Đọc sách hiệu quả với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bài viết được viết bởi Chuyên viên ngữ âm trị liệu Nguyễn Thị Yến - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Bạn đã bao giờ tự hỏi, liệu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có cần đọc sách không? Trẻ nhỏ như vậy liệu có hiểu được những gì bạn đọc không? Rất nhiều nhà khoa học đã có nghiên cứu về tác động của đọc sách đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em và cho rằng, đọc sách, trò chuyện, ca hát có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em: về nhận thức, cảm xúc, đặc biệt là ngôn ngữ.

1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có cần đọc sách không?


Dạy bé đọc sách từ bé để hình thành thói quen khám phá, học hỏi
Dạy bé đọc sách từ bé để hình thành thói quen khám phá, học hỏi

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đọc sách giúp:

  • Thúc đẩy sự phát triển của trí não, trí tưởng tượng;
  • Giúp phát triển ngôn ngữ, cảm xúc;
  • Giúp gắn kết các mối quan hệ tình cảm giữa trẻ và người chăm sóc;
  • Giúp trẻ hiểu biết về thế giới xung quanh;
  • Trẻ tìm thấy niềm vui và niềm yêu thích với sách;
  • Hỗ trợ phát triển các giác quan của trẻ.

>>> Dạy trẻ cách đọc sách từ sớm

2. Khi nào bạn có thể bắt đầu đọc truyện cho trẻ?

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn có thể bắt đầu đọc cho bé nghe bất cứ khi nào có thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đọc sách càng sớm càng có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Việc đọc sách cho trẻ bắt đầu từ 8 tháng tuổi có tác động đáng kể tới sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này.

>>> Dạy trẻ đọc: Cần hiểu con đang ở giai đoạn nào?

3. Chia sẻ việc đọc sách với trẻ như thế nào?

Chia sẻ việc đọc sách không có nghĩa là bạn phải đọc hết cuốn sách cho con nghe. Hãy cùng con xem sách và nói về những điều cả bạn và con cùng quan tâm trong cuốn sách. Trẻ sẽ học thông qua việc quan sát bạn cầm sách đúng cách, cách bạn lật giở từng trang sách, cách bạn chỉ vào từng hình ảnh có trong câu chuyện và những biểu cảm có trên khuôn mặt bạn.

  • Hãy đọc chậm và dừng lại ít nhất vài giây trên mỗi trang sách, chỉ cho trẻ thấy các hình ảnh có trong sách. Điều này giúp trẻ hiểu được mối liên kết giữa lời bạn nói và hình ảnh trong sách. Nó cũng sẽ giúp trẻ học cách lắng nghe và tập trung hơn.
  • Làm chậm, lật từng trang cẩn thận, lúc này, bạn đang làm mẫu cho bé cách sử dụng cuốn sách một cách phù hợp.
  • Thay vì cố gắng đọc hết chữ, hãy chỉ ra và gọi tên tất cả những thứ quen thuộc cũng như mới lạ mà trẻ nhìn thấy trong sách. Trẻ càng nghe được nhiều từ, nhìn được nhiều hình ảnh thì trẻ càng học được nhiều hơn.
  • Thay đổi giọng nói và nét mặt của bạn khi đọc sách. Điều này giúp trẻ vừa có cảm hứng nghe bạn đọc sách, vừa dễ dàng tiếp nhận được các âm thanh lời nói khác nhau. Đây là một bước quan trọng giúp trẻ học cách phát âm sau này.

>>> Trẻ nhỏ thích những cuốn sách giải thích "tại sao" cùng các hoạt động xung quanh

4. Để đọc sách cùng trẻ hiệu quả?


