Dung dịch keo: Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Dung dịch keo là những dung dịch được cấu thành bởi các phân tử lớn đồng nhất và không phải tinh thể hoặc các hạt siêu vi thể hòa tan trong một chất khác. Các dung dịch keo có thể được phân loại thành dung dịch có nguồn gốc từ máu ví dụ albumin, protein huyết tương, và huyết tương tươi đông lạnh, bán tổng hợp (hydroxyethylstarch-HES), dextrans hoặc gelatins.

1. Tính chất chung

Dung dịch keo chứa các phân tử lớn không dễ dàng di chuyển ra khỏi khoang mạch máu. Những phân tử này tạo ra một lực thẩm thấu được gọi là áp suất thẩm thấu keo (hoặc áp lực keo) làm tăng cường sự giữ lại nước trong khoang mạch máu.


Bảng 1: Thành phần của các dung dịch keo thường dùng
Bảng 1: Thành phần của các dung dịch keo thường dùng

Theo đó, sự thay đổi dịch ở mao mạch liên quan đến vai trò của áp suất thẩm thấu keo được thể hiện trong công thức:

Q ~ (Pc – COP).

Q là tốc độ dòng chảy qua các mao mạch. Pc là áp suất thủy tĩnh trong các mao mạch. COP là áp suất thẩm thấu keo của huyết tương. Khoảng 80% COP là do nồng độ albumin trong huyết tương. Hai áp suất (Pc và COP) hoạt động đối nghịch nhau: Pc thúc đẩy sự di chuyển dịch ra khỏi mao mạch và COP làm tăng di chuyển dịch vào các mao mạch.

Ở tư thế nằm ngửa, Pc bình thường trung bình là 25 mmHg và COP bình thường là khoảng 28 mmHg, do đó, hai lực này gần như bằng nhau. Trong khi dịch tinh thể làm giảm COP huyết tương (tác dụng pha loãng) gây ra sự di chuyển của dịch này ra khỏi dòng máu thì dịch keo có khuynh hướng bảo tồn COP huyết tương, giúp giữ lại các dịch này trong dòng máu. Điều này quan trọng khi cần nhanh một thể tích tuần hoàn mà ít gây thoát mạch, phù mô kẽ. Từ đó, hiệu quả thể tích dịch do truyền cao phân tử lớn hơn nhiều so với dịch tinh thể.

Tính chất một số dịch keo như sau


Bảng 2: Tác dụng của một số dịch keo thông dụng.
Bảng 2: Tác dụng của một số dịch keo thông dụng.

2. Dung dịch Albumin

Dung dịch Albumin là các chế phẩm được xử lý nhiệt của albumin huyết thanh người mà nó có dạng dung dịch 5% (50 g/L) và 25% (250 g/L) trong NaCL 0.9% với những đặc điểm sau:

2.1. Hiệu quả thể tích

Albumin 5% là một dung dịch có áp suất keo (COP là 20 mmHg) dưới mức áp suất keo của huyết tương. Hiệu quả thể tích ít nhất 70% giữ lại trong huyết tương, bắt đầu mất đi sau 6 giờ và bị mất hết sau 12 giờ.

Albumin 25% là một dung dịch có áp suất keo (COP là 70 mmHg) cao hơn áp suất keo của huyết tương khoảng 2.5 lần. Làm tăng thể tích huyết tương khoảng 3-4 lần thể tích được truyền. Thời gian tác dụng tương tự như albumin 5%. Albumin 25% không thay thế cho thể tích tuần hoàn bị mất, mà làm cho dịch di chuyển từ khoang này sang khoang khác, nên nó không được sử dụng để hồi sức thể tích trong trường hợp mất máu cấp. Vai trò chính của albumin 25% là ở những bệnh nhân bị giảm albumin máu và phù, bị hạ huyết áp hoặc kháng với thuốc lợi tiểu.

2.2. Tính an toàn

Những khẳng định trước đây về tỷ lệ tử vong gia tăng do các dung dịch albumin chưa được chứng thực trong các nghiên cứu gần đây. Ý kiến đồng thuận tại thời điểm hiện tại albumin 5% là an toàn để sử dụng như một loại dịch hồi sức. Có thể là ngoại trừ ở bệnh nhân tổn thương đầu do chấn thương, vì một nghiên cứu lớn đã cho thấy tỷ lệ tử vong cao hơn ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não được hồi sức bằng albumin thay vì nước muối đẳng trương.


Dung dịch Albumin được chứng nhận an toàn để sử dụng như một loại dịch hồi sức.
Dung dịch Albumin được chứng nhận an toàn để sử dụng như một loại dịch hồi sức.

3. Dung dịch HES

Tinh bột hydroxyethyl (HES hay hetastarch) là một polymer tinh bột được biến đổi về mặt hóa học có sẵn dưới dạng dung dịch 6% trong nước muối đẳng trương.

3.1. Hiệu quả thể tích

Hetastarch có COP cao hơn albumin 5% và hiệu quả hơn một chút trong việc làm tăng thể tích huyết tương ( 1-1.3 so với 0.7-1.3). Hiệu quả thể tích của hetastarch cũng kéo dài hơn (lên đến 24 giờ) so với albumin 5% (12h).

3.2. Tính an toàn

Có bằng chứng thuyết phục rằng những bệnh nhân nặng được nhận hetastarch có nguy cơ cao bị suy thận cần lọc máu và tăng tỷ lệ tử vong. Hetastarch cũng có liên quan với tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là sau tim phổi nhân tạo. Do tính an toàn kém, FDA đã cảnh báo năm 2013, khuyến cáo chống lại việc sử dụng hetastarch ở bệnh nhân nặng.


Dung dịch HES có thể gây ra biến chứng suy thận
Dung dịch HES có thể gây ra biến chứng suy thận

4. Dextrans

Dextrans là các polymer glucose được sử dụng trước đây để làm tăng thể tích huyết tương vào những năm 1940. Hai chế phẩm dextran phổ biến nhất là dextran-40 (10%) và dextran-70 (6%).

4.1. Hiệu quả thể tích

Cả hai loại dextran đều có COP 40 mmHg (tức là có áp lực keo cao hơn của huyết tương), gia tăng thể tích huyết tương lớn hơn albumin 5% hoặc hetastarch 6%. Dextran-70 có thể được ưa thích hơn vì thời gian tác dụng (12 giờ) dài hơn dextran-40 (6 giờ).

4.2. Gây chảy máu

Dextrans có thể gây chảy máu liên quan đến liều do suy giảm kết tập tiểu cầu, làm giảm nồng độ yếu tố VIII và von Willebrand và tăng ly giải fibrin. Các rối loạn đông cầm máu được giảm thiểu bằng cách hạn chế liều dextran hàng ngày chỉ 20 mL/kg.

  • Rối loạn xét nghiệm nhóm máu: Dextrans phủ lên bề mặt của hồng cầu và có thể ảnh hưởng vào khả năng tương hợp chéo máu. Các chế phẩm hồng cầu phải được rửa sạch để loại bỏ vấn đề này.
  • Tổn thương thận: Dextrans liên quan đến tổn thương thận do tăng áp lực keo tương tự như được báo cáo với hetastarch. Tuy nhiên, nó hiếm khi xảy ra.
  • Phản ứng phản vệ: Đã từng hay gặp với dextrans, nhưng hiện nay được báo cáo chỉ trong 0,03% lần truyền.

Liều dextran cần được giảm thiểu đối với trường hợp đông máu
Liều dextran cần được giảm thiểu đối với trường hợp đông máu

5. Gelatin

Các gelatin là những polypeptid có được từ thuỷ phân collagen của xương bò. Có hai loại gelatin: gelatin dung dịch được chuyển đổi (GFM) và gelatin có cầu nối urê (GPU). Những dung dịch này ít bị phân tán, ưu trương nhẹ và độ thẩm thấu keo gần bằng độ thẩm thấu keo của huyết tương, không thay đổi ở nhiệt độ từ 4oC - 20oC. Dược động học của các dung dịch này chưa biết rõ một cách đầy đủ.

Thời gian lưu giữ trong khoang mạch máu sau khi truyền khoảng 5 giờ và khoảng 20 - 30% liều dùng đi qua khoang gian bào. Đào thải chủ yếu qua đường thận và không tích lũy ở mô. Ở bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn, truyền 500ml thì làm gia tăng thể tích huyết tương lên 400ml - 500ml, nhưng chỉ còn 300ml ở thời điểm 4 giờ sau đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe