Tay chân miệng là một bệnh lý thường gặp ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có nước ta. Chính vì vậy, đối tượng và độ tuổi nào dễ mắc bệnh tay chân miệng, cũng như cách phòng tránh bệnh ra sao là vấn đề được nhiều người quan tâm.
1. Tổng quan về bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính được gây ra bởi virus thuộc nhóm Enterovirus. Con đường lây truyền của bệnh là từ người sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hoặc gián tiếp với đồ dùng và vật dụng đã nhiễm virus có trong dịch tiết mũi họng cũng như các bọng nước vỡ của người bệnh. Triệu chứng điển hình của người mắc bệnh tay chân miệng là:
- Sốt kèm theo đau họng;
- Xuất hiện vết loét ở miệng, lợi (nướu) và lưỡi;
- Có nốt phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới WHO đã thống kê được rằng bệnh tay chân miệng phổ biến tại rất nhiều quốc gia châu Á, cách vài năm lại xuất hiện đợt dịch ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu. Trong mười năm trở lại đây, khu vực Tây Thái Bình Dương đã có báo cáo về những vụ bùng phát dịch tay chân miệng. Bên cạnh đó, những quốc gia châu Á đã ghi nhận số trường hợp mắc tay chân miệng tăng nhanh thời gian vừa qua bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan, và cả Việt Nam.
Ở nước ta, số ca mắc bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Sau khi một người nhiễm bệnh, nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng mạnh mẽ nhất là trong một tuần đầu tiên và virus khu trú trong phân có thể tồn tại đến vài tuần.
2. Tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng
Tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng là các virus thuộc nhóm Enterovirus, bao gồm nhiều loại khác nhau như:
- Poliovirus;
- Coxsackievirus;
- Echovirus;
- Và các loại Enterovirus khác.
Nhìn chung, bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus Coxsackievirus A16 thường có ít biến chứng và sẽ tự động khỏi. Thế nhưng, tay chân miệng cũng có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, trong đó có virus Enterovirus 71 (EV71), đi kèm với rất nhiều di chứng nguy hiểm và đôi khi đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
3. Đối tượng dễ mắc bệnh tay chân miệng
3.1. Bệnh tay chân miệng trẻ em
Trẻ em là đối tượng có nhiều nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh tay chân miệng hơn người lớn. Lý do là vì các bé có sức đề kháng và khả năng miễn dịch khá yếu nên dễ bị virus tấn công. Bệnh tay chân miệng xuất hiện phổ biến ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là các bé nhỏ hơn 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì các triệu chứng của bệnh càng nghiêm trọng hơn, song không phải tất cả các bé đã nhiễm virus thì cũng đều có biểu hiện của tay chân miệng.
Cần lưu ý là cơ thể con người sẽ không miễn dịch tuyệt đối với virus tay chân miệng, điều này có nghĩa là một người có khả năng mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. Giải thích cho vấn đề này, các bác sĩ cho rằng tay chân miệng được gây ra bởi nhiều tác nhân virus khác nhau, trong khi mỗi lần mắc bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Vì vậy dù đã từng nhiễm bệnh, bệnh nhân vẫn có nguy cơ mắc tay chân miệng trở lại nếu bị tấn công bởi một virus khác thuộc nhóm Enterovirus.
3.2. Bệnh tay chân miệng ở người lớn
Ngoài trẻ nhỏ, tất cả những đối tượng khác dù đã hoặc chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ bị lây nhiễm nếu tiếp xúc trực tiếp với virus hay gián tiếp qua các dụng cụ mà bệnh nhân chạm vào trước đó. Mặc dù những trường hợp người lớn nhiễm virus tay chân miệng ở không hiếm, tuy nhiên hầu hết thanh thiếu niên và người trưởng thành đều đã được miễn dịch nên sẽ không có nhiều dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng.
Đặc biệt hơn, phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và truyền virus sang cho thai nhi ngay trước khi chuyển dạ hoặc trong khi sinh. Do đó cần chú ý phòng tránh bệnh bằng cách không nên đến nơi đông người khi có dịch hoặc tiếp xúc gần gũi với các trẻ đang bị nhiễm bệnh.
4. Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh tay chân miệng, do đó người bệnh chỉ được yêu cầu uống nhiều nước và dùng thêm thuốc nhằm kiểm soát triệu chứng, giúp hạ sốt và giảm đau do các vết loét. Nếu bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng hơn, cần can thiệp y tế kịp thời cũng như áp dụng các biện pháp vệ sinh thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Với mục tiêu phòng chống tích cực, giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh tay chân miệng trẻ em và trẻ nhỏ, Cục Y tế dự phòng - thuộc Bộ Y tế đặc biệt khuyến cáo quý phụ huynh và người thân chủ động thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như sau:
4.1. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn
Cả người lớn và trẻ em đều phải rửa tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước sạch chảy, nhất là khi:
- Trước lúc chế biến thức ăn;
- Trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn;
- Trước khi bồng bế trẻ;
- Sau khi đi vệ sinh;
- Sau khi vừa ra ngoài trở về nhà;
- Sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
4.2. Vệ sinh ăn uống
- Đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng;
- Ăn chín, uống chín;
- Rửa sạch hoặc ngâm tráng nước sôi đồ dùng ăn uống trước khi sử dụng ;
- Dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày;
- Không mớm thức ăn cho trẻ;
- Không để trẻ ăn bốc, mút tay và ngậm đồ chơi;
- Không cho trẻ sử dụng chung đồ dùng cá nhân chưa được khử trùng, chẳng hạn như khăn tay, cốc, bát, đĩa, thìa và đồ chơi...
4.3. Làm sạch môi trường sống
Gia đình, trường mẫu giáo, và các cơ sở trông trẻ tại nhà cần chú ý thường xuyên dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như:
- Đồ chơi của trẻ;
- Dụng cụ học tập;
- Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang;
- Mặt bàn/ghế, sàn nhà;
- Nhà vệ sinh.
Ngoài ra, cần lau dọn, thu gom phân và xử lý chất thải của trẻ về đúng nơi hợp vệ sinh.
Vì trẻ em nhỏ dưới 6 tuổi là đối tượng dễ bị virus tay chân miệng tấn công, cho nên phụ huynh và các cô giáo phải chủ động thường xuyên theo dõi sức khỏe của các bé để kịp thời phát hiện bệnh tay chân miệng trẻ em. Trẻ có biểu hiện bị bệnh không nên đến lớp, hạn chế tiếp xúc và chơi đùa cùng với các trẻ khác. Người mắc bệnh tay chân miệng phải được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm, cũng như tổ chức cách ly ít nhất là 10 ngày nhằm phòng tránh lây lan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.