Lưỡi có mùi hôi thường là kết quả từ quá trình lên men thực phẩm do vi khuẩn gram âm hiếm khí trong miệng. Quá trình này tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan, những vi khuẩn này có thể có mặt trong bệnh nha chu. Vậy vì sao lưỡi trắng có mùi hôi dù vệ sinh rất sạch?
1. Tại sao lưỡi có mùi hôi dù vệ sinh rất sạch?
Hơi thở hôi thường là kết quả từ quá trình lên men thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn gram âm hiếm khí trong miệng, tạo ra từ những hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan. Những vi khuẩn này có thể có mặt trong bệnh nha chu và đặc biệt là khi có loét hoặc hoại tử. Những vi khuẩn này gây bệnh nằm sâu trong túi nha chu quanh răng. Ở những người bệnh có mô nha chu lành mạnh và những vi khuẩn này có thể sinh sôi ở phía sau mặt lưng lưỡi. Những yếu tố làm cho vi khuẩn gây ra bệnh phát triển quá mức như:
- Giảm lưu lượng nước bọt như trong bệnh lý tuyến mang tai, sử dụng thuốc chống tiết cholin, hội chứng sjogren,...
- Tắc tuyến nước bọt
- Tăng độ pH nước bọt
Ngoài ra, một số loại thực phẩm hoặc gia vị sau khi tiêu hóa, giải phóng mùi của chất đó đến phổi, mùi hôi miệng có thể gây khó chịu cho người khác. Ví dụ như mùi tỏi được ghi nhận trong hơi thở bởi những người khác từ 2 đến 3 giờ sau khi ăn và rất lâu sau khi nó không còn trong miệng. Bên cạnh đó, một số bệnh có hệ thống gây ra những chất dễ bay hơi được phát hiện trong hơi thở, mặc dù không phải là những mùi hôi đặc biệt, chất hăng cay cũng được coi là tình trạng hôi miệng. Đái tháo đường nhiễm acid xeton có tạo ra mùi thơm ngọt hoặc mùi trái cây của axeton, suy gan tạo ra mùi hôi hoặc đôi khi có mùi sulfur và suy thận tạo mùi nước tiểu hoặc ammonia.
2. Lưỡi trắng có mùi hôi là triệu chứng của bệnh gì?
Tình trạng lưỡi trắng có mùi hôi tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng nhưng mang lại nhiều sự bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thăng tiến cũng như cơ hội thể hiện bản thân trước đám đông. Ngoài ra, cuống lưỡi có mùi hôi còn là dấu hiệu cảnh báo cho một số tình trạng vấn đề sức khỏe như:
- Bệnh lý về đường miệng: sự xuất hiện của lưỡi trắng có mùi hôi cho thấy những đường vân trên lưỡi bị rớm máu nếu bạn cạo lưỡi. Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ việc nấm miệng. Đối với trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng thường gặp nhất, bởi vì hệ miễn dịch của họ rất yếu so với người bình thường.
- Trào ngược dạ dày: nguyên nhân của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản là do sự dư thừa acid dạ dày hay do cơ thắt thực quản bị yếu cũng như khối lượng thức ăn có trong dạ dày quá nhiều. Điều này bạn sẽ dễ dàng cảm thấy được dịch dạ dày bị đẩy ngược lên phía vòm họng gây nên cảm giác đau rát, khó chịu, tổn thương niêm mạc cùng với mùi hôi.
- Viêm nhiễm vùng miệng: Tình trạng viêm nhiễm tại vùng miệng bắt nguồn bởi sự tổn thương các mô mềm trong khoang miệng. Đa số những trường hợp mắc phải sự viêm nhiễm sẽ tự khỏi ngay sau 2 tuần. Sự biểu hiện của lưỡi trắng có mùi hôi là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị nhiễm nấm Candida hay bị tưa miệng. Ngoài lưỡi có mùi hôi thì sự viêm nhiễm vùng miệng còn gây ra những triệu chứng khác như đau rát khi ăn uống, cơ thể trong trạng thái mệt mỏi, vị giác bị mất, suy nhược.
3. Biện pháp phòng ngừa lưỡi có mùi hôi
Để phòng ngừa tình trạng lưỡi trắng có mùi hôi thì cần lưu ý thực hiện những cách sau:
- Vấn đề vệ sinh răng miệng: thực hiện vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn, và cần lưu ý rằng điều này chỉ được thực hiện sau bữa ăn khoảng 1 giờ để tránh tình trạng mòn men răng. Hãy lựa chọn loại bàn chải đánh răng mềm tránh gây xước chân răng. Đồng thời, kết hợp với việc sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để có một hơi thở thơm mát.
- Xây dựng chế độ ăn uống: thực hiện một chế độ ăn uống khoa học là một trong những biện pháp phòng ngừa tình trạng lưỡi bị trắng kèm theo hôi miệng. Vì vậy, hãy tuân thủ một chế độ ăn chín uống sôi và bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ngoài ra, cần bổ sung khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày để cơ thể được thanh lọc, tránh tình trạng thiếu nước và khô miệng. Hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm đóng hộp hay đồ chiên rán cũng như các chất kích thích có hại.
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ: hãy tự tạo cho mình một thói quen chăm sóc răng miệng và thăm khám định kỳ để được cạo cao răng, kiểm tra và phát hiện sớm sự bất thường ở nướu và lưỡi từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.
Tóm lại, lưỡi có mùi hôi thường là kết quả từ quá trình lên men thực phẩm do vi khuẩn gram âm hiếm khí trong miệng. Quá trình này tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi như hydrogen sulfide và methyl mercaptan, những vi khuẩn này có thể có mặt trong bệnh nha chu. Ngoài ra, tình trạng lưỡi có mùi hôi dù vệ sinh răng miệng rất sạch có thể là biểu hiện của một số bệnh lý về tiêu hóa. Do vậy, hãy tạo thói quen chăm sóc răng miệng và thăm khám định kỳ để có thể phát hiện sớm những bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.