Bài viết được viết bởi Chuyên viên ngữ âm trị liệu Nguyễn Thị Yến - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục
Với trẻ em ở độ tuổi mầm non, đọc sách có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, kỹ năng xã hội của trẻ. Đọc sách giúp trẻ làm quen với nhiều âm thanh khác nhau của ngôn ngữ.
1. Lợi ích của việc đọc sách đối với trẻ độ tuổi mầm non
- Trẻ học thêm rất nhiều từ vựng, ngữ pháp.
- Trẻ làm quen với chữ cái. Đây là tiền đề xây dựng kỹ năng đọc viết sớm cho trẻ.
- Trẻ có niềm vui thích và yêu đọc sách.
- Trẻ tập trung, nghe hiểu tốt hơn.
- Giúp kích thích trí tưởng tượng của trẻ.
- Đọc sách góp phần kích thích tính tò mò, ham học hỏi, ham tìm hiểu của trẻ: Trẻ hiểu biết về thế giới xung quanh và học cách tôn trọng sự khác biệt của người khác
- Giúp phát triển các kỹ năng xã hội và kỹ năng quản lý cảm xúc của trẻ: Trẻ xây dựng được mối quan hệ gắn kết với người chăm sóc trẻ.
2. Đọc sách “cùng trẻ” thay vì đọc sách “cho trẻ”
Điều này có nghĩa, trẻ là người chủ động tham gia việc đọc sách chứ không phải bị động ngồi lắng nghe. Mặc dù chưa biết đọc nhưng trẻ hoàn toàn có thể tham gia đọc sách bằng cách chỉ và gọi tên các hình ảnh có trong sách. Hãy tận dụng tối đa thời gian đọc sách của mình và biến nó thành khoảng thời gian đặc biệt yêu thích của trẻ.
Đầu tiên, hãy nhìn vào cuốn sách, đọc to tên câu chuyện, tên tác giả, cùng trẻ nhìn vào các hình ảnh minh họa. Lúc này, bạn có thể đặt một vài câu hỏi để kích thích trí tò mò, khơi gợi ý tưởng và khuyến khích trẻ sử dụng ngôn ngữ để trả lời như:
- Con nghĩ trong câu chuyện này có những ai
- Câu chuyện này nói về điều gì
- Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra với những nhân vật này.
Sau khi giúp trẻ bắt đầu hình dung về câu chuyện, hãy “mời” trẻ cùng tham gia bằng cách lật mở từng trang sách.
Cùng trẻ đọc sách nào
Biến câu chuyện trở nên hấp dẫn và thú vị bằng cách:
- Thay đổi tốc độ đọc, thay đổi ngữ điệu, âm lượng của giọng nói. Với mỗi nhân vật khác nhau, bạn hoàn toàn có thể thay đổi giọng nói và biểu cảm để biến việc “nghe” trở thành việc “trải nghiệm”, “cảm nhận” câu chuyện của trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia câu chuyện bằng cách hướng dẫn con chỉ vào các hình ảnh hoặc từ vựng có trong sách.
- Chờ đợi và để trẻ lật các trang sách. Trước khi trẻ lật sang trang mới, bạn có thể hỏi “con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”... để kích thích trí tưởng tượng của trẻ.
- Với mỗi trang sách, bạn có thể hỏi trẻ: “con nhìn thấy gì”, “ai có bóng nhỉ”, “con đoán cái đuôi này của ai”,...
- Nếu trẻ chú ý đặc biệt đến một trang sách nào đó, bạn hoàn toàn có thể dừng lại, mô tả tất cả các chi tiết, hình ảnh, thậm chí tạo nên một câu chuyện mới từ trang sách đó. Tuy nhiên, hãy đảm bảo để trẻ trở thành “một phần” của câu chuyện mới đó.
- Bạn có thể yêu cầu trẻ điền thêm các từ vào trong những câu chuyện đã đọc trước đó. Hãy thử tạm dừng việc đọc và để trẻ tự hoàn thành hết câu cho bạn. Bạn nên bắt đầu với những từ ngữ thú vị, lặp đi lặp lại, có thể hành động hóa được từ vựng. Ví dụ: bạn nói “trời mưa” và đợi con nói “ầm ầm”,... Điều này giúp trẻ dễ dàng thành công hơn với nhiệm vụ “điền từ”. Sau này, khi trẻ đã quen hơn với trò chơi, bạn có thể nâng độ khó lên bằng việc để trẻ đọc một phần hoặc đọc cả một câu trong đoạn truyện.
- Bạn cũng có thể hỏi trẻ những câu hỏi giúp chúng liên tưởng ra bên ngoài câu chuyện như: “nếu là con, con sẽ làm gì”; “con thấy nhân vật này giống ai”; “nếu con gặp phải một bạn nhỏ đang khóc, con sẽ làm gì”;...
- Xem câu chuyện trước khi đọc nó cùng con, đảm bảo bạn hiểu nội dung và hiểu hình ảnh của câu chuyện. Bạn có thể chuẩn bị sẵn một số câu hỏi phù hợp với độ tuổi và năng lực hiểu của trẻ để hỏi trong khi đọc sách. Viết câu hỏi ra tờ giấy nhớ và dán vào trang sách mà bạn muốn hỏi con. Đó sẽ là công cụ nhắc nhở tuyệt vời giúp bạn không thể quên những gì bạn đã chuẩn bị trước khi đọc sách. Việc làm này vừa giúp kéo dài tương tác của bạn và trẻ, vừa khiến việc đọc sách trở nên hiệu quả, chất lượng hơn.
- Cùng trẻ đọc các từ hoặc cụm từ thú vị, lặp đi lặp lại trong câu chuyện. Bạn có thể hành động hóa những từ vựng đó và cùng con thực hiện. Ví dụ: bạn đọc “mưa rơi” đồng thời vỗ tay và nói từ “lộp độp”.
Đối với trẻ yêu thích chữ cái, từ vựng
- Khuyến khích trẻ nhìn vào chữ cái, từ vựng và chỉ cho con thấy sự khác biệt giữa các chữ cái. Ví dụ: chữ in thường và in hoa,...
- Giới thiệu và chỉ cho trẻ xem các dấu câu, đồng thời giải thích về ý nghĩa của các dấu câu đó. Ví dụ: “Đây là dấu chấm hỏi. Khi con nhìn thấy dấu này, có nghĩa là có ai đó đang đặt câu hỏi”,...
- Khi bạn nhìn thấy các từ được in to, đậm, hãy chỉ cho trẻ xem những từ này và giải thích vì sao chúng lại có sự thay đổi như vậy. Ví dụ: “Con nhìn chữ HU HU viết lớn thế này. Mẹ đoán em bé đang khóc rất to đấy.”
- Đặt thêm câu hỏi về tên của các chữ cái.
- Cùng con chơi trò chơi “tìm chữ cái”, đặc biệt là các chữ cái có trong tên của con và bạn.
Gợi ý các hoạt động liên quan đến đọc sách
- Bạn có thể cùng con thảo luận và tạo ra những câu chuyện dựa trên câu chuyện có sẵn. Hãy vẽ những sơ đồ tìm kiếm kho báu hoặc những con đường để giải cứu các nhân vật trong câu chuyện,...
- Hướng dẫn con lựa chọn chủ đề câu chuyện và cùng con thảo luận, viết, vẽ để xây dựng nên câu chuyện dành riêng cho con.
- Nếu con chưa biết đọc, hãy khuyến khích trẻ quan sát các bức tranh và tự kể câu chuyện theo ý tưởng của con.
- Đóng vai các nhân vật có trong câu chuyện là một ý tưởng tốt giúp trẻ thực sự trải nghiệm câu chuyện, đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa trẻ và bạn.
Để đọc sách với con hiệu quả, bạn nên:
- Tạo thói quen đọc sách và cố gắng duy trì nó mỗi ngày.
- Tạo không gian thoải mái để trẻ và bạn cùng đọc sách.
- Tắt tivi, điện thoại, đóng cửa để giảm tiếng ồn. Điều này giúp con tập trung hơn khi đọc.
- Ôm trẻ, ngồi đối diện hoặc đặt con lên đùi để trẻ có thể vừa nhìn thấy sách vừa nhìn thấy những biểu cảm thú vị trên khuôn mặt bạn.
- Nương theo hứng thú và mối quan tâm của con. Đừng lo lắng và cố ép trẻ đọc hết một cuốn sách khi con đã có biểu hiện chán (ví dụ: quay đi chỗ khác, đứng lên,...)
- Cung cấp các lựa chọn và để con tự tìm cuốn sách mà con muốn đọc. Trẻ có thể thích đọc đi đọc lại một cuốn sách hoặc một trang sách nào đó. Không sao cả, trẻ sẽ sớm thấy rằng những cuốn sách khác hoặc những trang khác cũng rất thú vị.
Lặp đi lặp lại những câu ngắn hoặc những âm thanh thú vị trong câu chuyện. Ví dụ: “nhổ củ cải, nhổ lên nào”,...
3. Một số loại sách trẻ có thể thích
- Sách có màu sắc tươi sáng, sinh động, hài hước.
- Những câu chuyện ngắn gồm 4-10 trang, có từ ngữ ít và đơn giản.
- Các dạng sách tương tác, sách lật mở, sách chuyển động.
- Sách về các chủ đề: động vật, phương tiện giao thông, âm nhạc, chữ cái, chữ số,...
- Sách kỹ năng hoặc nhận biết, chăm sóc cơ thể.
>>> Trẻ nhỏ thích những cuốn sách giải thích "tại sao" cùng các hoạt động xung quanh
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: raisingchildren.net.au