Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng gel bôi testosterone

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Huỳnh Xuân Lộc - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Có nhiều dạng thuốc chứa testosterone như thuốc tiêm, dung dịch hoặc gel bôi ngoài da, gel xịt mũi, miếng dán, viên ngậm.... với nồng độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh và sự tiện lợi cho người bệnh. Thường gặp là dạng gel bôi ngoài da (Biệt dược: Androgel) với chỉ định bổ sung thay thế hormone ở người bệnh giảm chức năng sinh lý ở nam giới do thiếu hụt testosterone có triệu chứng và xét nghiệm khẳng định.

1. Testosterone là gì có công dụng thế nào?

Testosterone là hormone nam chính giúp phát triển cơ quan sinh dục nam, kích thích mọc tóc và tạo đặc trưng giọng nói nam giới. Người bệnh bị thiếu hụt testosterone sẽ dẫn đến giảm khả năng sinh dục, hoặc chậm dậy thì, chậm lớn ở thiếu niên nam. Để xác định sự thiếu hụt này, người bệnh cần đến khám và thực hiện một số xét nghiệm sinh hóa máu.

Gel bôi ngoài da (Biệt dược: Androgel) chống chỉ định với người đang có hoặc nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư biểu mô vú cũng như mẫn cảm với testosterone hoặc các thành phần của thuốc.

2. Gel testosterone sử dụng thế nào cho đúng?

Gel testosterone được đóng gói chia thành từng gói nhỏ 1.25 - 5g gel tương đương 1.25 – 50mg testosterone. Thuốc được sử dụng 1 lần mỗi ngày vào một giờ nhất định và nên dùng buổi sáng.


Gel testosterone được đóng gói chia thành từng gói nhỏ 1.25 - 5g gel
Gel testosterone được đóng gói chia thành từng gói nhỏ 1.25 - 5g gel

Thuốc được bôi trên vùng da khô, sạch và không có vết thương hở ở hai vai, hai tay hoặc vùng bụng. Cho toàn bộ thuốc trong gói lên da và xoa nhẹ thành một lớp mỏng để khô trước khi mặc quần áo vào. Thuốc thấm và khô rất nhanh trong vòng 3 -5 phút nên người bệnh không cần chà xát mạnh và không bôi thuốc lên vùng sinh dục do nguy cơ gây kích ứng da.

Cần phải mang găng tay khi một người khác, đặc biệt là nữ giới, bôi thuốc cho người bệnh do thuốc thấm rất nhanh qua da có thể gây những tác dụng không mong muốn như rậm lông và tóc, thay đổi giọng nói hoặc thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.

3. Các tác dụng phụ thường gặp là gì?

Tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng tại nơi bôi thuốc như nổi hồng ban, mụn trứng cá và khô da; các triệu chứng này thường sẽ tự khỏi sau khi ngừng thuốc. Các phản ứng nghiêm trọng hơn bao gồm phản ứng dị ứng (đỏ da, ngứa, nổi mề đay, phù mặt ...) hoặc khó thở.

Khi gặp các triệu chứng dị ứng này người bệnh cần liên hệ bác sĩ hoặc đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Thuốc cũng có thể gây ra đau đầu, cảm giác yếu mệt, mất ngủ, thay đổi cảm xúc ... do xáo trộn nội tiết tố. Người bệnh cũng nên được kiểm tra huyết áp và các bệnh tim mạch trước khi điều trị do thuốc có thể gây tăng huyết áp và làm xấu đi các bệnh tim mạch sẵn có.


Một số phản ứng trên da tại nơi bôi thuốc sẽ tự khỏi sau khi ngừng sử dụng
Một số phản ứng trên da tại nơi bôi thuốc sẽ tự khỏi sau khi ngừng sử dụng

4 . Lưu ý khi sử dụng gel testosterone

Dùng đúng liều chỉ định, không được tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc mà không có quyết định của bác sĩ điều trị.

Thông báo với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe đang có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận hoặc suy gan, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến hoặc ung thư vú.

Do thuốc thấm nhanh qua da nên cần rửa tay với xà phòng và nước sạch sau khi dùng thuốc hoặc trước khi chạm vào vào da người khác. Mặc áo để che vùng bôi thuốc sau khi gel đã khô và tắm hoặc rửa sạch vùng da bôi thuốc trước khi tiếp xúc với người khác. Tốt nhất nên để thuốc trên da khoảng 5 – 6 giờ sau khi bôi thuốc để có hiệu quả tối ưu.

Trường hợp người khác vô tình tiếp xúc với thuốc hoặc vùng da bôi thuốc, cần phải rửa tay hoặc vùng da đã tiếp xúc với xà phòng và nước. Theo dõi các tác dụng không mong muốn và thông báo cho bác sĩ để có xử trí phù hợp.

Thận trọng tránh thuốc tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ có thai. Nếu xảy ra, cần rửa kỹ trong vòng 1 – 6 giờ sau tiếp xúc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, uptodate.com, clevelandclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe