Đừng để suy sinh dục nam "gõ cửa" sớm

Suy sinh dục nam, còn được gọi là thiếu hụt testosterone, là khi tinh hoàn hạn chế sản xuất hormone sinh dục nam là testosterone hoặc giảm số lượng tinh trùng hoặc cả hai. Tình trạng này ảnh hưởng đến nhiều chức năng của các hệ cơ quan và cũng có thể có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống nam giới. Vì vậy, phát hiện sớm những dấu hiệu của suy sinh dục nam và can thiệp kịp thời là rất quan trọng.

1. Suy sinh dục nam là gì?

Suy sinh dục nam là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ hormone có vai trò chính trong sự tăng trưởng và phát triển yếu tố nam tính trong giai đoạn dậy thì (testosterone) hoặc sản xuất ra đầy đủ số lượng tinh trùng cần thiết hoặc cả hai.

Một người nam có thể mắc phải chứng suy sinh dục nam ngay từ lúc sinh ra hoặc có thể sau này trong cuộc sống như hệ quả do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Lúc này, những can thiệp điều chỉnh trong suy sinh dục nam sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tại thời điểm xảy ra trong cuộc đời. Trong đó, liệu pháp thay thế testosterone sẽ đóng vai trò chủ yếu.


Mức testosterone sản xuất không đủ khiến suy sinh dục nam diễn ra sớm hơn
Mức testosterone sản xuất không đủ khiến suy sinh dục nam diễn ra sớm hơn

2. Triệu chứng suy sinh dục nam

Tình trạng suy sinh dục nam có thể bắt đầu từ trong quá trình phát triển của thai nhi, tại thời điểm trước tuổi dậy thì hoặc trong tuổi trưởng thành. Theo đó, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh trong suốt cuộc đời.

2.1 Trong giai đoạn bào thai

Nếu cơ thể không sản xuất đủ testosterone trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi, hệ quả là các cơ quan sinh dục bên ngoài sẽ gặp hạn chế. Tùy thuộc vào thời điểm suy sinh dục và lượng testosterone tạo ra được, đứa trẻ vẫn có giới tính nam nhưng có thể được sinh ra với:

  • Bộ phận sinh dục giống nữ;
  • Bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ;
  • Bộ phận sinh dục nam kém phát triển

2.2 Trong giai đoạn dậy thì

Nam giới bị suy sinh dục có thể bị trì hoãn dậy thì hoặc phát triển không đầy đủ các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng nhất đến khối cơ, giọng nói trầm, tốc độ tăng trưởng cơ thể, lượng râu tóc trên khuôn mặt, lông mu và đặc biệt là sự phát triển của dương vậttinh hoàn.

Theo đó, các đặc tính sinh dục thứ phát sẽ kém phát triển. Người thiếu niên có chiều cao kém hơn, kích thước cơ nhỏ hơn, tương tự với dương vật và tinh hoàn. Thậm chí, một số trường hợp còn có giọng nói cao, râu lông tóc thưa và nhũ hóa tuyến vú.

2.3 Trong giai đoạn trưởng thành

Ở nam giới khi đã trưởng thành, suy sinh dục mắc phải lúc này vẫn có thể làm thay đổi một số đặc điểm thể chất nam tính và làm suy giảm chức năng sinh sản. Các dấu hiệu và triệu chứng sớm nghi ngờ là suy sinh dục nam bao gồm:

  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Luôn thấy thiếu năng lượng;
  • Mệt mỏi, trầm cảm.

Theo thời gian, những người đàn ông mắc chứng suy sinh dục có thể dẫn đến:

  • Rối loạn cương dương;
  • Giảm số lượng râu, lông, tóc trên mặt và trên cơ thể;
  • Giảm khối lượng, kích thước cơ bắp;
  • Tăng phát triển mô vú gây nhũ hóa tuyến vú ;
  • Mất khối lượng xương gây loãng xương.

Suy sinh dục nặng cũng có thể gây ra những thay đổi về mặt tinh thần và cảm xúc. Khi testosterone giảm, một số nam giới có các triệu chứng tương tự như thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, như cảm giác nóng bừng và khó tập trung.

3. Nguyên nhân gây suy sinh dục nam

Suy sinh dục nam được định nghĩa là khi tinh hoàn không sản xuất đủ hormone testosterone quy định giới tính nam. Từ đó, suy sinh dục nam được phân loại thành hai nhóm cơ bản theo nguyên nhân gây bệnh:


Testosterone thấp khiến nam giới bị rối loạn cương dương
Testosterone thấp khiến nam giới bị rối loạn cương dương

3.1 Suy sinh dục nam nguyên phát

Đây là loại suy sinh dục do các vấn đề xảy ra trực tiếp tại tinh hoàn. Các nguyên nhân phổ biến gây suy sinh dục nguyên phát bao gồm:

Tình trạng này là do bất thường bẩm sinh của nhiễm sắc thể giới tính X và Y. Một nam giới thường có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y tạo thành một cặp nhiễm sắc thể giới tính. Trong hội chứng Klinefelter, bệnh nhân sẽ có từ hai hoặc nhiều nhiễm sắc thể X bên cạnh một nhiễm sắc thể Y.

Chính nhiễm sắc thể Y chứa vật liệu di truyền xác định giới tính nam của trẻ được sinh ra với sự phát triển của các bộ phận liên quan. Nhiễm sắc thể X dư thừa trong hội chứng Klinefelter sẽ gây ra sự phát triển bất thường của tinh hoàn; từ đó, dẫn đến việc sản xuất testosterone bị thiếu hụt.

  • Tinh hoàn không di chuyển xuống dưới:

Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn phát triển bên trong ổ bụng và thường di chuyển xuống vị trí cố định của chúng là trong bìu ngay trước khi sinh ra. Suy sinh dục sẽ xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn không hạ xuống khi trẻ chào đời.

Tình trạng này thường tự khắc phục trong vài năm đầu đời mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu không được tích cực điều chỉnh sớm, thậm chí trong vòng vài ngày sau sinh, sức khỏe tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng và giảm sản xuất testosterone.

  • Viêm quai bị:

Nhiễm trùng do quai bị có biến chứng đến tinh hoàn xảy ra trong lứa tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành có thể làm suy giảm chức năng của tinh hoàn và sản xuất testosterone.

  • Bệnh tan máu bẩm sinh:

Hệ quả khi quá nhiều chất sắt trong máu do tan máu có thể gây ra suy tinh hoàn hoặc rối loạn chức năng tuyến yên, ảnh hưởng đến sản xuất testosterone.

  • Tổn thương tinh hoàn:

Vì nằm ngoài ổ bụng, bao bọc bởi lớp tổ chức lỏng lẻo nên tinh hoàn dễ bị chấn thương. Sau tổn thương, mặc dù tinh hoàn vẫn phát triển bình thường nhưng vẫn có nguy cơ suy sinh dục. Tuy nhiên, tổn thương một tinh hoàn vẫn có thể không làm giảm tổng sản xuất testosterone nói chung.

  • Điều trị ung thư:

Hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư có thể can thiệp vào quá trình sản xuất testosteronetinh trùng. Tuy tác dụng của cả hai phương pháp điều trị này trên các hệ thống cơ quan khác thường là tạm thời, tình trạng vô sinh vĩnh viễn vẫn có thể xảy ra.

3.2 Suy sinh dục nam thứ phát

Trong suy sinh dục nam thứ phát, tinh hoàn hoàn toàn bình thường nhưng không hoạt động hiệu quả là do các vấn đề liên quan tới tuyến yên hoặc vùng dưới đồi - những phần của não điều khiển tinh hoàn sản xuất testosterone. Một số tình trạng có thể gây ra suy sinh dục thứ phát, bao gồm:

  • Hội chứng Kallmann:

Đây là sự phát triển bất thường của khu vực não kiểm soát sự tiết hormone tuyến yên ở vùng dưới đồi. Hội chứng này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ngửi và gây mù màu đỏ-xanh ở nam giới.

  • Rối loạn chức năng tuyến yên:

Những bất thường trong tuyến yên có thể làm giảm sự giải phóng hormone điều khiển từ tuyến yên đến tinh hoàn, ảnh hưởng đến sản xuất testosterone. Tác nhân gây ra có thể là do một khối u tuyến yên hoặc bất kì một khối u não khác nằm gần tuyến yên. Mặt khác, khi điều trị một khối u não, chẳng hạn như bằng cách phẫu thuật hoặc xạ trị, vẫn có thể ảnh hưởng đến tuyến yên và gây ra suy sinh dục nam.

  • Bệnh lý viêm nhiễm:

Một số bệnh viêm nhiễm như sarcoidosis, vi trùng lao... đến vùng dưới đồi và tuyến yên có thể ảnh hưởng đến sản xuất testosterone. Ngay cả tác nhân HIV/AIDS, virus cũng dẫn đến nồng độ testosterone thấp là do gây bệnh đến vùng dưới đồi, tuyến yên và tinh hoàn.

  • Thuốc:

Việc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau dạng thuốc phiện và một số hormone ngoại sinh có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất testosterone.

  • Béo phì:

Thừa cân đáng kể ở mọi lứa tuổi có thể liên quan đến suy sinh dục nam.

  • Lão hóa:

Khi người đàn ông già đi, việc sản xuất testosterone sẽ giảm dần. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc phải và tốc độ suy giảm là khác biệt ở mỗi cá nhân.

4. Biến chứng của suy sinh dục nam

Tương tự như cách biểu hiện triệu chứng, các biến chứng của suy sinh dục nam nếu không được điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào thời điểm mắc phải – từ trong quá trình hình thành và phát triển của thai nhi hoặc tuổi dậy thì hoặc trưởng thành.

Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Hình thành bộ phận sinh dục bất thường;
  • Kích thước vú lớn, nhũ hóa tuyến vú;
  • Rối loạn cương dương;
  • Loãng xương;
  • Trầm cảm.

Suy sinh dục nam có thể dẫn đến trầm cảm nghiệm trọng
Suy sinh dục nam có thể dẫn đến trầm cảm nghiệm trọng

5. Chẩn đoán suy sinh dục nam như thế nào?

Phát hiện sớm suy sinh dục ở bé trai có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề từ việc dậy thì muộn. Bên cạnh đó, lợi ích từ chẩn đoán và điều trị sớm ở nam giới cũng giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn, chống loãng xương và các bệnh lý khác.

Để được như vậy, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất và đánh giá sự phát triển tính dục của bạn, chẳng hạn như lông mu, khối cơ và kích thước tinh hoàn có phù hợp với độ tuổi của bạn hay không. Bước kế tiếp, nồng độ testosterone trong máu sẽ được đo lường nếu người bệnh thực sự có dấu hiệu hoặc triệu chứng của suy sinh dục. Vì nồng độ testosterone dao động rất khác nhau trong ngày và thường cao nhất vào buổi sáng, mẫu máu thường được lấy vào đầu ngày, trước 10 giờ sáng.

Nếu nồng độ testosterone được ghi nhận là thấp, các xét nghiệm bổ sung sẽ được tiến hành nhằm tìm nguyên nhân là tại tinh hoàn hay bất thường tuyến yên, bao gồm:

  • Xét nghiệm nội tiết tố;
  • Phân tích tinh dịch;
  • Chụp hình tuyến yên;
  • Nghiên cứu di truyền;
  • Sinh thiết tinh hoàn.

6. Suy sinh dục nam điều trị như thế nào?

Điều trị thiếu testosterone ở bé trai sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Việc bổ sung testosterone sẽ cần từ ba đến sáu tháng mới có thể kích thích dậy thì và phát triển các đặc điểm sinh dục giới tính thứ cấp, chẳng hạn như tăng khối lượng cơ bắp, mọc râu, mọc lông mu và tăng trưởng dương vật.

Ở người đàn ông trưởng thành, suy sinh dục nam thường được điều trị bằng thay thế testosterone để đưa mức testosterone trở lại bình thường. Testosterone có thể giúp cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng của suy sinh dục nam, như giảm ham muốn tình dục, giảm năng lượng, giảm râu lông trên mặt, cơ thể, và mất khối lượng cơ, mật độ xương.

Đối với những người đàn ông lớn tuổi hơn vẫn có thể dùng testosterone liều thấp nếu gặp phải các dấu hiệu của suy sinh dục do lão hóa. Tuy nhiên, lợi ích của việc thay thế testosterone này vẫn chưa rõ ràng.

Các chế phẩm của testosterone có rất nhiều dạng, từ viên nang uống, tiêm bắp đến gel bôi, miếng dán, que cấy hay kẹo nhai. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng testosterone, các bác sĩ nội tiết khuyến cáo cần theo dõi hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ nhiều lần trong năm đầu điều trị và hàng năm sau đó. Bởi lẽ, liệu pháp testosterone cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như tăng sản xuất hồng cầu, mụn trứng cá, rối loạn giấc ngủ, phì đại tuyến tiền liệt....

Bên cạnh đó, một số thay đổi lối sống vẫn có thể giúp tăng mức testosterone, phòng ngừa suy sinh dục nam như giảm cân, tập thể dục, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, tránh rượu bia, bỏ hút thuốc lá...

Tóm lại, dù nhận thức về suy sinh dục nam đang ngày càng nâng lên, số lượng nam giới trưởng thành mắc phải tình trạng này được chẩn đoán và điều trị đúng cách vẫn còn hạn chế. Người bệnh cần tìm kiếm chuyên khoa nam học uy tín, chất lượng để được hỗ trợ điều trị điều tốt nhất.

>>Xem thêm: Suy sinh dục nam (giảm tiết testosterone) – Một bệnh lý hay bị lãng quên- Bài được viết của Bác sĩ nội trú Trịnh Ngọc Anh - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com; clevelandclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe