẩm dành cho tóc...
Tuy nhiên, đa số các trường hợp rụng tóc đều có liên quan đến tình trạng rối loạn hormone Dihydrotestosterone (DHT) trong cơ thể.
2. Bị rụng tóc bôi thuốc gì?
Mục đích của việc dùng các thuốc trị rụng tóc là giúp kích thích sự mọc tóc, làm tăng số lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại quá trình rụng tóc. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây rụng tóc khác nhau mà bác sĩ sẽ chỉ định bị rụng tóc bôi thuốc gì cho phù hợp. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị rụng tóc đang được sử dụng phổ biến:
2.1 Bệnh rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra (androgenetic alopecia)
Đây là bệnh lý rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra dẫn đến tình trạng hói đầu ở nam giới và rụng tóc nhiều ở nữ giới. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 12 đến 40 ở cả 2 giới.
Hiện nay, đối với trường hợp này, có thể dùng các thuốc finasteride, dung dịch minoxidil xịt tại chỗ là phương pháp điều trị phổ biến. Cả hai loại thuốc này đều có công dụng làm gia tăng số lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại sự rụng tóc. Tuy nhiên, không thể phục hồi được toàn bộ lượng tóc và tùy cơ địa của mỗi người mà có hiệu quả đáp ứng với thuốc khác nhau.
Thời gian điều trị với 2 loại thuốc này tối thiểu từ 6 đến 12 tháng mới có kết quả rõ ràng. Người bệnh nên tiếp tục điều trị sau thời gian trên để đạt kết quả như mong muốn. Nếu ngưng điều trị, tình trạng rụng tóc sẽ lặp lại như lúc khi chưa điều trị.
- Điều trị rụng tóc ở nam giới
Thuốc Minoxidil được dùng khá phổ biến để điều trị tình trạng rụng tóc ở nam giới. Công dụng của thuốc là kích thích sự mọc tóc khi bị rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam.
Thuốc có tác dụng kéo dài giai đoạn tăng trưởng và làm trưởng thành các nang tóc chín non. Thuốc thường có hiệu quả cao khi điều trị rụng tóc ở những bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng, hội chứng thiếu lông tóc do bẩm sinh...
Thuốc được chỉ định xịt trực tiếp tại vị trí rụng tóc mỗi ngày 2 lần. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài da như khô da, ngứa, đỏ da - tróc vẩy nhẹ...Tuy nhiên, thuốc thường xảy ra ở những trường hợp dùng với nồng độ cao. Thuốc Minoxidil cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng hay viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng. Ngoài ra, thuốc có thể gây xáo trộn nhịp tim, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương.
- Điều trị rụng tóc ở nữ giới
Tình trạng rụng tóc ở nữ giới có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra, thường lan tỏa khắp da đầu nhưng thường gặp ở vùng trán hoặc 2 bên thái dương. Tình trạng này thường diễn biến chậm và ôn hòa hơn ở nữ giới. Đa số phụ nữ bị rụng tóc do nguyên nhân này thường có chức năng nội tiết tố bình thường.
Thuốc Minoxidil được chỉ định xịt trực tiếp tại vị trí rụng tóc mỗi ngày 2 lần. Tác dụng phụ của thuốc này cũng tương tự ở nam giới nhưng hiện tượng rậm lông tóc có thể xuất hiện nhiều hơn. Vị trí mọc lông tóc thường xảy ra ở 2 bên chân mày, 2 bên gò má và đôi khi có thể ở căm, mọc ria mép. Tác dụng phụ này sẽ biến mất khoảng 1 năm sau khi ngừng dùng thuốc Minoxidil.
Thuốc Finasteride chống chỉ định dùng cho phụ nữ đang mang thai hay có kế hoạch mang thai trong thời gian sắp tới.
2.2. Điều trị rụng tóc từng mảng (Alopecia areata)
Bệnh lý này gây ra tình trạng rụng tóc từng mảng, đây là một bệnh tự miễn khá phổ biến. Trường hợp này có thể xảy ra ở cả hai giới ở mọi lứa tuổi và những người mắc bệnh bạch biến hoặc các bệnh về tuyến giáp.
Điều trị bệnh rụng tóc từng mảng thường kết hợp giữa sự điều hòa hệ miễn dịch bằng glucocorticoids, điều trị miễn dịch tại chỗ, anthralin hay minoxidil. Các thuốc này giúp kích thích sự mọc tóc nhưng không có tác dụng ngăn chặn được rụng tóc.
Thời gian điều trị có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm cho đến khi nào bệnh giảm và các đốm rụng tóc có tóc mọc lại đầy đủ.
Tác dụng phụ không mong muốn của các thuốc trên thường gây ra tình teo da, cụ thể:
- Glucocorticoides thường được dùng tại chỗ sẽ có đáp ứng tốt hơn và tương tác có lợi với các thuốc anthralin hay minoxidil hơn so với dùng bằng đường uống. Chỉ sử dụng bằng đường uống khi tình trạng rụng tóc tiến triển nhanh hay các trường hợp chậm đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Minoxidil: Thường được chỉ định dùng bằng cách xịt trực tiếp lên vị trí rụng tóc 2 lần mỗi ngày. Thuốc này có tác dụng tốt cho các trường hợp người bệnh rụng tóc lốm đốm nhưng không có hiệu quả ở người bệnh rụng tóc hoàn toàn. Tóc thường mọc lại trong vòng 12 tuần sau điều trị và đáp ứng kéo dài 1 năm. Việc điều trị cần kéo dài cho đến khi tóc mọc lại hoàn toàn.
- Anthralin: Đây là một chất miễn dịch không đặc hiệu, khá an toàn nên thường được chỉ định cho cả trẻ em và người lớn khi có tình trạng rụng tóc từng mảng. Hiệu quả của thuốc có thể thấy rõ sau 2 - 3 tháng điều trị với thuốc này, nên duy trì liệu trình điều trị ít nhất là 6 tháng để đạt kết quả tốt nhất. Tác dụng phụ của thuốc này là có thể gây kích ứng da và làm đỏ da tróc vẩy, ngứa ngáy. Vì vậy, để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn trên, người bệnh nên rửa sạch da đầu sau khi dùng thuốc này sau khoảng 20 - 60 phút.
- Điều trị miễn dịch tại chỗ: Việc điều trị bằng phương pháp này thường có hiệu quả ở những bệnh nhân bị rụng tóc từng mảng có tính mãn tính với số lượng tóc rụng trên 50% da đầu. Người bệnh được gây cảm ứng bằng cách dán vào da đầu một loại kháng nguyên mạnh có chứa Diphenylcyclopropenone hay diphencyprone và squaric acid dibutyl ester để kích thích sự mọc tóc da đầu thường bị viêm da, hồng ban, ngứa, tróc vẩy. Tác dụng phụ không mong muốn của phương pháp này là ngứa và nổi hạch bạch huyết vùng cổ. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện bệnh bóng nước hay chàm toàn thân, tăng sắc tố, giảm sắc tố, mề đay, hồng ban đa dạng. Chính vì thế, nên phương pháp này chủ yếu được thực hiện tại bệnh viện.
3. Dùng thuốc chống rụng tóc thế nào an toàn, hiệu quả?
Rụng tóc thường gây cho người bệnh khó chịu, thiếu tự tin vì mất thẩm mỹ, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, mọi người thường sử dụng các thuốc mọc tóc, thuốc chống rụng tóc được rao bán nhiều trên các trang mạng hoặc được giới thiệu từ người thân, bạn bè trước khi đi khám tại bệnh viện để kiểm tra tình trạng rụng tóc. Thành phần các loại thuốc được chào bán chủ yếu chứa các loại vitamin E, B3, B5, B6, H... hay các thảo dược (hà thủ ô...). Về bản chất các thành phần này chỉ tạm thời giúp tóc mọc nhanh thêm, tóc trở nên đen và mượt hơn chứ không thể giúp kích thích các nang mọc tóc lên. Do đó, người bệnh bị rụng tóc cần đến khám tại các khoa da liễu của các bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rụng tóc để có phương pháp điều trị thích hợp.
Bên cạnh đó, cần kiên trì tuân thủ theo liệu trình điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả như mong muốn. Thời gian điều trị cần thiết là từ 6 đến 12 tháng mới có thể cải thiện được sự mọc tóc và phải duy trì việc điều trị được liên tục. Người bệnh không nên ngưng điều trị sau thời gian trên, vì tóc sẽ bị rụng như trước khi điều trị. Ngoài ra, cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, cách dùng. Không nên tự ý tăng liều dùng để mong muốn đạt hiệu quả nhanh chóng, việc làm này không chỉ gây ra tình trạng quá liều mà còn làm cho tình trạng rụng tóc ngày càng trầm trọng hơn.
Hy vọng qua bài viết này đã cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến việc điều trị rụng tóc. Để đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.