Hãy duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày với bé
Hãy duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày với bé

  • Hãy tận dụng tối đa thời gian đọc sách cùng trẻ. Lúc này, tần suất đọc sách quan trọng hơn so với thời lượng hay cường độ đọc sách. Có nghĩa là, thay vì dành ra mỗi ngày 30 phút liên tục để đọc cho con nghe, bạn hãy chia nhỏ 30 phút này thành các khoảng thời gian ngắn khác nhau. Tùy thuộc vào hứng thú của trẻ, bạn có thể kéo dài hoạt động đọc sách từ 3-5 phút.
  • Thiết lập một không gian đọc đặc biệt và dễ nhận biết. Bạn có thể đọc sách trên thảm, ngồi trên ghế, trên gối lười, ngồi vào bàn hoặc bất cứ nơi nào khiến bạn và trẻ cảm thấy thoải mái. Để sách trên giá hoặc cho sách vào một cái hộp ở gần nơi bạn ngồi sẽ giúp trẻ hiểu được: đây chính là không gian mình sẽ đọc.
  • Tạo ra và cố gắng duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày. Bạn có thể đọc vào buổi trưa hoặc buổi tối trước khi bé đi ngủ, hoặc lên lịch để cùng đọc với trẻ vào một khoảng thời gian nào đó trong ngày.
  • Giảm các yếu tố gây xao nhãng sự chú ý của trẻ như: tắt ti vi, tắt điện thoại, đóng cửa phòng để tránh tiếng ồn, tìm một không gian yên tĩnh để trẻ có thể nghe thấy tiếng nói của bạn.
  • Biến hoạt động đọc sách trở thành một hoạt động vui vẻ bằng cách tạo ra những âm thanh vui nhộn. Ví dụ: khi chỉ vào một chiếc xe ô tô, bạn có thể nói “bíp bíp”,...
  • Ngồi đối diện với trẻ hoặc ngồi gần trẻ hoặc để trẻ ngồi trên đùi của bạn khi đọc. Điều này giúp trẻ dễ dàng quan sát được các hình ảnh có trong cuốn sách, vừa giúp trẻ quan sát được những biểu cảm có trên khuôn mặt bạn.

Nương theo sở thích và sự quan tâm của trẻ. Bạn có thể giới thiệu cho trẻ khoảng 2 cuốn truyện và trẻ chính là người lựa chọn sẽ đọc cuốn nào. Nếu có một ngày trẻ trở nên cáu kỉnh và không muốn đọc sách hoặc không thể kiên nhẫn đọc hết cuốn sách? Không sao cả, hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Tuy nhiên, hãy chắc chắn là bạn “hoàn thành” cuốn sách bằng cách đọc trang đầu và trang cuối của cuốn sách.

5. Nên đọc sách gì với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Trẻ sẽ thích những cuốn sách có vần điệu, nhịp điệu, có sự lặp đi lặp lại. Sự lặp lại và có nhịp điệu sẽ giúp trẻ dễ dàng học hỏi hơn. Hãy lựa chọn những cuốn sách:

  • Có màu tươi sáng, hình vẽ đơn giản, có độ tương phản cao như: tranh đen trắng. Điều này sẽ giúp bé dễ dàng tập trung hơn.
  • Sách có các kết cấu khác nhau để trẻ có thể nghe, nhìn, cảm nhận cuốn sách như: các cuốn sách sờ chạm cảm nhận giác quan, sách phát ra tiếng sột soạt,...
  • Sách bằng vải hoặc nhựa mềm, không thấm nước, trẻ có thể sẽ thích cho nó vào miệng gặm hoặc đưa vào bồn tắm của mình.
  • Bạn cũng hoàn toàn có thể tự tạo ra một cuốn sách có hình ảnh của trẻ và các hoạt động, đồ vật trẻ đang thao tác mỗi ngày. Điều này sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú.

6. Một số loại sách có thể phù hợp với trẻ?

  • Các loại sách vải
  • Các loại sách sột soạt, sờ chạm cảm nhận giác quan
  • Các loại sách tương tác, lật mở: trẻ có thể thao tác ngay trên cuốn sách

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: raisingchildren.net.au

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe