Đốt cồn vách liên thất trong bệnh cơ tim phì đại là gì?

1. Đốt cồn vách liên thất trong bệnh cơ tim phì đại là gì?

Đốt cồn vách liên thất (ASA) là một phương pháp thủ thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện bởi các bác sĩ để điều trị bệnh cơ tim phì đại - một tình trạng mô tim trở nên dày bất thường và cứng, gây ảnh hưởng đến quá trình tim bơm máu.


Thủ thuật ASA được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại
Thủ thuật ASA được sử dụng để điều trị bệnh cơ tim phì đại

Trong quá trình thực hiện đốt vách liên thất bằng cồn, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông dài (ống này mảnh nhưng rất linh hoạt) để tiêm cồn trực tiếp vào động mạch cung cấp máu cho một vùng nhỏ của phần mô cơ tim bị phì đại. Cồn có tác dụng làm cho vùng mô ngừng co bóp, giúp máu có thể được dễ dàng bơm ra khỏi tim.

2. Thực hiện thủ thuật đốt vách liên thất bằng cồn trong trường hợp nào?

Bác sĩ chuyên khoa bệnh tim mạch sẽ lựa chọn thực hiện thủ thuật xâm lấn tối thiểu này để điều trị bệnh cơ tim phì đại (HCM), một loại bệnh tim có tính chất di truyền trong gia đình.

Bệnh cơ tim phì đại là khi một phần cơ tim trở nên dày và cứng, gây ảnh hưởng đến vách liên thất (là vách ngăn giữa hai buồng tâm thất). Khi vách ngăn trở nên quá dày và cứng, nó tạo ra những vấn đề làm hạn trở lưu lượng máu đi ra khỏi tim, làm giảm khả năng lưu thông máu từ tim đến các phần khác của cơ thể. Hiện tượng này dẫn đến các triệu chứng như khó thở và mệt mỏi.


ASA thường được chỉ định cho bệnh nhân bệnh cơ tim phì đại, đặc biệt là những người đã sử dụng thuốc nhưng vẫn xuất hiện nhiều triệu chứng mệt mỏi và khó thở
ASA thường được chỉ định cho bệnh nhân bệnh cơ tim phì đại, đặc biệt là những người đã sử dụng thuốc nhưng vẫn xuất hiện nhiều triệu chứng mệt mỏi và khó thở

Phương pháp được thực hiện để khôi phục lưu lượng máu bình thường, bằng cách làm tổn thương và thu nhỏ các mô bị dày. Quy trình này không tác động đến các mô bình thường và thường được chỉ định cho những bệnh nhân HCM, đặc biệt là những người đã sử dụng thuốc nhưng vẫn có triệu chứng khó thở và/hoặc mệt mỏi.

3. Ưu điểm và nhược điểm của đốt cồn vách liên thất để điều trị bệnh cơ tim phì đại

3.1 Ưu điểm:

Thủ thuật này làm giảm các triệu chứng của bệnh cơ tim phì đại mà không cần phải thực hiện phẫu thuật mổ mở tim. Do đó, với tính chất xâm lấn tối thiểu, phương pháp này sẽ có thời gian phục hồi ngắn hơn và ít biến chứng hơn so với quá trình phẫu thuật cắt bỏ một phần vách liên thất. Đây là một lựa chọn mang lại nhiều lợi ích cho những bệnh nhân không thích hợp cho phẫu thuật tim hở.

3.2 Nhược điểm:

Đối với hầu hết mọi người, việc thực hiện đốt cồn vách liên thất là một phương pháp điều trị hiệu quả và ít biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, giống như bất kỳ thủ thuật y tế khác, ASA cũng tồn tại một số rủi ro, bao gồm:

  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng tại vị trí ống thông được đưa vào từ cánh tay, chân hoặc cổ của bệnh nhân. Hãy thảo luận với các chuyên gia y tế về cách chăm sóc đường vào can thiệp sau khi thực hiện thủ thuật.
  • Các cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu của bệnh nhân.
  • Tổn thương hoặc thủng tim, có thể yêu cầu phẫu thuật tim hở để điều trị.
  • Block nhĩ thất, một vấn đề liên quan đến tín hiệu dẫn truyền trong tim, có thể làm tim đập quá chậm hoặc quá nhanh và có thể yêu cầu sử dụng máy tạo nhịp.
  • Tràn dịch màng ngoài tim, tình trạng dịch tăng dần ở màng bao quanh tim

Mặc dù không phổ biến, nhưng những biến chứng này vẫn cần phải được xét nghiệm, theo dõi và điều trị. Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về những nguy cơ có thể phát sinh từ các biến chứng này.


Hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ các nguy cơ từ thủ thuật đốt cồn vách liên thất điều trị bệnh cơ tim phì đại
Hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ các nguy cơ từ thủ thuật đốt cồn vách liên thất điều trị bệnh cơ tim phì đại

Nhìn chung, đốt cồn vách liên thất trong bệnh cơ tim phì đại là một thủ thuật an toàn và hiệu quả, có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh. Tuy nhiên, ASA cũng có thể gây ra một số biến chứng, cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ bệnh tim mạch.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe