Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh có thể diễn tiến gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Các bác sĩ cảnh báo, những bệnh nhân có cơ địa béo phì, người mắc bệnh mãn tính và một số bệnh lý đi kèm, phụ nữ có thai dễ gặp biến chứng nguy hiểm hơn khi mắc sốt xuất huyết.
1. Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi hút máu người, gây lây nhiễm virus Dengue.
- Ở người sốt xuất huyết thể nhẹ: Bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Người bệnh có thể sẽ bị nhức đầu nghiêm trọng, đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, buồn nôn và ói mửa, phát ban và không có biến chứng.
- Sốt xuất huyết có chảy máu: Người bệnh có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.
- Sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue): Đây là dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, bao gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp). Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày, có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Người bệnh bị sốt xuất huyết cần phải được nghỉ ngơi, ăn đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, bổ sung nhiều vitamin để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng của bệnh để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời. Đặc biệt, không dùng thuốc aspirin, analgin, ibuprofen để hạ sốt mà chỉ dùng Paracetamol đơn chất.
2. Biến chứng sốt xuất huyết
- Gây biến chứng về mắt
Mù đột ngột và xuất huyết trong dịch kính mắt là hai biến chứng sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm. Do xuất huyết võng mạc làm cho các mạch máu của võng mạc tổn thương làm suy giảm thị lực.
Dịch kính là chất lỏng nhầy giúp chúng ta có thể nhìn được. Nhưng khi bị xuất huyết làm che phủ lớp dịch này và hòa tan gây ra xuất huyết trong dịch kính mắt khiến cho bệnh nhân gần như bị mù.
- Sốc mất máu
Khi bị sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm sẽ làm tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô máu. Vì vậy máu sẽ bị đẩy ra ngoài qua những biểu hiện như: chảy máu khi chưa đến chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu qua vết thương hở nặng hơn sẽ chảy máu cam, chảy máu chân răng. Thậm chí sẽ khiến cơ thể kiệt quệ, sốt cao dài ngày, buồn nôn, vã mồ hôi.
- Mất ý thức, hôn mê
Biến chứng xuất huyết nặng nhất chính là hôn mê. Nguyên nhân là do dịch huyết tương bị ứ đọng ở màng não qua các thành mạch gây phù não và các hội chứng thần kinh dẫn đến hôn mê.
- Hội chứng tràn dịch màng phổi
Lượng huyết tương tăng nhanh dẫn đến tràn dịch màng phổi, viêm phổi, phù phổi cấp ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
- Dễ sảy thai, sinh non
Đối với phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt quệ, chán ăn do đó không đủ dinh dưỡng để nuôi bào thai. Thậm chí có thể dẫn đến bụng to cổ chướng do huyết tương bị thoát nhanh ra ngoài.
- Suy gan, thận, tim
Khi bị xuất huyết sẽ làm máu chảy liên tục, tim sẽ không đủ sức bơm máu dẫn đến suy tim. Ngoài ra, tim còn bị tràn dịch gây ứ đọng do dịch huyết tương xuất huyết ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng.
Cùng với đó, để bài tiết huyết tương qua nước tiểu thận cũng phải làm việc hết công suất. Vì thế bệnh nhân có thể bị suy thận cấp, rất nguy hiểm.
- Đau đầu, chóng mặt, tụt huyết áp
Nhức đầu cực độ dẫn đến xuất huyết não và tử vong là biến chứng sốt xuất huyết não nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân sẽ cảm thấy huyết áp giảm đột ngột, nhức đầu, khó khăn trong việc đứng và đi lại.
3. Đối tượng dễ gặp biến chứng do sốt xuất huyết
- Người béo phì
Sốt xuất huyết ở người béo phì, dư cân, bác sĩ sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với người có cân nặng bình thường và việc điều trị sốt xuất huyết sẽ phức tạp hơn. Nguyên nhân là do người béo phì bị rối loạn về nhiều mặt như rối loạn chuyển hóa mỡ, đạm, đường, điện giải, rối loạn nhịp thở, rối loạn miễn dịch...
Tỉ lệ sốc do sốt xuất huyết ở người có cân nặng bình thường là 4,6% thì ở người béo phì lên đến gần 15%.
- Người mắc bệnh mãn tính, bệnh lý đi kèm
Sốt xuất huyết ở người bị viêm loét dạ dày tá tràng, người bị rối loạn đông cầm máu, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, suy gan, men gan tăng cao, phụ nữ có thai... dễ có biến chứng khi bị sốt xuất huyết.
Đối với sốt xuất huyết ở người bị viêm loét dạ dày tá tràng, đây là bệnh cảnh sốt xuất huyết Dengue nặng, bệnh nhân sẽ bị xuất huyết tiêu hóa, làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng.
- Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
- Để phòng bệnh, nên tránh đi ngoài trời lúc bình minh, hoàng hôn và buổi tối, vì khi đó có nhiều muỗi bên ngoài.
- Khi đi vào khu vực muỗi mang mầm bệnh, bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, quần dài, vớ và giày, đảm bảo quần áo phủ kín da.
- Bạn cũng nên thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ.
- Các loại muỗi mang virus sốt xuất huyết thường sống trong và xung quanh nhà. Chúng thường sống trong các vũng nước đọng, chẳng hạn như trong lu, thùng phuy hoặc gần hồ cá. Hãy làm sạch hồ cá thường xuyên cũng như dọn dẹp các vũng nước đọng để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước, hạn chế hoặc vứt bỏ các vật dụng có thể chứa nước mưa (ví dụ như lốp xe cũ, chén bát, thau chậu cũ...).
- Dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Khi có dịch thì đôi khi bạn phải nhờ đến chính quyền địa phương để phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc bệnh. Mỗi người hãy cố gắng nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh. Khi thấy có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết, hãy đi đến khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Nhật đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm. Hiện đang là Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.