Hầu hết mọi người hiện nay đều rất chú tâm đến tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng dụng cụ nấu nướng được sử dụng để chế biến thức ăn cũng quan trọng như chính thức ăn. Ngay cả chế độ ăn uống lành mạnh nhất cũng có thể gây ra các biến chứng về sức khỏe nếu dụng cụ nấu ăn gây độc.
1. Dụng cụ nấu ăn chống dính
Teflon có lẽ là hợp chất được gọi tên nhiều nhất khi nói về chất độc trong dụng cụ nấu ăn. Trước khi kết luận về việc dụng cụ nấu ăn từ Teflon có gây độc hay không, người dùng cần hiểu rõ một số đặc tính chống dính của Teflon:
- Đặc tính chống dính của dụng cụ nấu ăn Teflon có được là nhờ một lớp phủ PTFE (polytetrafluoroethylene), đây là một polyme nhựa bắt đầu thải ra các chất độc khi đun nóng trên 300 độ C. Những làn khói độc hại này dẫn đến các triệu chứng giống như bệnh cúm thường được gọi là bệnh cúm Teflon, chúng không chỉ nguy hiểm đối với con người mà còn gây ảnh hưởng lớn cho các loài chim cảnh như vẹt.
- Một hợp chất hóa học khác được tìm thấy trong dụng cụ nấu ăn Teflon là PFOA (axit perfluorooctanoic) đã được liên kết đến một số loại ung thư bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, tin mừng là ngày nay quy trình sản xuất các dụng cụ nấu ăn teflon đã loại bỏ các chất hóa học gây độc hại cho người sử dụng kể từ năm 2013. Dụng cụ nấu ăn Teflon đã trở nên an toàn hơn rất nhiều cho sức khỏe người sử dụng.
Nếu vẫn còn khá quan ngại về dụng cụ nấu ăn chống dính từ Teflon, người dùng có thể lựa chọn các dụng cụ nấu ăn được phủ lớp chống dính khác (như đá granite), tuy nhiên cũng giống như Teflon, các lớp chống dính chỉ an toàn để sử dụng khi lớp phủ còn nguyên vẹn. Lớp phủ của các dụng cụ nấu ăn chống dính thường rất mỏng và dễ dàng bị xước. Khi đã bị sứt mẻ, việc sử dụng dụng cụ nấu ăn đó cần dừng lại ngay lập tức.
Một lựa chọn an toàn hơn nhưng vẫn đảm bảo tính chống dính là dụng cụ nấu ăn bằng gang. Đây là một lựa chọn nấu ăn an toàn và thực sự chịu được thử thách của thời gian.
Chất liệu gang làm nóng tốt và rất đều, gần như không làm rò rỉ bất cứ chất độc trong dụng cụ nấu ăn nào vào thức ăn và còn là một cách tự nhiên để tăng lượng sắt của cơ thể. Nếu lượng sắt trong cơ thể người dùng đang duy trì ổn định, bạn nên chọn dụng cụ nấu bằng gang tráng men, vừa an toàn vừa tiện lợi.
2. Dụng cụ nấu ăn bằng nhôm
Nhôm rất phổ biến vì đặc tính rất bền, nhẹ, linh hoạt và có thể tái chế. Tuy nhiên, không phải dụng cụ nấu ăn từ nhôm không chứa những nguy hiểm tiềm ẩn. Từ góc nhìn y học, nhôm là một kim loại độc với thần kinh, nồng độ nhôm tăng cao rất có thể có liên quan đến một số bệnh hệ thần kinh trung ương, bao gồm cả bệnh Alzheimer và Bệnh xơ cứng teo cơ một bên - ALS (cơ sở bằng chứng chưa thực sự rõ ràng).
Mặc dù các dụng cụ nấu ăn bằng nhôm thường được tráng phủ, nhưng lớp phủ này dễ bị mẻ, giải phóng kim loại độc hại vào thức ăn.
Thay vào đó, dụng cụ nấu ăn bằng thủy tinh là một lựa chọn an toàn khác để xem xét. Thủy tinh sẽ không bao giờ giải phóng bất kỳ thứ gì độc hại khi được làm nóng, thủy tinh cũng khá bền, thân thiện với môi trường và không dễ bám vào bất kỳ hương vị hoặc mùi cũ của thức ăn nào. Nhược điểm duy nhất của thủy tinh là nó không chống dính và rất dễ vỡ vụn.
3. Dụng cụ nấu ăn bằng đồng
Chúng ta thường nhìn thấy những món đồ nội thất bằng đồng trong các cửa hàng và nhận thấy vẻ đẹp của kim loại này. Ngoài ra, đồng cũng rất nổi tiếng về đặc tính dẫn điện, khả năng cho phép làm nóng đều và nhanh chóng. Tuy nhiên, đồng thực sự có thể gây nguy hiểm khi được sử dụng để làm dụng cụ nấu nướng hay không?
Giống như một số kim loại nặng khác, kim loại đồng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người nhưng với lượng rất nhỏ. Một lượng dư thừa của đồng trong cơ thể có thể dẫn đến ngộ độc kim loại nặng. Khi dụng cụ nấu ăn bằng đồng không được tráng men có thể dẫn đến hiện tượng giải phóng đồng khi nấu các thức ăn có tính axit.
Một lựa chọn thay thế an toàn hơn đó là dụng cụ nấu ăn bằng thép không gỉ. Đây là một lựa chọn tuyệt vời vì thép không gỉ tương đối nhẹ, có khả năng chống trầy xước, đồng thời có thể chống dính tương đối. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng dụng cụ nấu ăn từ thép không gỉ mà bạn lựa chọn không chứa bất kỳ thành phần niken hoặc crom nào.
4. Dụng cụ nấu nướng tráng men
Dụng cụ nấu nướng phủ gốm trông khá đẹp và có vẻ như đây là một lựa chọn an toàn vì 100% gốm an toàn cho mục đích nấu nướng. Tuy nhiên, một lớp phủ gốm thường giúp “che giấu các vật liệu xấu” bên dưới lớp tráng men.
Lớp phủ gốm thường không bền và bắt đầu sứt mẻ sau một thời gian dài sử dụng hàng ngày. Khi điều đó xảy ra, chì và cadmium đôi khi được tìm thấy bên dưới lớp phủ sứt mẻ có khả năng lẫn vào trong thức ăn.
Nhiễm độc chì là một trong những loại ngộ độc kim loại nguy hiểm nhất với triệu chứng đau bụng, đau đầu, có thể dẫn đến vô sinh và các biến chứng sức khỏe khác (trong trường hợp nghiêm trọng có thể hôn mê và tử vong). Ngay cả khi lớp phủ không chứa chì, dụng cụ nấu ăn bị bong tróc vẫn có thể gây nguy hiểm do để lộ lớp nhôm (độc thần kinh) nằm dưới lớp phủ gốm.
Thay vào đó, người dùng nên chọn dụng cụ nấu ăn bằng gốm 100%, đây là một trong những lựa chọn tốt nhất và an toàn nhất đối với sức khỏe vì gốm được làm bằng vật liệu hoàn toàn tự nhiên, không độc hại và không bị bào mòn hoặc bong tróc. Gốm thường ít bám dính và có thể rửa bằng máy rửa bát.
Dụng cụ nấu ăn có thể gây độc hại nếu người tiêu dùng không lựa chọn những sản phẩm tốt. Dựa vào thông tin về những ưu nhược điểm của dụng cụ nấu ăn trên, bạn hãy cân nhắc để chọn cho mình những sản phẩm phù hợp, bảo vệ sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: brightside.me