Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Đông máu nội mạch lan tỏa hay đông máu rải rác trong lòng mạch là một trong những tình trạng rối loạn hệ thống đông cầm máu nặng nề, đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều cục máu đông máu nhỏ bên trong lòng mạch máu khắp cơ thể. Triệu chứng lâm sàng của đông máu nội mạch lan tỏa khá đa dạng, tùy theo từng bối cảnh bệnh. Điều trị đông máu nội mạch lan tỏa bao gồm điều trị hỗ trợ cải thiện triệu chứng và giải quyết nguyên nhân nền.
1. Tổng quan về đông máu nội mạch lan tỏa
Đông máu nội mạch lan tỏa hay đông máu rải rác trong lòng mạch có tên tiếng anh là disseminated intravascular coagulation (DIC). Đây là một dạng rối loạn hoạt động của hệ thống đông cầm máu theo dòng chảy huyết khối – xuất huyết và là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau. Hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa đặc trưng bởi sự hình thành các cục huyết khối với kích thước nhỏ rải rác khắp bên trong lòng các mạch máu nhỏ, theo sau đó là biểu hiện của tình trạng xuất huyết ở nhiều hệ cơ quan, xuất huyết trên da và niêm mạc. Tình trạng tắc mạch do sự xuất hiện của các cục máu đông cũng được ghi nhận mặc dù xảy ra rải rác ở một vài thời điểm. Bệnh nhân mắc hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa thường tử vong do xuất huyết nặng nề.
Hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa là vấn đề nghiêm trọng có thể gặp phải ở mọi chuyên khoa trong lĩnh vực y tế. Việc phát hiện và chẩn đoán hội chứng này thường được gợi ý dựa trên các triệu chứng và bệnh cảnh lâm sàng. Không có xét nghiệm cận lâm sàng nào đủ độ nhạy và độ đặc hiệu giúp chẩn đoán xác định. Điều trị hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa cần tập trung vào điều trị nguyên nhân bên dưới, kết hợp song song với việc bổ sung các yếu tố đông máu để hạn chế tình trạng xuất huyết.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa
Đông máu nội mạch lan tỏa không phải là một bệnh lý mà là một hội chứng xuất hiện thứ phát sau nhiều bệnh lý khác nhau. Sự hình thành huyết khối bên trong lòng các mạch máu nhỏ xảy ra do sự kích hoạt hệ thống đông máu bởi nhiều yếu tố như bạch cầu, tiểu cầu, yếu tố thành mạch, mô tổ chức, vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm ... Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và nhận thấy rằng hội chứng đông máu rải rác trong lòng mạch hiện diện ở các bệnh lý ác tính, nhiễm khuẩn huyết hay sốc nhiễm trùng, toan hóa máu, tan máu cấp, bệnh lupus hệ thống, các bệnh tự miễn, bệnh lý sản khoa như băng huyết sau sinh, sảy thai, thậm trí tắc mạch do nuốc ối sau chuyển dạ. Các nguyên nhân khác gây ra đông máu nội mạch lan tỏa nhưng ít gặp hơn có thể là bỏng, viêm tụy cấp, nọc độc rắn, rối loạn thân nhiệt, đa chấn thương...
Trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa, hiện tượng khởi đầu là sự rối loạn hoạt động đông máu dẫn đến việc hình thành các cục máu đông. Tiếp theo sau đó, tiểu cầu và các yếu tố đông máu được cơ thể huy động với lượng nhiều hơn và gây xuất huyết nghiêm trọng ở da, niêm mạc và bên trong các nội tạng. Chính vì thế, biểu hiện chính trên lâm sàng của đông máu nội mạch lan tỏa là hiện tượng chảy máu nặng nề nhiều vị trí trên cơ thể.
3. Triệu chứng lâm sàng của hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa
Xuất huyết ở da, niêm mạc là biểu hiện điển hình dễ nhận thấy trong hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa. Người bệnh đột nhiên xuất hiện các mảng bầm tím trên da, đặc biệt ở những vị trí tiêm chích, đặt catheter và chảy máu rỉ rả ở niêm mạc miệng, lợi. Xuất huyết ở các hệ cơ quan như tiêu hóa và đường tiểu với đi cầu ra máu, nôn ra máu, đái máu cũng thường được ghi nhận.
Bên cạnh đó, những người mắc phải hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa còn được phát hiện bởi dấu hiệu đổi màu xanh tím ở các đầu ngón tay, đầu ngón chân do thiếu máu nuôi dưỡng, tắc nghẽn mạch do sự hình thành của các huyết khối.
Tổng trạng của bệnh nhân trong hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa khá nặng nề. Các nguyên nhân bên dưới khác nhau khiến cho từng người bệnh có biểu hiện khác nhau. Khi chảy máu diễn tiến nặng nề và không được kiểm soát tốt, người bệnh dễ rơi vào trạng thái sốc mất máu và suy đa cơ quan, đe dọa đến tính mạng.
4. Chẩn đoán hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa
Hiện nay, việc chẩn đoán hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa chưa có tiêu chuẩn cụ thể và rõ ràng. Việc thiết lập chẩn đoán cần được tiến hành nhanh chóng dựa trên sự phối hợp của tiền sử bệnh, các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.
Đông máu nội mạch lan tỏa thường xuất hiện trong nhiều bối cảnh bệnh lý đa dạng, phổ biến có thể kể đến các bệnh lý ác tính, nhiễm khuẩn máu, sốc nhiễm trùng, bệnh lý ác tính, chấn thương nặng nề, bệnh lý sản khoa như băng huyết sau sinh, sẩy thai không hoàn toàn, thai ngừng phát triển trong tử cung.
Biểu hiện lâm sàng của hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa bao gồm dấu hiệu xuất huyết các hệ cơ quan, mảng bầm tím trên da và niêm mạc, xanh tím và hoại tử đầu ngón tay, suy đa tạng, ...
Xét nghiệm cận lâm sàng thường được chỉ định trong chẩn đoán hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa bao gồm định lượng fibrin, D-Dimer, PDF. Các bất thường xuất hiện trong hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa bao gồm giảm tiểu cầu trong máu, thời gian prothrombin kéo dài, fibrin giảm, D-Dimer tăng, PGF tăng. Các xét nghiệm này cần thực hiện lặp lại trong suốt quá trình điều trị để đánh giá mức độ tiêu thụ các yếu tố đông máu cũng như hiệu quả của việc điều trị.
5. Các phương pháp điều trị hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa
Hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa được xem như là một hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau vì thế cơ chế bệnh sinh dẫn đến hội chứng này cũng không giống nhau ở mọi người bệnh. Điều trị hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa cần tập trung vào việc điều trị nguyên nhân gây ra và điều chỉnh rối loạn đông máu do thiếu hụt tiểu cầu và các yếu tố đông máu khác. Trong đó, việc điều trị bệnh nguyên đóng vai trò quan trọng, giải quyết được dứt điểm tình rối loạn đông máu này.
Việc bổ sung tiểu cầu và các yếu tố đông cầm máu là việc làm thiết yếu ở giai đoạn cấp tính của bệnh, dù chưa xác định được nguyên nhân hay cơ chế bệnh sinh gây ra bệnh. Máu tươi toàn phần, huyết tương tươi, tiểu cầu khối và fibrinogen là những chế phẩm máu thường được lựa chọn để bồi phụ cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.