Công dụng thuốc Esomez

Thuốc Esomez 200mg thường được sử dụng để làm tiêu chất nhầy, giải độc trong quá liều Paracetamol, điều trị tại chỗ chứng khô mắt. Thuốc Esomez được dùng qua đường uống dưới sự kê đơn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

1. Thuốc Esomez có tác dụng gì?

Esomez là thuốc thuộc nhóm hô hấp được cấp phép lưu hành dưới dạng kê đơn. Thuốc có thành phần chính là Acetylcystein với hàm lượng 200mg. Thuốc được điều chế dưới dạng bột, mỗi gói 1g.

Thuốc Esomez 200mg thường được chỉ định điều trị cho những trường hợp sau:

  • Tiêu chất nhầy trong điều trị các rối loạn hô hấp liên quan đến tăng tiết dịch chất nhầy quánh, đờm;
  • Điều trị ngộ độc Paracetamol;
  • Điều trị chứng khô mắt (hội chứng Sjogren, viêm kết giác mạc khô) kết hợp với tiết chất nhầy bất thường;
  • Làm sạch thường quy trước khi mở khí quản.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Esomez

Cách dùng: Người dùng pha bột thuốc Esomez vào trong 10-15ml nước (khoảng 2-3 muỗng cafe), khuấy đều và uống ngay.

Liều dùng:

  • Trẻ từ 2-6 tuổi: Uống 200mg x 2 lần/ngày;
  • Thanh thiếu niên >12 tuổi và người lớn: Uống 200mg x 3 lần/ngày.

Liều dùng khuyến cáo tối đa 600mg/ngày. Thời gian điều trị bằng thuốc Esomez còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của bệnh và phải được bác sĩ chỉ định nếu dùng cho đối tượng thanh thiếu niên, người lớn.

Để giải độc quá liều Paracetamol, người dùng uống theo liều như sau:

  • Liều đầu tiên: Uống 140mg/kg, dùng dung dịch 5%;
  • Tiếp theo cứ cách 4 giờ, uống 1 lần với liều 70mg/kg thể trọng và uống thêm 17 lần;

Thuốc Esomez được ghi nhận là rất hiệu quả khi dùng trong vòng 8 giờ kể từ khi bị quá liều Paracetamol, thời gian càng kéo dài thì hiệu quả bảo vệ càng giảm dần.

Khi mở gói thuốc, có thể người dùng sẽ thấy có mùi lưu huỳnh (mùi trứng thối). Đây là đặc tính bình thường của hoạt chất. Khi pha với nước, dung dịch sẽ có mùi cam.


Esomez là thuốc thuộc nhóm hô hấp được cấp phép lưu hành dưới dạng kê đơn
Esomez là thuốc thuộc nhóm hô hấp được cấp phép lưu hành dưới dạng kê đơn

3. Tác dụng phụ của thuốc Esomez

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc Esomez 200mg là:

  • Thường gặp: Buồn nôn và nôn;
  • Ít gặp: Buồn ngủ, ù tai, nhức đầu, viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, phát ban, mề đay;
  • Hiếm gặp: Co thắt phế quản, phản vệ toàn thân, sốt, rét run;

Người bệnh nên thông báo sớm cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn khi điều trị bằng thuốc Esomez.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Esomez

Để tránh gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn thì không nên dùng thuốc Esomez cho các đối tượng sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử hen suyễn (có nguy cơ phản ứng co thắt phế quản với tất cả các dạng thuốc chứa hoạt chất Acetylcystein);
  • Bệnh nhân mẫn cảm với thành phần Acetylcystein và các thuốc có hoạt chất tương tự (Erdosteine, Carbocistein hoặc Mecysteine);
  • Người mắc hội chứng không dung nạp fructose di truyền, kém hấp thu glucose-galactose hay thiếu hụt enzym sucrase isomaltase;
  • Người bị phenylceton niệu (vì thuốc này có chứa Aspartam).

Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc Esomez, người dùng cần thận trọng với những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân mắc hen phế quản cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị. Nếu thấy có co thắt phế quản thì cần ngừng dùng thuốc ngay;
  • Khi mới điều trị bằng Acetylcystein, có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản và tăng thể dịch. Nếu người bệnh không thể ho, để tránh tích tụ dịch nhờn trong phổi nên hút để lấy ra;
  • Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về tính hiệu quả và an toàn ở thanh thiếu niên dùng liều 200mg (x3 lần/ngày). Tuy nhiên đã có các báo cáo ghi nhận tác dụng phụ không mong muốn từ nhẹ đến nặng khi sử dụng thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch ở người lớn và thanh thiếu niên;
  • Do thuốc Esomez 200mg có chứa hoạt chất Aspartam có thể chuyển hóa trong dạ dày - ruột thành phenylalanin sau khi uống. Do vậy có thể gây hại với bệnh nhân bị phenylceton niệu;
  • Thuốc Esomez có chứa màu sunset yellow FCF E110 nên có thể gây các phản ứng dị ứng;
  • Hoạt chất Acetylcystein có thể ảnh hưởng phương pháp so màu khi định lượng tổng salicylat và xét nghiệm ceton niệu.

Bệnh nhân có tiền sử hen suyễn không nên dùng thuốc Esomez
Bệnh nhân có tiền sử hen suyễn không nên dùng thuốc Esomez

5. Tương tác thuốc Esomez

Thuốc Esomez có khả năng tương tác với các thuốc sau:

  • Nitroglycerin: Dùng đồng thời sẽ gây hạ huyết áp đáng kể, dẫn đến giãn động mạch tạm thời và khởi phát cơn đau đầu;
  • Tetracycline;
  • Thuốc trị ho: Dùng đồng thời Esomez với thuốc giảm ho có thể làm giảm phản xạ ho, dẫn đến tích tụ dịch tiết trong phế quản;
  • Kháng sinh nhóm Cephalosporin: Nên dùng kháng sinh đường uống trước 2 giờ hoặc sau 2 giờ sau khi dùng thuốc Esomez để tránh khử hoạt tính kháng sinh.

Tóm lại, thuốc Esomez thường được sử dụng để làm tiêu chất nhầy, giải độc trong quá liều Paracetamol, điều trị chứng khô mắt. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe