Chú ý trong điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi hiện tượng sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Bệnh tay chân miệng chia 4 độ, độ 1 là nhẹ nhất, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em trong khoảng 1-5 tuổi, do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra. Giống virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất là virus Enterovirus 71 (EV-71), Coxsackie virus A16.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh tay chân miệng thường là:

  • Sốt: nhẹ, vừa hoặc cao.
  • Sang thương da: Hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
  • Sang thương ở niêm mạc: vết loét đỏ hay bóng nước đường kính 2-3 mm ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, nướu, lưỡi.
  • Dấu hiệu biến chứng: thần kinh, tim mạch, hô hấp.

2. Phân độ bệnh tay chân miệng


Phân độ bệnh tay chân miệng
Phân độ bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ:

  • Bệnh tay chân miệng độ 1: Chỉ loét miệng và hoặc tổn thương da
  • Bệnh tay chân miệng độ 2: Gồm có độ 2a và độ 2b. Ở giai đoạn này, hệ thần kinh trung ương dần bị tổn thương với các biểu hiện như giật mình chới với. Đây là biểu hiện của thất điều, thần kinh sọ (vận nhãn, nuốt, khàn giọng,...).
  • Bệnh tay chân miệng độ 3: Ở giai đoạn này, bệnh đã gây tổn thương sang hệ thần kinh thực vật. Khi đó, ở hệ tuần hoàn, mạch bị nhanh và huyết áp tăng cao. Ở hệ hô hấp, bệnh nhân thường thở nhanh và bất thường. Kèm theo đó, bệnh nhân cũng bị rối loạn vận mạch với các biểu hiện vã mồ hôi.
  • Bệnh tay chân miệng độ 4: Đây là giai đoạn nặng, bệnh nhân bị suy hô hấp, tuần hoàn.

3. Điều trị bệnh tay chân miệng cấp độ 1 cần lưu ý gì?

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc trị, mà chỉ có thể điều trị hỗ trợ. Kèm theo đó, người bệnh cần được theo dõi sát sao, phát hiện sớm các yếu tố bất thường và điều trị biến chứng. Một số yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ để phòng biến chứng là:

  • Nhiệt độ.
  • Nôn, giật mình
  • Theo dõi mạch, huyết áp.

Ngoài ra, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ nhằm nâng cao thể trạng cho người bệnh là điều vô cùng quan trọng.

Khi bệnh tay chân miệng mới ở độ 1, trên da xuất hiện những vết loét miệng hoặc tổn thương, mẩn đỏ, bọng nước, chưa có tổn thương các cơ quan hay chức năng hệ thống khác. Đây là giai đoạn bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị tay chân miệng ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân có sốt cao, thì phải hạ sốt, thường dùng Paracetamol. Liều cho trẻ em là 10 -15 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ.


Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế
Bệnh tay chân miệng cấp độ 1 có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế

Trẻ em bị tay chân miệng nên có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ ăn. Trẻ còn đang bú thì vẫn cần được cho ăn sữa mẹ, có thể cho trẻ bú nhiều hơn.

Ngoài ra, trẻ có thể có thể bị vết loét ở niêm mạc, do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Nghỉ ngơi và tránh kích thích cũng là điều vô cùng quan trọng.

Cha mẹ nên cho trẻ bị tay chân miệng tái khám mỗi 1 - 2 ngày một lần, trong vòng 8 ngày. Tuy nhiên, khi trẻ có những dấu hiệu nặng như run chi, giật mình, sốt cao, nôn nhiều...cần đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay để được chăm sóc kịp thời.

Thạc sĩ. Bác sĩ Ngô Thị Oanh đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa. Thực hiện thành thạo khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em. Trong quá trình công tác, bác sĩ Oanh thường xuyên cập nhật các kiến thức mới về chẩn đoán và điều trị thông qua các hội nghị chuyên ngành, các lớp đào tạo liên tục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe