Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.
Uốn ván là một căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Căn bệnh này thường xảy ra ở những người chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa uốn ván hoặc những người không tiêm nhắc lại sau 10 năm.
1. Uốn ván là gì?
Uốn ván là một trong những căn bệnh nhiễm trùng có mức độ cực kỳ nghiêm trọng, do Clostridium tetani gây ra. Các vi khuẩn thường tồn tại ở trong đất, phân, cát bụi và các tác nhân môi trường khác. Khi vết thương hay vùng da bị trầy xát tiếp xúc trực tiếp với loại trực khuẩn này, chúng sẽ xâm nhập vào bên trong và phát triển thành ổ nhiễm trùng gây ra độc tố uốn ván.
Nếu các bào tử Clostridium tetani đọng lại ở vết thương, chúng sẽ tiết ra một loại độc tố protein có tên là tetanospasmin, có thể làm cản trở các dây thần kinh kiểm soát chuyển động cơ bắp, khiến tăng trương lực cơ và gây ra các cơn co cứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hầu hết, các độc tố thường hoạt động ở một số vị trí nhất định trong hệ thần kinh trung ương, bao gồm não, tủy sống, cũng như hệ thần kinh giao cảm. Thời gian ủ bệnh uốn ván thường diễn ra từ 4-21 ngày. Đa số những người mắc bệnh đều thuộc nhóm đối tượng chưa được tiêm phòng uốn ván hoặc những người không cập nhật các mũi tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm của họ.
2. Độc tố uốn ván ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thế nào?
Các triệu chứng uốn ván thường xuất hiện sau khoảng 7-10 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng ban đầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bệnh có thể khởi phát từ 4 ngày đến khoảng 3 tuần, thậm chí mất vài tháng. Nhìn chung, khi vị trí tổn thương càng xa hệ thống thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng kéo dài. Đối với những bệnh nhân có thời gian ủ bệnh ngắn hơn sẽ có xu hướng mắc phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến cơ bắp, bao gồm co thắt cơ và cứng khớp, bắt đầu với các cơ nhai. Sau đó, cơn co thắt sẽ lan đến cổ và cổ họng, khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi nuốt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị co thắt ở cơ mặt.
Những triệu chứng như khó thở bắt nguồn từ tình trạng cứng cơ cổ và ngực. Ở một số người, các cơ bụng và cơ chân tay cũng có thể bị ảnh hưởng bởi uốn ván.
Trong trường hợp nghiêm trọng, độc tố uốn ván có thể gây biến chứng, điều này thường xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ bị nhiễm uốn ván. Đa số những người bị uốn ván sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng sau:
- Tiêu chảy
- Trong phân lẫn máu
- Đau đầu
- Sốt
- Đau họng
- Đổ mồ hôi
- Tim đập loạn nhịp.
3. Nguyên nhân gây uốn ván
Nguyên nhân gây bệnh uốn ván là do vi khuẩn Clostridium tetani. Các bào tử của loại vi khuẩn này có thể tồn tại trong một thời gian dài ở bên ngoài cơ thể. Chúng thường xuất hiện trong phân của động vật và các vùng đất bị ô nhiễm, thậm chí ở bất cứ khu vực nào.
Khi Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhân lên nhanh chóng và giải phóng ra tetanospasmin, một chất độc thần kinh. Khi loại độc tố này xâm nhập vào máu, nó sẽ lan ra khắp cơ thể một cách nhanh chóng và gây ra các triệu chứng uốn ván. Tetanospasmin có thể can thiệp vào các tín hiệu truyền từ não bộ đến các dây thần kinh trong tủy sống, sau đó đến các cơ, gây co thắt và cứng cơ.
Trực khuẩn uốn ván chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương rách hoặc vết cắt trên da. Do đó, việc làm sạch vết thương là cực quỳ quan trọng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phát triển. Dưới đây là một số tác nhân dẫn đến mắc bệnh uốn ván, bao gồm:
- Vết thương đã bị nhiễm phân hoặc nước bọt
- Bỏng
- Vết thương có các mô chết
- Vết thương bị thủng hoặc hở
Những tác nhân hiếm gặp khác dẫn đến bệnh uốn ván, bao gồm:
- Phẫu thuật
- Vết thương nông
- Côn trùng cắn
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch
- Tiêm cơ bắp
- Gãy xương hở
- Nhiễm trùng răng.
4. Những đối tượng có rủi ro cao bị uốn ván
Hầu hết uốn ván ảnh hưởng chủ yếu tới những người chưa từng tiêm vắc-xin ngừa uốn ván, hoặc những người không tiêm nhắc lại sau 10 năm. Nguy cơ mắc uốn ván cao nhất thường xảy ra ở những người có độ tuổi từ 65 trở lên. Ngoài ra, bệnh tiểu đường, sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hoặc có tiền sử dùng thuốc ức chế miễn dịch có thể là những yếu tố gây rủi ro mắc bệnh cao.
5. Biến chứng của uốn ván
Bệnh uốn ván nếu không được điều trị tích cực ngay từ sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau:
- Gãy xương
- Tăng huyết áp
- Thuyên tắc phổi
- Viêm phổi hít
- Co thắt thanh quản
- Nhiễm trùng bệnh viện
- Suy thận nặng
- Tử vong.
6. Các phương pháp điều trị bệnh uốn ván
Bất cứ vết thương hở hay vết cắt nào cũng cần phải được làm sạch hoàn toàn để ngăn ngừa sự nhiễm trùng. Khi có vết thương bị uốn ván, bệnh nhân cần được điều trị bởi một chuyên gia y tế ngay lập tức.
Đối với những người có các yếu tố nguy cơ cao mắc uốn ván nên được tiêm globulin miễn dịch uốn ván (TIG) càng sớm càng tốt, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng. Trong TIG có chứa các kháng thể tiêu diệt vi khuẩn Clostridium tetani, nó được tiêm vào tĩnh mạch và cung cấp sự bảo vệ ngắn hạn ngay lập tức chống lại uốn ván. Globulin miễn dịch uốn ván chỉ có tác dụng ngắn hạn và không thể thay thế cho các vắc-xin tiêm chủng có tác dụng dài hạn khác. Các chuyên gia cho biết, TIG là an toàn đối với những bà mẹ đang mang thai và cho con bú.
Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể kê toa Metronidazole hoặc Penicillin để điều trị uốn ván. Đây là các loại kháng sinh có tác dụng ngăn chặn không cho các vi khuẩn sinh sôi và tạo ra chất độc thần kinh gây co thắt cơ hoặc cứng khớp. Đối với những bệnh nhân bị dị ứng với hai loại kháng sinh này có thể sử dụng tetracyclin để thay thế.
Trong việc điều trị cho co thắt cơ và cứng khớp, bệnh nhân có thể được chỉ định:
- Các loại thuốc chống co giật, ví dụ như Diazepam (Valium), có tác dụng giúp thư giãn các cơ, ngăn ngừa co thắt, giảm lo lắng và có vai trò như một loại thuốc an thần.
- Thuốc giãn cơ, chẳng hạn như Baclofen, giúp ức chế tín hiệu thần kinh từ não đến tủy sống, từ đó làm giảm căng cơ.
- Các loại thuốc như pancuronium hoặc vecuronium rất hữu ích trong việc kiểm soát co thắt cơ bắp.
Phương pháp phẫu thuật: Khi vết thương có nguy cơ bị uốn ván nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để loại bỏ càng nhiều cơ bị tổn thương và nhiễm trùng càng tốt.
Chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân bị uốn ván cần bổ sung một lượng lớn calo hàng ngày để giúp tăng hoạt động của cơ bắp.
Máy thở: Bệnh nhân có thể phải nhờ đến sự trợ giúp của máy thở nếu dây thanh âm hoặc cơ hô hấp bị ảnh hưởng.
7. Phòng ngừa uốn ván
Uốn ván có thể gây ra tỷ lệ tỷ vọng rất cao, lên đến 90%, đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc-xin ngừa uốn ván cho trẻ sơ sinh là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, các vắc-xin được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ là DTaP (bạch hầu, uốn ván, ho gà). Vắc-xin này bao gồm 5 mũi tiêm, thường được tiêm ở cánh tay hoặc đùi khi trẻ ở các độ tuổi:
- 2 tháng
- 3 tháng
- 4 tháng
- 18 - 24 tháng
- 4 - 6 tuổi
Một mũi tiêm củng cố thường được áp dụng khi trẻ ở độ tuổi từ 11-18 tuổi, sau đó những mũi tiêm thêm khác sẽ được thực hiện cứ sau 10 năm. Đối với những cá nhân đi du lịch hoặc công tác đến khu vực có tỷ lệ mắc uốn ván cao, họ nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêm phòng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, cdc.gov