Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Chỉ nha khoa được biết đến như một phương pháp làm sạch răng miệng an toàn và hiệu quả, tuy nhiên chưa được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Do đó, những vấn đề liên quan đến chỉ nha khoa như “chỉ nha khoa có làm thưa răng không” hay “nên dùng chỉ nha khoa khi nào”... đều rất mới mẻ. Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết đến bạn đọc những vấn đề trên.
1. Chỉ nha khoa và khuyến nghị từ nha sĩ
Mảng bám thức ăn trên răng khi tồn tại lâu ngày có thể dẫn đến bệnh nha chu và hậu quả nghiêm trọng của vấn đề này là gây mất răng, nếu không được điều trị. Chính vì thế, việc bảo vệ và làm sạch răng miệng khỏi sự trú ngụ của những mảng bám này là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người.
Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ từ lâu đã tuyên bố rằng, dùng chỉ nha khoa là một công việc thiết yếu để chăm sóc răng và nướu của bạn. Các nha sĩ cũng tin rằng việc đẩy lùi sự phát triển của vi khuẩn và mảng bám thông qua đánh răng kết hợp chỉ nha khoa sẽ đảm bảo răng miệng của bạn luôn sạch sẽ, nhờ đó tối thiểu hóa nguy cơ viêm nướu - một điều kiện có thể dẫn đến bệnh nha chu.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về răng
Răng là bộ phận quan trọng, giúp một người sử dụng miệng để ăn, nói, cười và tạo hình dạng cho khuôn mặt của họ. Tuy nhiên, có những sự thật thú vị về răng mà có thể bạn chưa từng biết. Hãy cùng trả lời nhanh 9 câu hỏi trắc nghiệm sau để thử hiểu biết của bạn về răng.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Tại sao nên sử dụng chỉ nha khoa thay thế cho tăm xỉa răng?
Người Việt Nam thường quen thuộc với tăm xỉa răng nhiều hơn so với chỉ nha khoa khi muốn loại bỏ thức ăn dính trong các kẽ răng. Tuy nhiên, việc sử dụng tăm, theo ý kiến từ các chuyên gia nha khoa là một thói quen không tốt đối với sức khỏe răng miệng. Tăm xỉa răng có khả năng gây ra các tổn thương liên quan đến răng và mô mềm. Hơn nữa, việc sử dụng tăm cũng khiến các kẽ răng bị thưa dần ra, trông mất thẩm mỹ.
Lúc này, chỉ nha khoa là giải pháp tối ưu hơn cả. Dụng cụ vệ sinh răng miệng này được mọi nha sĩ khuyên dùng mỗi ngày. Vì cấu trúc mềm, mảnh và dai của mình, chỉ nha khoa dễ dàng len lỏi vào nhiều ngóc ngách của răng, kể cả những kẽ răng hẹp nhất, giúp làm sạch triệt để mảng bám và mảnh vụn thức ăn hàng ngày.
3. Dùng chỉ nha khoa có làm thưa răng không?
Rất nhiều người, vì nguyên nhân thẩm mỹ, đều đặt câu hỏi liệu việc dùng chỉ nha khoa có làm thưa răng không. Câu trả lời từ các chuyên gia nha khoa là không, nếu bạn sử dụng chỉ nha khoa đúng cách. Đây cũng là một ưu điểm vượt trội khiến các nha sĩ đều khuyến khích sử dụng chỉ nha khoa thay thế cho tăm xỉa răng hàng ngày.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bạn không lựa chọn đúng loại chỉ tơ nha khoa chất lượng với kích thước lớn, việc sử dụng các loại chỉ này sẽ khiến răng bị thưa sau một thời gian. Vì vậy, nếu chỉ nha khoa cách dùng đúng cách; chọn chỉ tơ chất lượng với kích thước mỏng, mềm, mịn nhưng có độ bền cao thì sẽ không làm thưa răng mà vẫn đạt hiệu quả làm sạch tuyệt đối.
4. Nên dùng chỉ nha khoa với tần suất như thế nào?
Để xác định dùng chỉ nha khoa có làm thưa răng không, yếu tố tần suất sử dụng chỉ nha khoa cũng được quan tâm. Việc dùng chỉ nha khoa quá nhiều cũng có khả năng gây thưa răng bởi bạn liên tục đặt chỉ nha khoa vào hai kẽ răng của mình. Vậy thì tần suất sử dụng chỉ nha khoa như thế nào là hợp lý?
Cho đến nay, vẫn chưa có một kết luận chính xác về số lần sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày. Tuy nhiên, sự hình thành mảng bám trong miệng diễn ra liên tục. Cùng với đó, vi khuẩn sẽ mất khoảng 4 tiếng - 12 tiếng để phát triển trên mảng bám. Vì vậy, việc sử dụng chỉ nha khoa nhiều hơn một lần mỗi ngày sẽ không có nhiều lợi ích. Theo khuyến cáo, điều này sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến mô nướu nếu bạn sử dụng chỉ nha khoa sai cách, làm lộ chân răng nhiều hơn. Không chỉ vậy, việc này còn tạo khe hở cho vi khuẩn xâm nhập và gây sâu răng.
Nói tóm lại, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ngày và tối đa là 3 lần/ngày nếu cảm thấy thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng sau khi ăn.
5. Một số sai lầm phổ biến khi dùng chỉ nha khoa gây thưa răng
5.1. Không sử dụng đúng loại chỉ nha khoa
Tùy thuộc vào khoảng cách thực tế giữa các răng, bạn có thể chọn các loại chỉ nha khoa khác nhau hiện nay trên thị trường. Trong đó:
- Đối với không gian chật hẹp, bạn nên chọn loại Superfloss hoặc chỉ nha khoa không sáp.
- Đối với khoảng trống rộng và phẳng hơn, bạn có thể dùng Dental Tape có độ che phủ tốt, làm sạch hiệu quả.
- Đối với người làm cầu răng/ đeo mắc cài, nên chọn loại chỉ mỏng, nhẹ, mịn và mềm để hạn chế các tổn thương trong quá trình sử dụng.
Việc chọn chỉ nha khoa không đúng kích thước có thể khiến các răng thưa hơn khi bạn cố đưa chỉ nha khoa lớn vào kẽ răng nhỏ, đồng thời làm tăng khả năng bạn phải dùng lực, gây ra tổn thương ở nướu.
5.2. Dùng chỉ nha khoa một cách thô bạo
Khi sử dụng chỉ nha khoa với lực lớn, bạn có thể làm tổn thương nướu hay thậm chí gây ra các khe hở nướu. Đồng thời, lực ma sát mạnh giữa các kẽ răng có thể làm mòn men răng, khiến răng yếu hơn và thưa nhau hơn.
Do đó, khi đưa chỉ nha khoa vào kẽ răng để lấy mảng bám, bạn cần thao tác nhẹ nhàng, từ tốn và lấy triệt để.
Nhìn chung, câu hỏi chỉ nha khoa có làm thưa răng không tùy thuộc theo nhiều yếu tố. Nếu bạn lựa chọn đúng loại chỉ nha khoa với kích thước phù hợp, sử dụng đúng cách, nhẹ nhàng và với tần suất vừa phải, việc làm thưa răng chắc chắn sẽ không xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: utknoxvilledentists.com