Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với 3 triệu chứng: Tăng huyết áp, protein niệu và phù.
1. Thế nào là tiền sản giật?
Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Các trường hợp tiền sản giật nặng sẽ ảnh hưởng đến tim, gan, thận, phổi của thai phụ. Ngoài ra, có thể gây co giật (còn gọi là sản giật) khiến cho não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiền sản giật còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, tình trạng này kéo dài khiến cho thai nhi bị suy dinh dưỡng, nước ối giảm và thậm chí chết lưu trong tử cung.
Hiện nay, chưa có phương tiện hay thuốc nào có thể điều trị được tiền sản giật.
Với tình trạng tiền sản giật nhẹ: (tức là tình trạng tiền sản giật chỉ có tăng huyết áp không vượt quá 160/110 mmHg kèm theo có đạm trong nước tiểu) có thể được điều trị ngoại trú, không cần nhập viện, nhưng cần được theo dõi sát sao.
Nếu tình có nguy cơ tiền sản giật cao, thì phương pháp điều trị tốt nhất, dứt điểm nhất là chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm chấm dứt thai kỳ cũng cần được đảm bảo yếu tố nguy cơ lên sức khỏe của mẹ và sức khỏe của bé.
Nếu quá sớm, bé sẽ gặp nhiều biến chứng gây ra do tình trạng sinh non, nếu quá muộn, thì tình trạng tiền sản giật có thể đe dọa tính mạng người mẹ, đặc biệt trong tiền sản giật nặng.
Do vậy, thời điểm chấm dứt thai kỳ vẫn là một bài toán nan giải cần cân nhắc kỹ lưỡng với cả bác sĩ và gia đình. Cho nên, để thai kỳ diễn ra trọn vẹn, an toàn, thai phụ cần được theo dõi thường xuyên, chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
2. Nguyên nhân gây tiền sản giật
Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân của bệnh của tiền sản giật một cách rõ ràng. Thực tế, bất cứ thai phụ nào cũng có thể bị tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ bị bệnh sẽ cao hơn ở một số đối tượng có nguy cơ cao.
Trắc nghiệm: Dấu hiệu tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là 1 trong những biến chứng của thai kỳ đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật hay gặp ở sản phụ mang thai sau 20 tuần, việc nhận biết các dấu hiệu sớm của tiền sản giật là vô cùng quan trọng để can thiệp kịp thời, bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con.Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
3. Nguy cơ tiền sản giật là gì?
Phụ nữ cần chú ý thăm khám sớm nếu có nguy cơ tiền sản giật thông qua các dấu hiệu bên ngoài như:
- Huyết áp đột ngột tăng cao
- Có protein trong nước tiểu, lượng nước tiểu ít.
- Đau đầu, đau bụng trên, nôn và buồn nôn.
- Thị lực giảm sút. Ví dụ: Tạm thời mất thị lực, mắt mờ đi, nhạy cảm với ánh sáng.
- Giảm tiểu cầu trong máu.
- Chức năng gan suy giảm.
- Khó thở.
- Phù toàn thân.
Yếu tố nguy cơ từ mẹ
- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hội chứng kháng thể kháng phospholipid, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó,...
- Thai phụ bị tăng huyết áp trước khi mang thai
- Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột... bị tiền sản giật.
- Bản thân thai phụ từng bị mắc tiền sản giật.
- Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung- nhau
- Phụ nữ đang mang thai lần đầu tiên
- Phụ nữ mang thai ở độ 40 tuổi trở đi
- Người mẹ có thói quen sinh hoạt không tốt cho sức khỏe: Hút thuốc lá, rượu bia,...
Yếu tố nguy cơ từ thai nhi
Nguy cơ tiền sản giật cũng cao hơn ở một số trường hợp như:
- Đa thai đa ối
- Chửa trứng, biểu hiện tiền sản giật thường biểu hiện sớm.
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung- nhau
4. Phải làm gì để biết chính xác nguy cơ tiền sản giật
Tiền sản giật là bệnh lý nguy hiểm, tuy nhiên có thể phát hiện sớm bằng cách đi thăm khám lâm sàng định kỳ tại cơ sở y tế và thực hiện một số xét nghiệm tầm soát, kiểm tra ngay ở quý I thai kỳ như:
- Đo huyết áp
- Xét nghiệm máu đo nồng độ PlGF (Placental growth factor - yếu tố tăng trưởng bánh nhau) và sFlt-1 trong máu mẹ. Thông thường PlGF tăng trong 2 quý đầu của thai kỳ và giảm dần ở quý 3 của thai kỳ. Ở các thai phụ có nguy cơ tiền sản giật, chất này sẽ giảm nhiều trong máu mẹ trong suốt thai kỳ.
- Đo huyết áp động mạch trung bình
- Siêu âm bụng đo chỉ số xung động mạch tử cung.
Tóm lại, tiền sản giật là một biến cố sản khoa nghiêm trọng xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ, cần được theo dõi sát sao vì tiền sản giật có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hại cho cả mẹ và bé. Việc phòng ngừa biến chứng có thể diễn ra sớm nếu bạn tuân thủ khám thai đầy đủ và theo dõi thai kỳ theo sự tư vấn của bác sĩ.